Trong khuôn khổ chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2025, ngày 17-7, Báo Người Lao Động tổ chức talkshow - tư vấn trực tuyến chủ đề "Giải mã điểm thi, chiến lược chọn nguyện vọng đại học (ĐH)" với sự tham gia của các chuyên gia tuyển sinh đến từ nhiều trường ĐH.
Thí sinh lo vì điểm thi thấp hơn kỳ vọng
Đại diện nhiều trường ĐH cho biết sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) công bố điểm thi, khá nhiều thí sinh liên lạc đến trường bày tỏ sự lo lắng. Bởi lẽ, các em đã xác định đăng ký xét tuyển vào ngành/trường yêu thích nhất nhưng điểm thi lại không như kỳ vọng. Sự lo lắng của thí sinh là có cơ sở khi điểm thi các môn năm nay nhìn chung thấp hơn năm ngoái, đặc biệt là môn toán.
ThS Trần Lê Trọng Phúc, Phó trưởng Phòng Quản lý đào tạo - Trường ĐH Mở TP HCM, đánh giá phổ điểm các môn năm nay chỉ giảm nhẹ so với năm trước. Riêng môn toán có mức giảm mạnh với điểm trung bình từ 6,45 năm 2024 còn 4,78 điểm. Do toán là môn thi bắt buộc nên phổ điểm thấp tác động đến tất cả thí sinh và những tổ hợp nào có sử dụng môn này.
Các chuyên gia tham dự chương trình. Ảnh: QUANG LIÊM
Cùng quan điểm, TS Trần Thanh Thưởng, Trưởng Phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên - Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho rằng điểm môn toán thấp có thể ảnh hưởng đến tổng điểm xét tuyển của nhiều thí sinh.
Phổ điểm thấp ở các môn sẽ tác động đến điểm chuẩn của các trường. ThS Ngô Thị Xuân, Phó trưởng Phòng Tuyển sinh và Truyền thông - Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, nhận định điểm chuẩn năm nay của các trường có thể sẽ giảm 1-3 điểm so với năm ngoái, tùy lĩnh vực, ngành nghề.
ThS Trương Quang Trị, Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên - Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, thận trọng hơn khi cho rằng chưa thể kết luận điểm chuẩn năm nay giảm bao nhiêu vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố như lượng thí sinh đăng ký, điểm thi của thí sinh đó và chỉ tiêu từng ngành giữ nguyên như năm 2024 hay tăng. Tuy vậy, có thể nói điểm chuẩn năm nay có thể giảm nhẹ.
Trấn an thí sinh, ThS Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó trưởng Phòng Tuyển sinh - Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp - Trường ĐH Tài chính - Marketing, khuyên các em không nên quá lo lắng khi điểm thi thấp vì các trường có nhiều phương thức xét tuyển, ngay cả trong 1 ngành đào tạo cũng có nhiều tổ hợp xét tuyển chứ không giới hạn 4 như các năm trước.
Điểm khá mà đặt sai nguyện vọng cũng rớt!
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, năm nay thí sinh bắt đầu đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của bộ ngay sau khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT đến trước 17 giờ ngày 28-7. Thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng, được điều chỉnh không giới hạn số lần và được bổ sung nguyện vọng trong khoảng thời gian này. Cả thí sinh đã trúng tuyển thẳng cũng phải đăng ký lại trên hệ thống xét tuyển chung.
Các chuyên gia trao đổi và giải đáp nhiều câu hỏi của thí sinh, phụ huynh về điểm thi và chọn nguyện vọng vào đại học Ảnh: HUẾ XUÂN
Gửi những băn khoăn đến chương trình, nhiều thí sinh thắc mắc khi đăng ký xét tuyển trên hệ thống của Bộ GD-ĐT có cần chọn tổ hợp, phương thức xét tuyển không, bởi năm nay có các phương thức xét tuyển cùng lúc...? ThS Trần Lê Trọng Phúc thông tin năm nay, thí sinh khi đăng ký xét tuyển chỉ cung cấp 3 thông tin chính: thứ tự nguyện vọng, mã trường, mã ngành.
Tuy vậy, ông Phúc cũng lưu ý trong quá trình đăng ký, thí sinh vẫn rà soát lại điểm học bạ các năm, điểm kỳ thi V-SAT, điểm thi đánh giá năng lực… để chắc rằng đây là những thông tin chính xác, làm cơ sở để các trường ĐH xét tuyển. Ngoài ra, thí sinh cần phải thường xuyên theo dõi các kênh thông tin của trường ĐH để không bỏ lỡ bất kỳ thông báo nào trong thời điểm này.
Năm nay, thí sinh cũng được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng nên câu hỏi đặt ra là các em có nên đăng ký nhiều nguyện vọng cho an toàn? Theo ThS Nguyễn Thị Kim Phụng, vào những kỳ tuyển sinh trước, nhiều trường hợp thí sinh có điểm thi khá cao nên có phần chủ quan khi chỉ đăng ký 1 nguyện vọng và không ít em đã rớt. Ngược lại, 1 nhóm thí sinh lại đăng ký rất nhiều nguyện vọng… Những thí sinh đăng ký quá nhiều thể hiện các em chưa có sự chuẩn bị tốt, chưa có định hướng và chiến thuật rõ ràng.
ThS Phụng cho rằng thí sinh cần phải có chiến thuật đặt nguyện vọng. Theo đó, các em cần phải xác định ngành yêu thích và phù hợp, sau đó chọn ra những trường có đào tạo ngành này và ngành gần. Thí sinh nên chọn ít nhất 2 trường có điểm chuẩn năm ngoái cao hơn điểm mình đạt được năm nay nhưng có hy vọng để trúng tuyển; 2 trường có điểm tương đương; 2 trường có điểm thấp hơn 1-2 điểm. Đồng thời, các em chọn thêm ngành gần ở 3 trường với 3 nguyện vọng mà điểm chuẩn năm ngoái thấp hơn điểm mình có với biên độ lớn hơn 2 để dự phòng. Khi đăng ký, điều chỉnh, thí sinh phải ghi chú để tránh nhầm lẫn. Thí sinh cũng không nên đăng ký nguyện vọng ngay mà cần sắp xếp các nguyện vọng thật hợp lý, sau đó mới đăng ký.
Thí sinh cũng không nên tập trung đăng ký vào những ngày cuối cùng để tránh sự cố hệ thống. Nếu có điều chỉnh, các em hãy suy nghĩ thật cẩn trọng, tránh bổ sung, điều chỉnh quá nhiều…
TS Trần Thanh Thưởng nhấn mạnh chọn nguyện vọng khoa học là điều thí sinh cần phải làm ngay lúc này. Nguyện vọng 1 là ngành đam mê nhất và giảm dần mức độ yêu thích ở các nguyện vọng sau. Ví dụ: Nếu đam mê ngành kỹ thuật ô tô nhưng ngành này có mức điểm chuẩn khá cao, thí sinh có thể đăng ký thêm nguyện vọng vào ngành chế tạo máy và ô tô, kỹ nghệ gỗ và nội thất… Theo TS Thưởng, thí sinh nên chọn từ 8-10 nguyện vọng và sắp xếp theo từng nhóm có điểm chuẩn tham khảo khác nhau để bảo đảm cơ hội trúng tuyển.
Trong khi đó, ThS Ngô Thị Xuân cho biết không ít thí sinh đã xác định được ngành/trường muốn học nhưng vì điểm thi thấp cho nên băn khoăn có nên điều chỉnh… "Thí sinh hãy kiên định với mục tiêu ban đầu của mình. Tại thời điểm này, điểm thi đã có. Tuy nhiên, các em cần có thêm phương án dự phòng, cụ thể là những nguyện vọng bổ sung" - ThS Xuân lưu ý.
Giải đáp cặn kẽ về ngành học
Chương trình đã nhận được hàng trăm câu hỏi của thí sinh, phụ huynh gửi đến trong phần tư vấn trực tuyến. Nhiều thí sinh dự định học ngành kỹ thuật ô tô bắt đầu băn khoăn về sự phù hợp của chương trình học hiện tại trong tương lai. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định ngành này vẫn mang đến rất nhiều cơ hội phát triển trong bối cảnh công nghệ ô tô đang chuyển mình mạnh mẽ.
TS Trần Thanh Thưởng cho biết chương trình đào tạo của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM trang bị cho sinh viên kiến thức chuyên sâu và kỹ năng thực hành toàn diện về công nghệ. Sinh viên sẽ nắm vững nguyên lý hoạt động của các bộ phận cốt lõi như động cơ, hộp số, hệ thống phanh, hệ thống treo, điện - điện tử ô tô. Sinh viên cũng sẽ được cập nhật và ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhất như xe điện, xe hybrid, hệ thống lái tự động và điều khiển thông minh.
"Với xu hướng chuyển dịch mạnh mẽ sang công nghệ xanh, thông minh và tự động hóa trong ngành ô tô, nhóm ngành này không chỉ hứa hẹn mang đến nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp mà còn có mức thu nhập hấp dẫn" - TS Thưởng nhìn nhận.
Tại chương trình, rất nhiều thí sinh gửi câu hỏi về các ngành ngôn ngữ. Trong đó, nhiều em quan tâm đến ngành ngôn ngữ Trung và cơ hội việc làm.
ThS Trương Quang Trị cho biết ngành ngôn ngữ Trung tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành có mức học phí trung bình khoảng 45,3 triệu đồng/năm, chương trình đào tạo khoảng 3,5 năm. Ngoài các tổ hợp như D01, D14, D15, nhà trường còn xét tuyển tổ hợp C00 (văn, sử, địa).
Trường ĐH Nguyễn Tất Thành hỗ trợ việc làm sau tốt nghiệp, đồng thời hằng năm còn tổ chức thêm các ngày hội tuyển dụng việc làm cho sinh viên. Ngoài ra, nhà trường tạo điều kiện để sinh viên tham quan, học tập và làm việc tại Trung Quốc, tích lũy kinh nghiệm và khả năng giao tiếp ngôn ngữ.
Với thí sinh đam mê kinh doanh, tài chính, kinh tế, ThS Nguyễn Thị Kim Phụng gợi ý một số chuyên ngành "hot" như: tài chính doanh nghiệp, ngân hàng, phân tích tài chính, bảo hiểm, Fintech, tài chính bảo hiểm và đầu tư... Thí sinh quan tâm có thể tham khảo các trường ĐH uy tín đào tạo nhóm ngành này, như: Trường ĐH Tài chính - Marketing, ĐH Kinh tế TP HCM, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM... Ngoài ra, thí sinh cần tham khảo thêm phổ điểm năm nay và điểm chuẩn năm trước để chọn trường hợp lý.
Trân trọng cảm ơn sự đồng hành của các đơn vị: Công ty CP Phân bón Bình Điền, Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank), Tập đoàn Vingroup, Công ty CP Uniben; và đơn vị hỗ trợ: Trường ĐH Tài chính - Marketing, Trường ĐH Mở TP HCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM.
Nguồn: https://nld.com.vn/thi-sinh-can-co-chien-thuat-chon-nguyen-vong-196250717205755567.htm
Bình luận (0)