Hàng hóa Đà Nẵng đã xuất khẩu sang hơn 120 quốc gia, vùng lãnh thổ với một số thị trường có kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn gồm Đông Bắc Á khoảng 46%, châu Mỹ 25%, châu Âu 15 %, Đông Nam Á 5%. TRONG ẢNH: Một góc cảng Tiên Sa. Ảnh: MAI QUẾ |
Cần tăng nguồn lực hỗ trợ
Là doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu chủ lực của thành phố với thị trường xuất khẩu gần 50 nước trên thế giới, Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) đang gặp nhiều khó khăn do các chính sách thuế quan cũng như các biến động trên thế giới. Tổng giám đốc DRC Lê Hoàng Khánh Nhựt cho biết, doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu tại thị trường Hoa Kỳ năm 2025 là 25-30%, tuy nhiên với các biến động như hiện nay thì mục tiêu này rất khó khả thi. Hiện DRC phải thay đổi thị trường xuất khẩu chính, đẩy nhanh tiến độ mở rộng thị trường sang các nước Đông Âu, Nam Mỹ, Đông Nam Á… để bù đắp sản lượng từ thị trường chính.
Trước thực trạng trên, DRC đề xuất thành phố xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp để giảm chi phí đầu vào, từ đó giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm; song song là đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bên cạnh đó, cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số để chuyển đổi phương thức sản xuất hiện đại.
Trong khi đó, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước Lê Thị Minh Thảo cho hay, việc Hoa Kỳ áp mức thuế mới sẽ tác động rất lớn đến các mặt hàng chủ lực như tôm, cá... vốn đang chịu nhiều chi phí đầu vào. Qua tìm hiểu, mong muốn của đa số doanh nghiệp ngành xuất khẩu thủy sản là tìm hướng xuất khẩu sang các thị trường mới và tiếp tục chờ đợi đàm phán của Chính phủ trong việc cân bằng cán cân thương mại với Hoa Kỳ. Về đề xuất, doanh nghiệp mong muốn sớm có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để giảm bớt chi phí cấu thành sản xuất sản phẩm. Năm 2024, giá điện đã hai lần điều chỉnh, đặc biệt là việc sản xuất vào giờ cao điểm thì mức giá tăng rất cao, ngoài ra chi phí kho bãi, nâng hạ cầu cảng tăng đều qua các năm cũng khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Phạm Bắc Bình đánh giá cao nỗ lực của thành phố trong hai năm gần đây đã thúc đẩy các khu công nghiệp và cụm công nghiệp sớm đi vào hoạt động, tạo điều kiện để doanh nghiệp có quỹ đất sản xuất. Cộng đồng doanh nghiệp cũng kỳ vọng khi thành phố mở rộng địa giới hành chính sẽ có dư địa để phát triển công nghiệp.
Về đề xuất, ông Bình cho rằng các chương trình xúc tiến xuất khẩu của thành phố thời gian qua có khá ít doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia, chủ yếu vì lý do nguồn lực của các doanh nghiệp này còn hạn chế nên không thể bỏ nhiều chi phí cho công tác xúc tiến thương mại. Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn thành phố tiếp tục tăng thêm nguồn lực cho các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường đầu tư hạ tầng, đẩy mạnh đầu tư công, sớm đưa vào hoạt động cảng Liên Chiểu để thu hút các hãng tàu hàng lớn, thu hút luồng hàng tới Đà Nẵng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường (giữa), Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải (bên phải) và Giám đốc Sở Công Thương Lê Thị Kim Phương cùng chủ trì hội nghị. Ảnh: M.QUẾ |
Thành phố đồng hành phát triển với doanh nghiệp
Giám đốc Sở Công Thương Lê Thị Kim Phương cho biết, đến nay Đà Nẵng đã xuất khẩu sang hơn 120 quốc gia, vùng lãnh thổ. Một số khu vực thị trường có kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn gồm Đông Bắc Á khoảng 46%, châu Mỹ 25%; châu Âu 15 %; Đông Nam Á 5%. Trong đó, một số nước có tỷ trọng xuất khẩu lớn như Nhật Bản chiếm khoảng 35%; Hoa Kỳ khoảng 20%...
Đà Nẵng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu năm 2025 đạt từ 8-9% so với năm 2024. Để đạt được mục tiêu này, thành phố xác định thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu là vấn đề quan trọng nhất cần đẩy mạnh, trong đó tập trung các nhóm giải pháp: phát triển sản xuất và mở rộng thị trường; phát triển logistics; cải cách thủ tục hành chính; phát triển nguồn nhân lưc.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải nhận định, Đà Nẵng đang từng bước khẳng định vai trò là trung tâm sản xuất - xuất khẩu có định hướng công nghệ cao, bền vững và hiện đại. Cụ thể, Đà Nẵng được đánh giá là địa phương có tiềm năng phát triển vượt trội nhờ sở hữu cảng Tiên Sa - một trong những cảng biển quan trọng tại miền Trung, sân bay quốc tế với năng lực khai thác lớn, cùng vị trí địa lý chiến lược nằm trên trục hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối các nước khu vực tiểu vùng Mekong mở rộng.
Ông Hải đề xuất, Đà Nẵng cần sớm hình thành triển khai, thu hút đầu tư vào khu thương mại tự do ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, qua đó kết nối đồng bộ giữa cảng - sân bay - đường sắt - đường bộ - trung tâm logistics. Thành phố cần đầu tư, hình thành các trung tâm logistics, trung tâm phân phối hiện đại, mức độ tự động hóa cao, xây dựng các trung tâm logistics chuyên biệt phục vụ logistics thương mại điện tử, hàng hóa giá trị cao. Song song là xây dựng các cơ chế ưu đãi về thuế, đất đai, tài chính để thu hút đầu tư vào lĩnh vực logistics; cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường, Đà Nẵng đã và đang không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu và logistics. Các ý kiến trong hội nghị là cơ sở quan trọng để thành phố tiếp tục bổ sung hoàn thiện chính sách, tháo gỡ rào cản và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.
Sau hội nghị, UBND thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan tập trung rà soát, giải quyết những vấn đề doanh nghiệp đã nêu ra, đặc biệt là trong các lĩnh vực thủ tục hành chính, chính sách thuế, tín dụng, hạ tầng logistics, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Về phía cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động khai thác các thị trường truyền thống; chú trọng phát triển các thị trường ngách, thị trường xuất khẩu mới để bù đắp phần sụt giảm đơn đặt hàng. Ngoài ra đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp, cơ cấu lại hệ thống sản xuất, đào tạo lao động, quan tâm đầu tư máy móc, thiết bị, đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới, sản phẩm xanh, thân thiện môi trường và đạt được các chứng nhận chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường xuất khẩu.
Doanh nghiệp tìm giải pháp phù hợp trước tác động thuế quan Ngày 18-4, CLB Giao thương quốc tế và CLB Logistics (Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng) tổ chức chương trình Cafe doanh nhân với chủ đề “Tác động của thuế nhập khẩu Hoa Kỳ đến doanh nghiệp Việt Nam - Góc nhìn từ chuyên gia và doanh nghiệp”. Chương trình có sự tham gia của khoảng 100 doanh nghiệp nhằm cập nhật thông tin thực tiễn, đồng thời mở rộng kết xuất doanh nghiệp xuất nhập khẩu, sản xuất và logistics. Theo ông Christopher Vanloon, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam - Chi hội Đà Nẵng (Amcham Đà Nẵng), Amcham đã trao đổi với các hội viên, đặc biệt là những công ty tham gia nhập khẩu từ Hoa Kỳ vào Việt Nam để có những đề xuất cụ thể hơn cho các bước tiếp theo nhằm tăng lượng hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ vào Việt Nam. Ông Christopher Vanloon cũng đề xuất các doanh nghiệp xuất nhập khẩu bám sát thị trường, phản ứng linh hoạt để tổ chức kế hoạch sản xuất, kinh doanh hiệu quả; tích cực, chủ động tham mưu, đề xuất với cơ quan chức năng về các cơ chế, chính sách phù hợp và các biện pháp hỗ trợ tháo gỡ rào cản thương mại nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. |
MAI QUẾ
Nguồn: https://baodanang.vn/kinhte/202504/thuc-day-hoat-dong-xuat-nhap-khau-de-tiep-da-phat-trien-4004755/
Bình luận (0)