Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Tiến sĩ giáo dục và câu hỏi "hỗn láo, vô ơn" ngày bé

(Dân trí) - Hồi nhỏ, chỉ vì đặt câu hỏi cho người lớn mà nhà giáo dục này bị coi là "hỗn láo, vô ơn" và phải hứng chịu những trải nghiệm đau đớn.

Báo Dân tríBáo Dân trí15/04/2025


TS Bùi Trân Phượng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen chia sẻ về câu hỏi "hỗn láo, vô ơn" mình trải qua ngày bé tại tọa đàm giáo dục với chủ đề The Big Questions - trẻ cần học cách hỏi.

Tiến sĩ giáo dục và câu hỏi hỗn láo, vô ơn ngày bé - 1

Nhà giáo dục Bùi Trân Phượng (bên phải) và bà Nguyễn Thúy Uyên Phương tại tọa đàm về chủ đề trẻ cần học cách hỏi (Ảnh: T.H).

"Con có yêu cầu má đâu!?"

Cũng như bao đứa trẻ, ngày nhỏ, bản thân bà Bùi Trân Phượng có không ít trải nghiệm đau đớn khi đặt câu hỏi cho người lớn, cho dù chỉ xuất phát từ sự tò mò.

Bà Phượng nhớ nhất lúc tầm 10, 11 tuổi, bà từng có suy nghĩ mình có yêu cầu bố mẹ sinh mình ra đâu nhỉ? Đã không có chuyện gì nếu bà không lỡ buột miệng nói ra…

Lần đó, bà nội nhắc cháu gái: "Má mày sinh ra mày đó con!". Cô bé Phượng nói lại: "Ủa, nhưng con có yêu cầu má đâu!?".

Đối với bà nội đó là một câu hỏi vô cùng xấc xược, hỗn láo và vô ơn.

Gia đình bà rất ít phạt con nhưng sau câu hỏi đó, cô bé Phượng bị phạt với hình thức rất nặng nề là úp mặt vào tường cả tiếng đồng hồ. Đứa trẻ khóc rấm rứt với cảm giác oan ức…

Tiến sĩ giáo dục và câu hỏi hỗn láo, vô ơn ngày bé - 2

Ngày nhỏ, vì câu hỏi bị xem là hỗn láo, vô ơn, bà Phượng bị phạt úp mặt vào tường... (Ảnh minh họa: AI).

Ký ức đó sau này trở thành dây thắng (phanh) cho nhà giáo dục này để mỗi khi thấy một bạn trẻ nào đó hỏi mình những câu xấc xược, bà Phượng sẽ tự hỏi bản thân: "Mình có đang kỳ cục và nghĩ oan cho người ta không?".

"Mỗi người làm cha làm mẹ đều đã là trẻ em trước khi là người lớn, chúng ta đừng quên những người trải nghiệm tuổi thơ của mình. Với trẻ nhỏ, nhiều câu hỏi là sự tò mò, là sự chơi đùa, là sự học hỏi… Kiến thức đến từ những lần trẻ đặt câu hỏi "tại sao"", TS Bùi Trân Phượng cho hay. 

Cha mẹ truyền kinh nghiệm thay vì lắng nghe con hỏi

TS Bùi Trân Phượng nêu quan điểm, phụ huynh trên toàn thế giới thường muốn truyền cho con những kinh nghiệm của bản thân thay vì lắng nghe những câu hỏi của con. Phụ huynh Việt Nam ngoài đặc điểm chung trên còn có thêm nhiều yếu tố bảo bọc con nhiều hơn.

Trải nghiệm tuổi thơ của mình và chứng kiến tuổi thơ của trẻ bây giờ, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen cho rằng, bà đang nhìn thấy cha mẹ bảo bọc con quá mức, tạo áp lực cho con quá nhiều.

Có thể trước đây áp lực sinh kế, hiểu biết có giới hạn nên con người ít sợ hãi hơn. Còn cuộc sống bây giờ bớt thiếu thốn nhưng lại nhiều thách thức, cạm bẫy và có thêm nhiều phương tiện hơn để bao bọc con.

Tiến sĩ giáo dục và câu hỏi hỗn láo, vô ơn ngày bé - 3

TS Bùi Trân Phượng: "Phụ huynh muốn truyền cho con những kinh nghiệm của mình thay vì lắng nghe những câu hỏi của con" (Ảnh: T.H).

Chưa kể, vấn đề gốc rễ, sâu xa nhất là văn hóa Việt Nam một thời gian dài chịu ảnh hưởng của Nho giáo. Tư tưởng Nho giáo có nhiều cái hay, cái tốt nhưng theo bà Phượng, có nhiều cái hại không được nhận diện và khắc phục đúng mức.

Trong đó, có trật tự trên, dưới trong Nho giáo củng cố ý chí của cha mẹ rằng mình là người lớn, mình có trách nhiệm bảo bọc và dẫn đường cho con vì tình yêu và con cái phải nghe theo lời bố mẹ.

Thế giới không cần thêm những bộ nhớ sống và "con người công cụ"

TS Bùi Trân Phượng nhắc đến clip về phiên tòa giả định xét xử ngành giáo dục với bài thuyết trình gây chấn động thế giới nhiều năm trước.

Trong bài thuyết trình đó là hình ảnh chiếc xe hơi, điện thoại của hàng trăm năm trước và bây giờ đã cả tiến và khác xa nhau. Nhưng riêng lớp học từ hàng trăm năm qua đến giờ vẫn không thay đổi, vẫn là người học ngồi bên dưới, trên bục giảng một người "thao thao bất tuyệt".

Tiến sĩ giáo dục và câu hỏi hỗn láo, vô ơn ngày bé - 4

Học sinh thuyết trình và đặt câu hỏi tại chương trình (Ảnh: T.H).

Chuyên gia giáo dục này nhấn mạnh, không chỉ những việc đơn giản lặp đi lặp lại, AI đã có thể làm được cả những việc phức tạp đòi hỏi tư duy, suy nghĩ, phân tích dữ liệu với tốc độ nhanh chóng mà não con người không thể xử lý nổi. AI không biết mệt, không cần nghỉ ngơi, làm việc không giới hạn.  

Xã hội giờ đây không cần con người chỉ biết làm theo quy trình mà cần những con người biết nghĩ khác, làm khác, tư duy khác.

"Nếu trẻ không được tạo điều kiện để nghĩ khác, làm khác thì làm sao có thể có được thứ tối thiểu của cuộc đời là việc làm. Chúng ta phải khuyến khích những con người biết hỏi, biết nêu vấn đề, biết cách giải quyết vấn đề và đó là cách giải quyết ngay ở thời điểm hiện tại", bà Bùi Trân Phượng cho hay.

Nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, cho biết, bà tin rằng trẻ em không cần phải biết mọi câu trả lời nhưng nhất định phải học cách đặt ra những câu hỏi đúng.

Tại sao "tâm trí biết hỏi" là một trong những điều quan trọng nhất cần dạy con ở thời đại này?

Bà Uyên Phương nhấn mạnh, bởi vì thế giới mà chúng ta từng lớn lên - nơi thông tin hiếm hoi và khả năng ghi nhớ là vũ khí - đã không còn nữa. Ngày ấy, học trò giỏi là người giỏi thuộc lòng. Ai biết nhiều hơn sẽ thắng. Ai nhớ giỏi hơn sẽ dẫn đầu.

Nhưng hôm nay, thế giới không cần thêm những bộ nhớ sống. Thông tin ở khắp nơi, mỗi ngày hàng nghìn mẩu tin đổ vào tâm trí trẻ, thật có, giả có, nửa vời có. Chỉ với một cú nhấp chuột, vuốt tay, AI có thể trả lời nhanh hơn, trôi chảy hơn, thậm chí thuyết phục hơn bất kỳ học sinh xuất sắc nào.

Vậy điều gì còn lại cho con cái chúng ta? Bà Phương đáp: "Chính là khả năng biết đặt câu hỏi".

Vì chỉ khi biết hỏi, con mới học được cách lắng nghe và phản biện. Chỉ khi biết hỏi, con mới không lạc lối giữa biển thông tin. Chỉ khi biết hỏi, con mới giữ được ngọn lửa tò mò - thứ mà công nghệ không thể thay thế.

Và quan trọng hơn cả, chúng ta không cần thêm những "con người công cụ", chỉ biết làm theo, sống theo, học theo. Chúng ta cần những "con người ý thức" biết nghĩ, biết nghi ngờ, biết lựa chọn, biết chịu trách nhiệm với tiếng nói và hành động của mình.

Trường học không phải để tạo ra con người công cụ mà giờ đây người thầy phải là người đồng hành cùng học sinh để xây dựng năng lực sàng lọc, đặt câu hỏi, phân tích và chọn điều cần thiết cho bản thân.

Tiến sĩ giáo dục và câu hỏi hỗn láo, vô ơn ngày bé - 5

Theo nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, thế giới giờ đây không cần những bộ nhớ sống học thuộc lòng hay con người công cụ (Ảnh: T.H).

"Điều người thầy có thể làm tốt nhất theo tôi là lắng nghe câu hỏi của học sinh và dẫn dắt các em tự đặt ra câu hỏi cho mình. Là người thầy, chúng ta phải trăn trở về việc các em có biết đặt câu hỏi không", ThS Nguyễn Thúy Uyên Phương nói.  

Còn với bố mẹ, bà Nguyễn Thúy Uyên Phương chia sẻ đừng chỉ hỏi con học gì hôm nay mà hãy hỏi "Hôm nay con đã hỏi điều gì?".

Nguồn: https://dantri.com.vn/giao-duc/tien-si-giao-duc-va-cau-hoi-hon-lao-vo-on-ngay-be-20250415105435409.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khoảnh khắc nữ phi hành gia gốc Việt nói "Xin chào Việt Nam" ngoài Trái đất
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu thăm Việt Nam
Chủ tịch Lương Cường đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sân bay Nội Bài
Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm