Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Bộ Xây dựng chủ trì “nghiên cứu thành lập, thiết lập cơ chế hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chuyên đầu tư phát triển nhà ở xã hội.” Hiện nay ở trung ương cũng như địa phương đều đã có các định chế tài chính cũng như cơ chế chính sách cho vay ưu đãi đối với việc phát triển nhà ở xã hội, bên cạnh các chương trình tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại. Tuy vậy, vướng mắc lớn nhất trong thời gian vừa qua là nguồn vốn cho vay ưu đãi hạn hẹp.
Do đó, để đảm bảo triển khai khả thi, nhanh và hiệu quả, Bộ Tài chính đề xuất thay vì thành lập định chế tài chính mới thì sử dụng hệ thống các định chế tài chính hiện có để thực hiện cho vay phát triển nhà ở xã hội, và kiến nghị trung ương và địa phương ưu tiên nguồn lực, các cơ chế hỗ trợ cho các định chế này mở rộng hoạt động cho vay nhà ở xã hội.
Tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội quốc gia đang báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến quy định việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia để thực hiện cả 3 nội dung về: Hỗ trợ kinh phí bồi thường, tái định cư; đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; và hỗ doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở và đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội.
Giao Chính phủ quy định chi tiết mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, nguồn ngân sách cấp hằng năm.
Thứ trưởng Hồ Sỹ Hùng cũng nêu một số vướng mắc về hỗ trợ kinh phí bồi thường, tái định cư và đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khi pháp luật hiện hành về ngân sách nhà nước, đầu tư công chưa có quy định cho phép sử dụng linh hoạt nguồn vốn đầu tư công hoặc kinh phí thường xuyên để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội ngoài phạm vi dự án; vướng mắc trong hỗ trợ với các dự án nhà ở xã hội cho thuê, thuê mua, chưa có Quỹ phát triển nhà ở quốc gia hoặc mô hình định chế tài chính phù hợp để hỗ trợ nguồn lực triển khai các dự án nhà ở xã hội.
“Bộ Tài chính nhận thấy còn chưa định hướng rõ về vị trí pháp lý của Quỹ (ở trung ương hay địa phương), đặc biệt là chưa rõ về nguồn lực để triển khai thực hiện nhanh và hiệu quả như chỉ đạo của Bộ Chính trị. Nếu không xin Quốc hội rõ về vấn đề này thì việc giao Chính phủ triển khai cũng sẽ có khó khăn vướng mắc,” Thứ trưởng Hồ Sỹ Hùng cho hay.
Bộ Tài chính trình hai phương án về cơ chế tài chính hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội và định hướng thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia. Phương án 1, thành lập Quỹ thực để thực hiện 3 chức năng như đang báo cáo Quốc hội.
Phương án 2, tập trung nghiên cứu thành lập Quỹ/tổ chức phát triển nhà ở để đầu tư nhà ở xã hội cho thuê và thuê mua để giải quyết vướng mắc hiện nay.
Trong đó, Bộ Tài chính kiến nghị chọn Phương án 2. Tại cuộc họp, đại diện các Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ đã trao đổi, thảo luận về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn của việc thành lập quỹ; chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức, quy mô, đối tượng phục vụ, cơ quan chủ quản, nguồn thành lập quỹ.... để quỹ hoạt động hiệu quả, đáp ứng mục tiêu và yêu cầu đề ra.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nêu quan điểm, vấn đề phát triển nhà ở xã hội là chính sách xã hội, do đó trách nhiệm là của nhà nước. Quỹ phát triển nhà ở xã hội là một trong những nội dung cụ thể nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội giai đoạn tới.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đề nghị làm rõ nguồn lực cho quỹ này, đối tượng thụ hưởng, phương thức quản lý quỹ... Ông cho biết đã nghiên cứu rất sâu gói hỗ trợ cho vay phát triển nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng và thấy rằng số người thụ hưởng còn khiêm tốn.
Lý giải nguyên nhân gói tín dụng này có “điểm tắc,” chưa đi vào được cuộc sống, ông cho rằng vấn đề nguồn lực chưa phải là mấu chốt, cần xem lại cơ chế chính sách, đánh giá sát thực trạng cung-cầu, “bắt đúng mạch.”
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ, việc thành lập một quỹ về phát triển nhà ở để thực hiện nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người dưới 35 tuổi thuê mua, mua nhà ở... là có cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn. Do đó, thống nhất tên quỹ là "Quỹ phát triển nhà ở quốc gia."
Đây là quỹ nhà nước ngoài ngân sách, do nhà nước thành lập (không trùng với nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước).
Dự kiến, nguồn của Quỹ phát triển nhà ở quốc gia sẽ được huy động từ các nguồn: Ngân sách nhà nước cấp; huy động từ sự tự nguyện đóng góp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; nguồn thu từ quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại theo quy định; nguồn huy động đóng góp của các tổ chức, cá nhân; các nguồn hợp pháp khác.
Chức năng chính của Quỹ phát triển nhà ở quốc gia là đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thuê; nhà ở cho người trẻ dưới 35 tuổi... Quỹ phát triển nhà ở quốc gia có 2 cấp. Cấp trung ương do Bộ Xây dựng quản lý; ở địa phương, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quản lý.
Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tiếp thu các ý kiến phát biểu tại cuộc họp để hoàn thiện Đề án thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia và dự thảo Nghị định để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.
Theo TTXVN
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/thanh-lap-quy-phat-trien-nha-o-quoc-gia-cho-cong-nhan-va-nguoi-duoi-35-tuoi-246409.htm
Bình luận (0)