Ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham |
Chia sẻ tại buổi lễ ra mắt, ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham, nhấn mạnh: “Sách Trắng là minh chứng rõ nét cho tinh thần hợp tác thực chất giữa Việt Nam và châu Âu - nơi doanh nghiệp không chỉ phản ánh khó khăn mà còn cùng đề xuất giải pháp cụ thể để thúc đẩy thay đổi”.
Thách thức toàn cầu và vị thế đặc biệt của Việt Nam
Trong những năm gần đây, nền kinh tế thế giới đã liên tục đối mặt với nhiều cú sốc mang tính hệ thống, từ chiến tranh thương mại, chính sách thuế trả đũa, dịch chuyển chuỗi cung ứng cho tới những bất ổn địa chính trị phức tạp. Những yếu tố này đặt ra thách thức lớn đối với các nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam, trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu giảm và các rào cản kỹ thuật tăng lên.
Tuy nhiên, bất chấp những biến động này, niềm tin của nhà đầu tư châu Âu vào thị trường Việt Nam vẫn được duy trì ở mức ổn định. Theo EuroCham, điều này đến từ môi trường vĩ mô tương đối thuận lợi, nỗ lực cải cách hành chính của Chính phủ và đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định EVFTA.
“Dù đối mặt với nhiều trở ngại toàn cầu, mục tiêu tăng trưởng GDP 8% của Chính phủ Việt Nam trong năm 2025 vẫn được giữ nguyên, thể hiện rõ quyết tâm và khát vọng phát triển mạnh mẽ. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần tập trung củng cố nội lực, đồng thời tận dụng hiệu quả các lợi thế từ mạng lưới hợp tác quốc tế”, ông Bruno Jaspaert nhấn mạnh.
Khung cải cách liên ngành: Mở khóa tiềm năng phát triển
Một điểm mới đáng chú ý trong Sách Trắng 2025 là việc giới thiệu một khung đề xuất cải cách liên ngành, tập trung vào năm ưu tiên chiến lược nhằm nâng cao tính minh bạch, giảm rào cản hành chính và gia tăng năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế.
Sách Trắng giới thiệu một khung sáng kiến liên ngành, xoay quanh 5 “ưu tiên chiến lược”, bao gồm: Chính sách thị thực; Thủ tục nhập cảnh và hạ tầng sân bay; Giấy phép lao động; Hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT); và Thủ tục hải quan. |
Trước hết, chính sách thị thực và thủ tục nhập cảnh hiện đang tồn tại nhiều bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng điều động nhân sự quốc tế và tiếp cận nhân tài chất lượng cao. Thứ hai, hạ tầng sân bay và logistics,đặc biệt tại các đô thị lớn, đang đối mặt với áp lực quá tải, làm giảm hiệu quả hoạt động chuỗi cung ứng.
Tiếp theo là vấn đề liên quan đến giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài, vốn còn nhiều quy định chưa đồng bộ giữa các cơ quan và địa phương. Thứ tư, quy trình hoàn thuế VAT hiện vẫn còn phức tạp, thiếu tính nhất quán và gây khó khăn cho doanh nghiệp. Cuối cùng, thủ tục hải quan, dù đã có nhiều tiến bộ, vẫn cần tiếp tục được đơn giản hóa và số hóa mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy thương mại xuyên biên giới.
Bên cạnh khung đề xuất này, các Tiểu ban chuyên ngành của EuroCham cũng đưa ra nhiều kiến nghị cụ thể trong các lĩnh vực then chốt như bán dẫn, tài chính xanh, nông nghiệp bền vững, y tế, dược phẩm, xe điện và giáo dục nghề nghiệp. Những kiến nghị này phản ánh sự tham gia sâu rộng từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cho tới các tập đoàn đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam.
Từ đối thoại đến hành động
Khác với vai trò “góp ý” đơn thuần, EuroCham xác định mình là một đối tác hành động, cùng tham gia vào quá trình hoạch định và thực thi chính sách công tại Việt Nam. Trong năm 2024, hiệp hội đã gửi hơn 111 thư góp ý chính sách tới các bộ, ngành và chính quyền địa phương; đồng thời tham gia hơn 200 cuộc họp làm việc với lãnh đạo cấp cao như Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và Ban Kinh tế Trung ương.
Không dừng lại ở đó, EuroCham cũng chủ động tổ chức và đồng tổ chức nhiều hội thảo chuyên đề nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, thúc đẩy cải cách thể chế và hỗ trợ nâng cao năng lực cho các cơ quan thực thi.
Theo Phó Chủ tịch EuroCham, ông Jean-Jacques Bouflet, các Tiểu ban Ngành nghề của EuroCham không dừng lại ở việc nêu vấn đề mà đồng hành cùng Việt Nam trong quá trình giải quyết. Những gì được nêu trong Sách Trắng chính là kết tinh của quá trình đối thoại cởi mở, dựa trên trải nghiệm thực tế của doanh nghiệp.
EVFTA tròn 5 tuổi: Cơ hội “mở khóa tiềm năng”
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ông Julien Guerrier, khẳng định rằng quan hệ thương mại Việt Nam - EU đang ở thời điểm chín muồi để tận dụng tối đa tiềm năng mà Hiệp định EVFTA mang lại.
“Thương mại tự do và công bằng là một phần trong ADN của châu Âu, là nền tảng cho sự thịnh vượng và năng lực cạnh tranh của chúng tôi. EU quyết tâm hợp tác với các đối tác, trong đó có Việt Nam, để cùng ứng phó với thực tế mới của nền kinh tế toàn cầu”, Đại sứ Liên minh châu Âu tại Việt Nam Julien Guerrier tái khẳng định.
Đại sứ Guerrier cũng nhấn mạnh cột mốc sắp tới, kỷ niệm 5 năm Hiệp định Thương mại Tự do EU - Việt Nam (EVFTA) như một dịp quan trọng để nhìn lại những tiến triển đạt được và làm mới các mục tiêu chung: “EVFTA đã cho thấy rõ ràng rằng thương mại và dòng vốn đầu tư có thể phát triển mạnh mẽ khi chúng ta xây dựng trên một nền tảng vững chắc. Chúng ta cần khai thác tối đa hiệp định này để mở khóa toàn bộ tiềm năng mà nó mang lại”.
Nhìn về tương lai, Đại sứ Guerrier bày tỏ sự lạc quan và kêu gọi cả hai bên nắm bắt cơ hội: “EU và Việt Nam hoàn toàn có thể cùng nhau biến những thách thức hiện tại thành những cơ hội mới cho thương mại và đầu tư song phương. Các chuyến thăm sắp tới của Cao ủy Thương mại EU Maroš Šefčovič và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, cùng với kế hoạch nâng cấp quan hệ ngoại giao EU - Việt Nam, sẽ là những cột mốc quan trọng trên con đường hướng tới một tương lai thịnh vượng chung.”
Niềm tin kinh doanh duy trì ổn định, hành động để giữ vững lợi thế
Theo kết quả khảo sát Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý I/2025, niềm tin vào triển vọng dài hạn của Việt Nam vẫn được duy trì ổn định, bất chấp những bất định từ môi trường bên ngoài.
Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy các doanh nghiệp châu Âu vẫn tin tưởng vào khả năng phục hồi và bứt phá của nền kinh tế Việt Nam – đặc biệt nếu những cải cách được đề xuất trong Sách Trắng được triển khai một cách hiệu quả và nhất quán.
Chủ tịch EuroCham nhận định: “Dù giai đoạn hiện tại đầy thách thức với những biến động nhanh chóng và bất ổn toàn cầu ngày càng leo thang, nhưng đây cũng là thời cơ vàng để chuyển mình. Việt Nam có cơ hội để củng cố các thế mạnh cốt lõi, mở rộng những mối quan hệ thương mại bền vững và đáng tin cậy, đồng thời tận dụng hiệu quả mạng lưới các hiệp định thương mại tự do nhằm thu hút thêm dòng vốn đầu tư chất lượng cao từ nước ngoài. Bên cạnh đó, việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý sẽ là tiền đề vững chắc cho tăng trưởng dài hạn và phát triển bền vững”.
“Ấn phẩm Sách Trắng của EuroCham chính là la bàn định hướng, không chỉ dành cho Việt Nam mà còn cho cả châu Âu, để cùng vượt qua những sóng gió của hiện tại và khai mở những cơ hội của ngày mai”, ông Jaspaert kết luận.
Nguồn: https://thoibaonganhang.vn/thuc-day-cai-cach-tang-tinh-minh-bach-va-cung-co-niem-tin-nha-dau-tu-162655.html
Bình luận (0)