Phổ điểm "đẹp bất ngờ"
Phổ điểm tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT 2025 có sự thay đổi lớn so với các năm gần đây.
Theo đó, biểu đồ hình yên ngựa đã biến mất, thay vào đó là biểu đồ gần như hình chuông, lệch phải nhẹ.
Biểu đồ hình yên ngựa của môn tiếng Anh từng là vấn đề đau đầu của ngành giáo dục. Bởi việc tồn tại hai đỉnh trên biểu đồ cho thấy sự phân hóa lớn trong việc dạy và học môn ngoại ngữ, phản ánh sự chênh lệch trình độ giữa nhóm điểm thấp và nhóm điểm cao.
Trong khi đó, phổ điểm hình chuông được xem là dạng phân bố lý tưởng trong giáo dục với phần đỉnh nằm ở điểm trung bình - nơi chiếm đa số học sinh, hai bên đối xứng. Số học sinh đạt điểm quá thấp hoặc quá cao rất ít, “khoảng trống” giữa yếu và giỏi bị xoá bỏ.
Như đánh giá của GS Nguyễn Đình Đức, phổ điểm môn tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT 2025 "đẹp bất ngờ".
Phổ điểm hình chuông đã phản ánh tính phân hóa của đề thi, phân biệt rõ học sinh xuất sắc với học sinh trung bình - một yếu tố quan trọng trong tuyển sinh đại học. Khi tình trạng “đại trà điểm giỏi” không còn, các trường đại học dễ dàng phân loại, tuyển chọn học sinh hơn.

Cụ thể, phổ điểm môn tiếng Anh có đỉnh nằm ở mức 4,5-5,5 điểm, cao nhất là khoảng 4,75-5,0 điểm với 24.071 thí sinh.
Số lượng thí sinh đạt điểm từ 4 đến 6,5 điểm chiếm đa số, tạo nên phần trung tâm rõ rệt. Từ mức 6,5 điểm trở lên, số thí sinh giảm dần đều.
Từ mức 7 điểm trở lên có 53.251 thí sinh, chiếm tỷ lệ 15,1%. Năm 2024, con số này là 25,2%.
Điểm trung bình năm nay cũng giảm, từ 5,51 của năm 2024 xuống còn 5,38.

Đề thi khó với đa số thí sinh
Dù 2 đỉnh phân hóa yếu - giỏi không còn, nhưng điểm trung bình nằm dưới mức khá - cho thấy tiếng Anh vẫn là môn khó đối với đa số thí sinh, ngay cả khi tiếng Anh đã trở thành môn tự chọn, tức chỉ những thí sinh có thế mạnh ở môn này mới chọn thi.
Một chuyên gia tuyển sinh nêu quan điểm: "Một phổ điểm tốt thường nên có khoảng 20-30% thí sinh đạt từ 7 điểm trở lên để khích lệ học sinh khá - giỏi, vừa giữ độ phân hóa cần thiết vừa không khiến đại đa số cảm thấy “bất lực” khi học tốt tiếng Anh mà chỉ được 6-7 điểm.
Trong dài hạn, nếu quá ít điểm cao ở môn thi này, xã hội có thể mất niềm tin vào hiệu quả dạy học ngoại ngữ ở trường phổ thông".
Vị chuyên gia cũng phân tích thêm, kỳ thi tốt nghiệp THPT vốn có hai mục tiêu chính: xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học.
Với phổ điểm hiện nay, đề thi tiếng Anh năm 2025 chưa phục vụ tốt cho cả hai mục tiêu này, theo chuyên gia.
"Với mục tiêu xét tốt nghiệp, gần 40% học sinh không đạt điểm trung bình là tỷ lệ quá cao, không phù hợp với yêu cầu bảo đảm đầu ra cơ bản. Nếu không điều chỉnh, nguy cơ học sinh “rớt tốt nghiệp” vì môn tự chọn là có thật.
Với mục tiêu tuyển sinh, việc quá ít điểm cao khiến các trường khó sử dụng để sàng lọc thí sinh. Họ sẽ buộc phải dùng thêm tiêu chí phụ hoặc kết hợp nhiều năm điểm học bạ - yếu tố thường bị đặt câu hỏi về tính công bằng", chuyên gia nói.
Trước đó, nhiều ý kiến từ các giáo viên trực tiếp giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn tiếng Anh cho rằng đề thi khó "vượt chuẩn".
Thạc sỹ Giáo dục chuyên ngành tiếng Anh Đinh Thu Hồng sử dụng web thang đo https://textinspector.com để đánh giá và kết luận: chỉ số độ khó của bài đọc trong đề minh họa tương đương bậc đại học, còn chỉ số độ khó của bài đọc trong đề thi chính thức tương đương bậc sau đại học.
Các chỉ số khác cũng cho thấy bài đọc khó nhất của đề minh họa vẫn dễ hơn nhiều so với bài thi chính thức, và dường như cả hai bài đọc đều vượt quá cấp độ 3 như Bộ GD&ĐT đã đưa ra trong mục tiêu chương trình đổi mới dành cho cấp THPT.
Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/thay-gi-qua-con-so-chi-15-thi-sinh-dat-diem-7-tro-len-mon-tieng-anh-20250716004423289.htm
Bình luận (0)