Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tăng giám sát để hạn chế gian lận thương mại

Căng thẳng thương mại toàn cầu vẫn tiếp tục leo thang, điều này cũng sẽ tác động đến gian lận thương mại ngày càng diễn biến phức tạp. Việt Nam là nước tham gia vào hội nhập sâu, nhanh với 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương đã ký kết và 2 hiệp định đang đàm phán. Các FTA Việt Nam đã ký kết chiếm hơn 66% GDP toàn cầu. Đây là lợi thế cho nước ta trong mở rộng xuất khẩu hàng hóa và thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực.

Báo Đồng NaiBáo Đồng Nai25/04/2025

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, các FTA mở ra cơ hội nhưng cũng đi kèm nhiều thách thức. Trong đó, cơ hội là nhiều mặt hàng được miễn thuế ngay khi FTA được ký kết và có hiệu lực hoặc theo lộ trình từ 1-6 năm giảm thuế về 0%. Do đó, các doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào các nước Việt Nam đã có ký kết FTA để hưởng ưu đãi về thuế quan, tăng khả năng cạnh tranh với hàng hóa cùng loại đến từ các nước. Thế nhưng, doanh nghiệp muốn hưởng được các ưu đãi về thuế quan phải đáp ứng được hàng rào về kỹ thuật như: tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn về môi trường, lao động, quản trị…Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đối mặt với thách thức, hàng hóa tiêu thụ ở nội địa sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt hơn của các đối tác đến từ các nước thành viên trong khối FTA.

Ngoài ra, trong tình thế hiện nay, nếu Việt Nam không kiểm soát tốt hàng hóa nhập khẩu từ các nước có thể xảy ra tình trạng gian lận thương mại. Cụ thể, nhiều mặt hàng nhập khẩu vào nước ta, sau đó lắp ráp và lấy nguồn gốc, xuất xứ tại Việt Nam để xuất khẩu vào các quốc gia Việt Nam đã ký FTA để được hưởng ưu đãi về thuế quan. Nếu lực lượng quản lý không kiểm soát tốt nguồn hàng nhập khẩu vào nước ta sẽ ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp đang sản xuất, xuất khẩu ở Việt Nam. Đồng thời, ảnh hưởng rất lớn đến uy tín hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến hàng hoạt cuộc kiện bán phá giá với hàng hóa Việt Nam.

Do đó, ngày 15-4-2025, Bộ Công thương đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-BCT về tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động kiểm tra, giám sát xuất xứ hàng hóa trong tình hình mới. Trong đó, các cơ quan chức năng sẽ kịp thời thực hiện những biện pháp phòng, chống gian lận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu và các nước đối tác FTA.

Đồng Nai là tỉnh có sản xuất công nghiệp, xuất khẩu trong tốp đầu cả nước, chiếm gần 8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam nên việc kiểm tra, giám sát xuất xứ hàng hóa rất được chú trọng. Mục tiêu để bảo vệ sản xuất, xuất khẩu cho các doanh nghiệp trên địa bàn và phát triển công nghiệp, xuất khẩu bền vững.      

Uyển Nhi

Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202504/tang-giam-sat-de-han-che-gian-lan-thuong-mai-e845c44/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Về với đại ngàn
Chênh vênh Sa Mù
Trào lưu đến Mộc Châu chụp ảnh mùa hoa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm