Nhân kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh- Liệt sĩ, tôi có dịp trở lại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh nhà. Đứng trước những ngôi mộ có tên và chưa có tên, tôi nghe vang vọng một tiếng gọi thiêng liêng từ sâu thẳm lòng đất: “Đồng chí!”
Tiếng gọi ấy không vang lên bằng lời. Nó như vọng về từ tiềm thức những năm tháng máu lửa, từ nơi này, nơi mà dưới lớp cỏ xanh kia có những phần xương cốt không còn nguyên vẹn. Có những thân thể từng bị thiêu hủy, vùi sâu sau một trận đánh không cân sức vào đêm giao thừa Xuân Mậu Thân 1968.
Năm ấy, khi cả nước đang náo nức đón xuân, thì nơi chiến trường, các lực lượng vũ trang đã vào vị trí chuẩn bị nổ súng. Tiểu đoàn 857- gồm Đại đội Đặc công và Đại đội 203- được giao nhiệm vụ đặc biệt: tiến công sân bay Vĩnh Long, phá tan sức mạnh hậu cần, làm tê liệt trung tâm tiếp viện của địch.
Trong đêm tối, họ hành quân lặng lẽ. Trên vai họ không chỉ là súng đạn mà còn là niềm tin sắt đá vào thắng lợi. Trận đánh nổ ra ác liệt. Hơn 60 trực thăng địch bị phá hủy, sân bay chìm trong hỗn loạn. Nhưng trong ánh sáng rực lửa ấy, 35 chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh. Họ bị kẻ thù chôn vùi và đốt xác trong một hố tập thể ở khu vực sân bay. Không dấu tích.
Phải hơn 40 năm sau, tôi vẫn còn nhớ rõ buổi sáng ngày 4/4/2009. Nhân dân và lực lượng vũ trang Vĩnh Long mới lần theo dấu vết, tìm thấy nơi chôn vùi 35 chiến sĩ ấy. Hài cốt đã hóa thành đất, chỉ còn sót lại vài mảnh xương. Những người tìm kiếm đã nhặt từng mảnh xương cốt, từng nắm đất thẫm màu nơi thân thể các anh đã hòa tan vào lòng đất, gom lại vào 35 chiếc quách, rồi gắn tên theo danh sách liệt sĩ đã hy sinh trong trận đánh năm xưa. Trong đó có liệt sĩ Trần Thanh Liêm- Đại đội phó Đại đội 203- người đã xung phong làm mũi trưởng, trực tiếp chỉ huy mũi thọc sâu đánh vào sân bay.
Các anh được tổ chức lễ truy điệu và an táng trang trọng tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh, trong tiếng nhạc trầm buồn “Hồn tử sĩ”, trong những giọt nước mắt lặng thầm của đồng đội, thân nhân và Nhân dân. Không thể nhận diện từng người, nhưng sự hy sinh của họ mãi mãi không thể bị lãng quên. Những tấm bia được dựng lên như những nốt trầm bất tử trong bản hùng ca của dân tộc.
Tôi đứng lặng giữa nghĩa trang, lặng nghe tiếng gió lướt qua hàng cây, gợi về hơi thở của đêm giao thừa năm ấy. Hồi đó, tôi là một phóng viên, theo sở chỉ huy mặt trận đóng tại ấp Phước Trinh, xã Phước Hậu để đưa tin chiến thắng từ khắp các mặt trận, từng mũi tiến công về cho Thông tấn xã Giải phóng để kịp phát trên Đài Phát thanh Giải phóng, Đài Tiếng nói Việt Nam.
Trong gió hôm nay, tôi như vẫn còn cảm nhận được mùi khói, mùi máu và cả những giấc mơ còn dang dở của những người lính trẻ đã ngã xuống. Họ không sợ hãi. Không oán hận. Họ nhìn tôi- người đồng chí của họ- bằng ánh mắt dịu dàng, kiên định, và chỉ khẽ thì thầm: “Chào đồng chí”. Rồi họ lặng lẽ quay về lòng đất mẹ.
Tiếng gọi “đồng chí” vẫn âm vang từ nơi sâu thẳm ấy, như một lời nhắn nhủ cho những người đang sống hôm nay.
Những ngôi mộ không còn nguyên vẹn thân xác, vì thân thể các anh đã hòa vào lòng đất mẹ. Nhưng họ không cần được gọi tên từng người. Bởi chính sự hy sinh của cả trung đội đã trở thành biểu tượng cho tinh thần bất khuất của cả một dân tộc.
Và tôi, một người may mắn còn sống và trở về, xin cúi đầu lặng lẽ, để nghe rõ hơn tiếng nói từ lòng đất:
“Chúng tôi đã hoàn thành sứ mệnh.
Còn các đồng chí thì sao?”
Một câu hỏi không dành riêng cho tôi. Mà cho tất cả chúng ta- những người đang tiếp bước xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
NGUYỄN THANH HÙNG
Nguồn: https://baovinhlong.com.vn/van-hoa-giai-tri/202507/tan-van-tieng-goi-tu-long-dat-me-9d60caf/
Bình luận (0)