Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Thị trường bán lẻ tăng trưởng lạc quan

Thị trường bán lẻ được dự báo sẽ khởi sắc trong năm 2025 khi nền kinh tế đang tiếp tục đà phục hồi, phát triển. Các doanh nghiệp trong mảng phân phối, bán lẻ đang đưa ra những kế hoạch đầu tư, tăng cường nhập bán các sản phẩm thế mạnh nhằm đạt mức tăng trưởng cao trong năm nay.

Báo Hà NamBáo Hà Nam24/04/2025

Theo số liệu của Chi cục Thống kê tỉnh, năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa trong toàn tỉnh ước đạt 44.571,8 tỷ đồng, chiếm 81,8% trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn, tăng 13,5% so với năm trước. Cùng với đó, quy mô thị trường thương mại điện tử năm 2024 cũng được mở rộng, phát triển với chỉ số thương mại điện tử năm 2024 của Hà Nam tăng 6 bậc so với năm 2023, vươn lên vị trí thứ 18/58 tỉnh, thành phố tham gia đánh giá xếp hạng. Doanh thu từ thương mại điện tử chiếm tỷ trọng khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Ðiều này không chỉ giúp các doanh nghiệp, nhà bán lẻ tiếp cận được nhiều khách hàng hơn mà còn tối ưu hóa trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng; từ đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành thương mại.

Bước sang năm 2025, thị trường bán lẻ sớm đón nhận những tín hiệu khả quan khi trong 3 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh ước đạt 15.893,2 tỷ đồng, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 12.782 tỷ đồng, tăng 20,9% (chiếm gần 80,5% trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng). Trong tổng mức bán lẻ hàng hoá của quý I/2025, có tới 9/12 nhóm ngành hàng bán lẻ có doanh thu tăng khá so với cùng kỳ năm trước, điển hình là mặt hàng lương thực, thực phẩm; hàng may mặc; vật phẩm văn hóa, giáo dục; gỗ và vật liệu xây dựng; xăng, dầu; đá quý, kim loại quý… với mức tăng từ 4% đến trên 40%.

Khách mua sắm hàng hóa thiết yếu tại cửa hàng tạp hóa Hưng Hương, đường Lê Công Thanh, TP Phủ Lý.

Theo thông tin từ nhiều nhà phân phối, bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh, trong những tháng qua, nhu cầu tiêu dùng của người dân tập trung chủ yếu vào các sản phẩm thiết yếu. Trong khi đó, chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ như hàng công nghệ, trang sức, phụ kiện, giày dép… lại có xu hướng giảm do người tiêu dùng có kế hoạch chi tiêu tiết kiệm. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Giám đốc siêu thị GO! Hà Nam (phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý), sức tiêu thụ mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả… tại siêu thị luôn duy trì mức tăng trưởng cao trong nhiều tháng nay. Đây cũng là nhóm hàng bán chạy nhất trong cơ cấu hàng hóa của siêu thị nhờ chiến lược tập trung vào mặt hàng tươi sống với giá cả cạnh tranh cũng như đẩy mạnh bán hàng online và giao hàng miễn phí tận nhà của GO!.

Tương tự, hệ thống các cửa hàng bán lẻ của siêu thị Winmart+ cũng ghi nhận mức tăng trưởng khá đối với nhóm hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu trong những tháng đầu năm 2025. Để kích cầu tiêu dùng, bên cạnh việc đẩy mạnh bán hàng đa kênh và “chạy” liên tục các chương trình khuyến mại, giảm giá vào các ngày cuối tuần, Winmart+ còn áp dụng giá bán đặc biệt (giảm giá tới 20-30% so với ngày thường) đối với mặt hàng thực phẩm tươi sống có giá trị cao như cá hồi tươi, thịt bò Úc và một số hoa quả nhập khẩu.

 Ngành bán lẻ Việt Nam nói chung, thị trường bán lẻ tại Hà Nam nói riêng được đánh giá sẽ bước vào giai đoạn phục hồi ổn định trong năm 2025, khi nền kinh tế có dư địa tăng trưởng mạnh hơn và nhất là Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách thúc đẩy tiêu dùng, điển hình là việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% trong 6 tháng đầu năm 2025. Theo đánh giá của ngành chức năng, chính sách này sẽ giúp kích cầu tiêu dùng, đặc biệt với các ngành hàng thiết yếu và tiêu dùng nhanh. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bán lẻ cũng kỳ vọng vào sự phục hồi của mảng bán lẻ sản phẩm công nghệ, dược phẩm, chăm sóc sức khoẻ… khi thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh mẽ và mức sống của người dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.

Để tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn, trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp nhằm kích cầu tiêu dùng. Trọng tâm là triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, đặc sản của Hà Nam cũng như các vùng miền, tạo điều kiện cho các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tăng cường liên doanh, liên kết, phát triển mạng lưới phân phối, tiêu thụ sản phẩm; tổ chức các hội chợ, hội nghị kết nối cung - cầu, hỗ trợ kết nối, đưa nông sản của tỉnh vào các kênh phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích… Cùng với đó, tăng cường tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp về kỹ năng bán hàng trực tuyến, xây dựng chiến lược tiếp thị trực tuyến, giải pháp kinh doanh hiệu quả trên các sàn thương mại điện tử; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; vận động doanh nghiệp tích cực triển khai các chương trình bình ổn giá, áp dụng đa dạng hình thức khuyến mại, giảm giá để kích cầu tiêu dùng…

Nguyễn Oanh

Nguồn: https://baohanam.com.vn/kinh-te/thuong-mai-dich-vu/thi-truong-ban-le-tang-truong-lac-quan-158343.html


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm