Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 177/TB-VPCP ngày 14/4/2025 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc tại buổi làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội.
Thông báo kết luận nêu rõ, sau hơn 2 thập kỷ đồng hành cùng người nghèo và các đối tượng chính sách, Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã từng bước khẳng định vai trò then chốt trong công cuộc giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội của đất nước.
Được hình thành và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ cùng nỗ lực phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị, NHCSXH đã trở thành điểm tựa tài chính vững chắc cho hàng triệu hộ nghèo, giúp họ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai tích cực các nhiệm vụ được giao và đạt được nhiều kết quả quan trọng: đã huy động được nguồn vốn đa dạng và quy mô ngày càng lớn, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt hơn 416 nghìn tỷ đồng, phục vụ hơn 6,8 triệu người nghèo và các đối tượng chính sách. Chất lượng tín dụng chính sách được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh được duy trì ở mức thấp (0,55% tổng dư nợ).
Ảnh minh hoạ. |
Dù vậy, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những mặt còn hạn chế trong hoạt động của NHCSXH, đặc biệt là về cơ cấu nguồn vốn. Hiện nay, nguồn vốn huy động vẫn chưa thực sự đa dạng, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; vốn ủy thác tại một số địa phương; nguồn vốn có nguồn gốc từ thiện và các nguồn vốn hợp pháp khác chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng nguồn vốn; chưa có cơ chế, chính sách để thu hút nhân sự có trình độ cao, đặc biệt là nhân sự làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội còn hạn chế.
Trước thực tế đó, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh yêu cầu đổi mới toàn diện, nâng cao năng lực hoạt động và tăng cường khả năng thích ứng của NHCSXH trong giai đoạn mới. Trước hết, ngân hàng cần bám sát định hướng sắp xếp, kiện toàn bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị, đơn vị hành chính theo chủ trương của Đảng, bảo đảm phù hợp với thực tiễn hoạt động và tính đặc thù của một ngân hàng phục vụ an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội cần tiếp tục nghiên cứu và đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI) dữ liệu lớn (Bigdata) nhằm tiết giảm chi phí, nhân lực, tiết kiệm thời gian, tối ưu hoá quy trình quản lý, kiểm soát hoạt động, thực hiện nhiệm vụ được chính xác và an toàn, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống, tạo điều kiện phục vụ, cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Chú trọng thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Hội đồng quản trị, Ban đại diện Hội đồng quản trị, hệ thống kiểm tra kiểm soát nội bộ; kiểm tra, giám sát hoạt động uỷ thác, uỷ nhiệm, sử dụng vốn vay. Tăng cường công tác quản trị và quản lý vốn chặt chẽ, hiệu quả.
Tập trung nghiên cứu và rà soát kỹ lưỡng các quy định, quy trình thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, cắt giảm và đơn giản hoá tối đa các thủ tục để nâng cao hiệu quả công việc, tiết giảm chi phí hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội và khách hàng.
Nguồn: https://thoidai.com.vn/tao-dieu-kien-cung-cap-dich-vu-tot-nhat-cho-nguoi-ngheo-212575.html
Bình luận (0)