Khi các bạn cùng trang lứa đã lên chức ông, chức bà thì bố mới được bồng đứa con đầu lòng. Tôi là con út, được bố cưng chiều nhất nhà, khi tôi ra đời, bố đã gần 50 tuổi. Cái tuổi mà ở quê con cháu đã đầy nhà. Nhưng thời đó cũng rất nhiều gia đình có hạnh phúc muộn màng như bố mẹ, tất cả là bởi chiến tranh. Sau giải phóng, bố tiếp tục được bố trí công tác trong lực lượng vũ trang, nhưng những người lính từng vào sinh ra tử nơi chiến trường như bố chỉ mong ước sớm được sum vầy, đoàn tụ cùng gia đình, về với người vợ đã mòn mỏi dành cả thanh xuân để chờ đợi và ông đã xin ra quân về công tác đoàn thể tại quê nhà.
Xưa nay người ta thường ví “mẹ là khúc hát lời ru” hay “lời ru có gió mùa thu, bàn tay mẹ quạt mẹ đưa gió về” nhưng với tôi, ký ức trong tôi luôn là hình ảnh bố cõng tôi trên vai, vừa đi khắp nhà vừa hát ru cho tôi trong những trưa hè nắng gắt. Từ quả sung chát, đào chua, từ con cò, con vạc, cái bống cái bang…, từ nàng Kiều hay mẹ Tơm, mẹ Suốt đều hiện diện trong lời ru của bố. Bởi vậy, khi chưa biết mặt chữ, tôi đã thuộc vanh vách thơ Tố Hữu, đã biết lẩy Kiều, ví von ca dao dân ca.
Nhớ những đêm hè, bố tháo những cánh cửa gỗ rồi kê lên bờ dậu, ở dưới để vài chậu nước, mấy bố con nằm hóng mát. Thích nhất là vừa được bố quạt mát vừa nghe kể chuyện, ngâm thơ… Nhưng tôi vẫn mê nhất là chuyện bố kể ở chiến trường với những đêm hành quân không ngủ, bị sốt rét rừng… và hiện lên trong tôi là hình ảnh những người lính can trường, tình đồng chí, đồng đội thật đẹp.
Vẫn thích những ngày trời mưa, bố thể nào cũng sẽ đi đón tôi mỗi buổi tan trường. Bố xốc tôi lên lưng rồi quàng áo mưa ngang cổ, kín cả đầu tôi. Tôi nằm trên tấm lưng gầy guộc còm cõi, hít hà mùi mồ hôi nồng nồng, mằn mặn, ngai ngái mùi bùn, hẳn là bố vừa ra đồng về nhưng vội đi đón tôi nên chưa tắm rửa. Tôi kể cho bố nghe đủ chuyện, chốc chốc lại hỏi bố đi đến đâu rồi, bố vừa cõng tôi vừa bám chặt chân trên đường trơn rặt những sống trâu vừa kiên nhẫn trả lời. Có lẽ đây chính là những khoảnh khắc tuyệt đẹp đọng mãi trong tôi, khoảnh khắc đó đã nuôi dưỡng tuổi thơ, tâm hồn tôi để rồi giờ đây đã non nửa đời người, tôi vẫn cất giữ trong tim bóng hình cha với tâm hồn trong trẻo.
Năm học lớp 4, tôi được chọn đi thi học sinh giỏi môn Tiếng Việt. Cô giáo chủ nhiệm muốn tôi lên nhà cô học thêm vào cuối tuần. Đường xa, bố bỏ việc đồng áng đưa tôi đi mỗi ngày. Ngày mưa cũng như ngày nắng, bền bỉ ròng rã mấy tháng, trên chiếc xe khung nam vốn là chiếc xe thồ đã cùng bố cõng tôi đi chinh phục con chữ. Bố già, bố yếu nhưng ý chí và bản lĩnh của bố thì cứng hơn thép. Bố chính là người đã khai sáng và chắp cánh cho những ước mơ của tôi. Ngày ấy, tôi chỉ mong mình lớn thật nhanh và thành công để có thể mua cho bố chiếc xe thật đẹp, tặng bố những gì tốt nhất nhưng đến khi tôi có thể mua được thì bố đã đi xa.
Ngày bố đi xa là một đêm trời trở gió, rét nàng bân buốt giá. Hôm ấy mưa dông dữ dội, cây hai bên đường gió bật tung gốc. Dù đã đón chuyến xe nhanh nhất có thể, nhưng tôi vẫn không kịp nói chuyện với bố lần cuối, không kịp đút cho bố miếng bánh chè lam mà ông thích ăn nhất. Đó là điều tôi hối tiếc nhất trong cuộc đời mà đến tận bây giờ vẫn day dứt.
Bố tôi, người đàn ông có thể không hoàn hảo với cả thế giới nhưng luôn vĩ đại, tuyệt vời với tôi. Cuộc đời bố chính là khúc vĩ cầm tuyệt đẹp!.
Chào nhé yêu thương, mùa thứ 4, chủ đề “Cha” chính thức ra mắt từ ngày 27-12-2024 trên bốn loại hình báo chí và các hạ tầng số của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV), hứa hẹn sẽ mang đến cho công chúng những giá trị tuyệt vời của tình cha thiêng liêng, cao đẹp. |
Nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/171812/tan-man-ve-bo
Bình luận (0)