Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tế xuân

THÁI MỸ

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng05/04/2025

Như thành lệ, cứ vào những ngày tháng Ba âm lịch tôi lại về ngôi làng nhỏ ẩn mình dưới rặng tre xanh bên hữu ngạn bờ sông Thu Bồn để cùng họ hàng làm lễ tế xuân. Nắng xuân sóng sánh rắc xuống những thửa ruộng kín bông no tròn đang uốn câu vàng óng trước nhà thờ tộc. Đàn cò trắng rập rờn ngang qua cánh đồng về hướng thánh địa Mỹ Sơn trong tiết xuân ấm áp, cảnh quê thật yên bình. Chỉ tay ra mấy đám ruộng trước mặt, chú tôi bảo: “Xong tế xuân là bắt tay vào thu hoạch vụ mùa rồi. Lúa năm nay cũng kha khá”.

Ảnh tư liệu
Ảnh tư liệu

Hầu hết bà con xứ Quảng dâng lễ tế tổ tiên vào độ tháng Ba, nhiều vùng miền gọi là tết thanh minh. Tiết thanh minh là khoảng thời gian sau lập xuân, lúc này những cơn mưa phùn đã ngớt dần, bầu trời quang đãng, cao xanh, ấm áp. Đây là dịp tảo mộ phù hợp nhất bởi người xưa cho rằng trước tiết thanh minh thường mưa nhiều, đất đai ẩm ướt, cỏ dại phủ kín các ngôi mộ. Hơn nữa, mưa có thể làm sạt lở, hư hỏng các mộ phần nên đợi cho trời tạnh ráo đi dẫy cỏ, sửa sang lại các ngôi mộ của tổ tiên, ông bà, người thân.

Tuy nhiên, không ít làng quê xứ Quảng chọn tảo mộ lại vào một dịp khác, tùy theo điều kiện thuận lợi của từng vùng. Quê tôi tảo mộ vào dịp cuối tháng Mười Một âm lịch, thường gọi chạp mả, thời gian kết thúc mùa mưa, nước dòng sông Thu Bồn bắt đầu trở lại xanh ngắt, phẳng lặng, cánh đồng còn trơ gốc rạ, chưa tới độ gieo sạ nên rảnh rỗi. Con cháu tập trung sửa sang các ngôi mộ trước một ngày rồi về tại nhà thờ làm lễ cúng chạp mả, coi như khép lại một năm.  

Đến hẹn lại lên, tháng Ba âm lịch là lễ tế xuân. Để chuẩn bị cho lễ tế xuân, trước đó con cháu trong tộc dựng cái rạp che tôn, đặt sẵn các bộ bàn ghế trước sân rộngcủa nhà thờ tộc. Các cụ cao niên đến từ lúc mờ sáng để kiểm tra, nhắc nhở cháu con những phần việc cụ thể rồi quây quần bên chiếc bàn tròn nhâm nhi ly trà thơm với những câu chuyện vườn tược, đồng áng, hàn huyên vô vàn kế mưu sinh của con cháu.

Ba mâm cổ cúng đất đặt ngay ngắn ở chính diện bức bình phong. Một hồi trống lệnh vang lên thì sớ khấn thổ địa cũng bắt đầu vào chương trình chính của lễ tế xuân. Từng nhịp trống cứ đuổi theo đều đều từng đoạn của chầu văn một cách thuần thục. Khi ngọn đèn sáp cháy quá nửa cũng là lúc người chủ lễ dâng sớ cùng với các phụ lễ quỳ lạy để vào bên trong tiền đường làm lễ cúng tổ tiên, nguồn cội, sau đó con cháu nội, ngoại tiếp tục vào dâng hương.

Xong phần lễ kỵ, khách khứa, các bậc cao niên cùng con cháu bên ngoại được mời ngồi vào bàn trước cho đủ rồi mới tới lượt con cháu bên nội. Cái luật tục bất thành văn này cũng có từ lâu đời, bởi theo các cụ truyền dạy là cháu ngoại tuy cùng máu mủ, ruột thịt nhưng đã mang một họ khác, do đó việc chính của cháu ngoại là phải có trách nhiệm với tổ tiên theo tộc họ của mình. Họ về với cội nguồn bên ngoại với hai cái nghĩa vừa con cháu, vừa là “khách”. Tiền khách, hậu chủ là vậy mà.

Trong cuộc sống đời thường ở khắp các làng mạc, quê hương thì mỗi nơi cũng có cách tế xuân khác nhau theo từng điều kiện, hoàn cảnh kinh tế, công việc, song đều tề tựu lại một điểm chung nhất là thể hiện lòng biết ơn, tưởng nhớ các bậc tiền nhân, tổ tiên, ông bà đồng thời cũng là nghĩa cử về giá trị tinh thần của những người đang sống. Lễ tế xuân hằng năm cũng là dịp để con cháu nội, ngoại xa gần có dịp tập trung, gặp gỡ, chuyện trò vui vẻ, tạo thêm sự gắn kết cộng đồng.

Tôi nhớ mãi câu nói của ông trưởng tộc cũng vào độ tế xuân năm nào: “Đây là dịp để tất cả mọi người, từ các vị cao niên, có vai vế, thứ bậc đến các cháu chắt trong dòng tộc chúng ta có cơ hội gặp nhau, biết nhau mà có đối nhân, xử thế cho phải đạo. Tôi nghĩ, ông nói đúng, không gặp gỡ, sao biết hết bà con, họ hàng.   

Nguồn: https://baodanang.vn/channel/5433/202504/te-xuan-4003226/


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm