Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp tưởng nhớ, tri ân các Vua Hùng, đồng thời còn nhắc nhở về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Nhớ lời Bác Hồ căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, chúng ta càng thấm nhuần giá trị lịch sử của sự gắn bó keo sơn giữa các dân tộc. Phong trào Tây Sơn là một trong những minh chứng tiêu biểu.
Tập hợp đại đoàn kết Kinh - Thượng
Năm 2017, UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Tây Sơn thượng đạo trong khởi nghĩa Tây Sơn”. Từ hội thảo này, đã có thêm nhiều góc nhìn sâu sắc về việc anh em nhà Tây Sơn lựa chọn vùng núi rừng An Khê (tỉnh Gia Lai) làm căn cứ địa đầu tiên cho cuộc khởi nghĩa. Đồng thời nhấn mạnh anh em nhà Tây Sơn đã sớm thiết lập mối quan hệ đoàn kết giữa người Kinh với các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, tập hợp được sức mạnh của các dân tộc ở khu vực phía Bắc Tây nguyên vào cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.
Vùng Tây Sơn thượng đạo (tỉnh Gia Lai) đã trở thành căn cứ chiến lược, nơi nghĩa quân Tây Sơn tập hợp lực lượng, rèn luyện binh sĩ và tích trữ lương thảo. Đồng bào Tây Nguyên không chỉ cung cấp nhân lực, vật lực mà còn trực tiếp tham gia góp phần quan trọng vào lực lượng nghĩa quân. Đặc biệt, Nguyễn Nhạc, một trong ba thủ lĩnh nhà Tây Sơn, đã kết hôn cùng bà Ya Đố - con gái một vị tộc trưởng người Bana.
UBND tỉnh Gia Lai long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2025) tại di tích An Khê Trường. Ảnh: THẢO VY |
Nếu Tây Sơn thượng đạo đóng vai trò hậu phương vững chắc thì Tây Sơn hạ đạo (tỉnh Bình Định) lại là nơi xuất quân, chỉ huy các chiến dịch quan trọng chống chúa Nguyễn và quân Thanh. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai vùng này trong thời kỳ đầu của cuộc khởi nghĩa đã tạo nên hệ thống phòng thủ kiên cố, sức mạnh về lực lượng, tạo nền tảng vững chắc để phong trào Tây Sơn từng bước phát triển lớn mạnh, tạo tiền đề cho những chiến công hiển hách về sau.
Trong bài viết Âm vang hào khí Tây Sơn thượng đạo đăng trên website của Bảo tàng tỉnh Gia Lai, Th.S Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng Phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT&DL tỉnh Gia Lai) nhấn mạnh, vùng An Khê xưa (gồm cả TX An Khê và các huyện Đak Pơ, Kbang và Kông Chro ngày nay) là nơi tình đoàn kết Kinh - Thượng đã được vun đắp; nơi những người yêu nước, trọng lẽ công bằng đã làm nên một cuộc khởi nghĩa thần thánh...
“Chúng ta không biết dòng sông Côn đã chứng kiến bao lượt người ngược xuôi. Chúng ta không biết những lối mòn trong rừng đã nâng đỡ bước chân của tiền nhân như thế nào. Nhưng chắc chắn, để có được một căn cứ buổi đầu vững chãi cho cuộc khởi nghĩa, ông cha ta đã đổ nhiều mồ hôi và máu. An Khê, Đak Pơ, Kbang, Kông Chro hôm nay tự hào vì đã được lịch sử và người anh hùng Nguyễn Nhạc chọn làm điểm tựa”, Th.S Nguyễn Quang Tuệ viết.
Bảo tàng Tây Sơn thượng đạo ở TX An Khê. Ảnh: H.THU |
Gạch nối lịch sử Bình Định - Gia Lai
Từ lịch sử đến hiện tại, sự gắn kết giữa Bình Định và Gia Lai vẫn thể hiện rõ qua những di tích chung của phong trào Tây Sơn được bảo tồn, phát huy và nâng tầm giá trị.
Vượt qua những con đường đồi núi, xuyên qua những cách rừng, chúng tôi đã tìm về “Vườn mít - Cánh đồng Cô Hầu” - vùng đất rộng khoảng 20 ha, nằm yên bình giữa xã Nghĩa An, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Hỏi thăm những người Bana ở địa phương, họ nhiệt tình chỉ đường và bày tỏ lòng kính ngưỡng về địa danh này.
Đứng trên vùng đất di tích, cảm nhận dòng chảy lịch sử ở nơi ghi dấu cho sự kiên trung của vợ Nguyễn Nhạc là bà Ya Đố cùng đồng bào Bana năm xưa. Họ đã khai phá nơi đây, trồng lúa, trồng mít và một số cây lương thực, xây dựng lực lượng hậu cần, huy động mọi nguồn lực về vật chất cung cấp cho nghĩa quân Tây Sơn trong những năm đầu khởi nghĩa. Năm 1991, Bộ VH-TT&DL công nhận nơi này là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Vườn mít - Cánh đồng Cô Hầu là một trong những điểm nhấn quan trọng thuộc quần thể di tích Tây Sơn thượng Đạo - hệ thống 23 điểm di tích, chia thành 8 cụm, trải dài trên địa bàn 4 huyện, thị xã của tỉnh Gia Lai, được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt năm 2021.
Nhà bia di tích Vườn mít - Cánh đồng Cô Hầu. Ảnh: H.THU |
Từ năm 2014, Khu Đền thờ Tây Sơn tam kiệt (Bảo tàng Quang Trung, huyện Tây Sơn) đã được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Đây cũng là điều hiếm có trong nước khi công nhận hai di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt ở hai tỉnh liền kề nhau, có quan hệ mật thiết với nhau của cùng một phong trào, triều đại Tây Sơn đã tạo nên những trang sử vẻ vang chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Khi mới vừa bước qua cổng Bảo tàng Quang Trung, nhiều du khách ấn tượng trước nhà rông Bana nổi bật trên bãi cỏ. Đây là công trình được tỉnh Gia Lai tài trợ tặng cho tỉnh Bình Định, hoàn thành đầu năm 2007. Bên trong nhà rông trưng bày nhiều hiện vật gắn với đời sống sinh hoạt, sản xuất, tâm linh của đồng bào các dân tộc vùng Tây Sơn thượng đạo nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Trong khu nhà trưng bày của Bảo tàng Quang Trung, cũng giới thiệu đến khách tham quan nhiều hiện vật, tư liệu liên quan đến Tây Sơn thượng đạo. Chương trình biểu diễn của đội nhạc võ Bảo tàng Quang Trung, ngoài trống trận Tây Sơn còn có diễn tấu cồng chiêng âm vang đại ngàn, như lời hiệu triệu đồng bào các dân tộc năm xưa cùng đứng lên tụ nghĩa dưới ngọn cờ Tây Sơn.
Tại Bảo tàng Quang Trung và di tích An Khê Trường (TX An Khê, thuộc quần thể di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo) hằng năm đều tổ chức trang trọng phần lễ, đông vui phần hội nhân dịp kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789) vang dội lịch sử.
Đội nhạc võ của Bảo tàng Quang Trung nhiều năm được mời góp mặt trong lễ hội tại An Khê Trường, biểu diễn trống trận và những bài võ cổ truyền đặc sắc, góp phần khơi dậy niềm tự hào, tinh thần đoàn kết, mạch nguồn truyền thống hào hùng của đồng bào các dân tộc ở hai tỉnh Bình Định - Gia Lai…
HOÀI THU
Nguồn: https://baobinhdinh.vn/viewer.aspx?macm=1&macmp=1&mabb=353867
Bình luận (0)