Đây là chia sẻ của bà Trần Phương Hoa, chuyên gia tư vấn du học, tại hội thảo "Tiêu chí ngầm đại học Mỹ tìm kiếm" diễn ra ngày 13/4. Theo bà Hoa, hiện nay phụ huynh Việt Nam thường có xu hướng “nhắm” cho con vào các trường cạnh tranh, thường là top 100 của Mỹ.

Tuy nhiên, việc “tranh suất” vào đại học top đầu ngày càng cạnh tranh do lượng thí sinh tăng lên nhưng suất dành cho du học sinh quốc tế lại hạn chế. Chẳng hạn tại Đại học Harvard, trong 20 năm qua chỉ nhận khoảng 2-3 học sinh Việt Nam mỗi năm, hay tại Đại học Dartmouth cũng chỉ tuyển 2-4 em.

Chưa kể, mặt bằng chung của học sinh ngày càng giỏi. 5 năm trước, số học sinh đạt điểm SAT 1520-1550 chỉ "đếm trên đầu ngón tay". Tuy nhiên, hiện nay có hàng chục học sinh đạt điểm SAT tuyệt đối. Điều này khiến nhiều em đạt mức 1520 SAT vẫn cảm thấy lo lắng, phải thi lại nhiều lần.

Do đó theo bà Hoa, học sinh cần nắm rõ những tiêu chí “ngầm” trong tuyển sinh đại học Mỹ để tăng khả năng cạnh tranh.

z6501497567622_d8ef071c30e282004a475e70432ebff2.jpg
Chuyên gia tư vấn du học Trần Phương Hoa. Ảnh: Thúy Nga

Khác với suy nghĩ của nhiều phụ huynh, học sinh rằng phải đạt điểm trung bình môn cao, thi SAT, đôi khi thêm cả AP cao, giành nhiều giải thưởng, nghiên cứu là sẽ đỗ vào trường Mỹ, theo bà Hoa, đôi khi, các trường còn tìm kiếm những hồ sơ thú vị hoặc lựa chọn học sinh dựa trên tính cách.

“Nhiều học sinh xuất sắc nhưng kiêu ngạo hay có tư tưởng quá cực đoan, đôi khi cũng là lý do khiến các em không được nhận. Thậm chí có những em hồ sơ long lanh, 10 điểm học thuật nhưng hơi... tẻ nhạt cũng có nguy cơ bị đánh trượt. Do đó, không phải cứ đạt điểm tuyệt đối SAT là sẽ được nhận. Một bạn đạt 1490 SAT có thể trúng tuyển đại học Mỹ trong khi bạn đạt điểm tuyệt đối SAT lại không”, bà Hoa chia sẻ.

Do đó, chuyên gia này cho rằng, phụ huynh nên tránh việc đầu tư quá đà, cho con đi học thêm tối ngày chỉ để đạt tối đa các loại điểm số.

Ngoài ra, việc xác định ngành học từ sớm cũng rất quan trọng để tạo được một bộ hồ sơ thống nhất. Tất nhiên, việc chọn đúng ngành học ở độ tuổi 16-18 thường là một thách thức lớn do học sinh chưa thực sự hiểu rõ về thế giới nghề nghiệp. Vì vậy, theo bà Hoa, các em có thể tiếp cận ngành nghề bằng cách tìm hiểu về những môn học thế mạnh liên quan đến ngành hoặc sử dụng phương pháp loại trừ dựa trên sở thích và năng lực.

Ví dụ, nếu học sinh không thích Toán sẽ loại trừ nhóm ngành STEM hoặc Tài chính. Từ đó, các em có thể xác định được nhóm ngành phù hợp. Sau khi chọn được ngành học, ứng viên cần có sự tính toán “khôn ngoan” để lên chiến lược phù hợp, tạo nét riêng cho hồ sơ nhằm tăng khả năng trúng tuyển.

Trong số các ngành học hiện nay, bà Hoa đánh giá ngành Công nghệ thông tin tại các đại học Mỹ “thường là cuộc đua căng thẳng, khốc liệt nhất”. Tỷ lệ chọi vào ngành này cũng cao hơn so với các ngành khác như Giáo dục, Quan hệ quốc tế hay Triết học...

Trước câu hỏi có nên “bán mình” vào các trường tinh hoa bằng cách chọn ngành ít người học để tăng tỷ lệ trúng tuyển không, bà Hoa cho rằng, việc “chuyển ngang ngành” cần phải dựa trên tính hợp lý.

“Một bạn học STEM rất giỏi, tất cả hoạt động ngoại khóa đều hướng về STEM, nếu cố tình đổi sang một ngành xã hội không có kết nối với hồ sơ và thành tích, hội đồng tuyển sinh sẽ nhận ra những điểm lệch. Trừ khi, ứng viên này phải có những sở thích đặc biệt liên quan đến ngành học”.

Mặc dù con đường vào ngành Công nghệ thông tin, STEM tại các trường Ivy League hay các trường top đầu “chông gai” hơn rất nhiều, nhưng theo bà Hoa, một số học sinh vẫn có thể thành công nhờ sự quyết tâm cao độ, có nhiều hoạt động ngoại khóa thú vị và xuất sắc hơn các bạn cùng ngành.

Bà Hoa cũng đưa ra lời khuyên, ứng viên không nên “đóng đinh” vào một ngành học mà có thể chọn nhóm ngành phù hợp với năng lực, dễ trúng tuyển vào trường, sau đó có thể đổi ngành trong quá trình học tập tại Mỹ.

Nam sinh chuyên Tự nhiên giành loạt học bổng Mỹ nhờ tình yêu quan họ Bắc NinhBằng việc thể hiện xuyên suốt hồ sơ niềm yêu thích, mong muốn bảo tồn, lan tỏa những giá trị của quan họ cổ Bắc Ninh, nam sinh chuyên Tự nhiên đã chinh phục hàng loạt đại học Mỹ và giành học bổng từ những ngôi trường này.
Nữ sinh Hà Nội trúng tuyển hàng loạt trường đại học top đầu của Mỹ và AustraliaĐặng Khánh Linh, 18 tuổi, vừa chinh phục hàng loạt trường đại học top đầu của Mỹ và Australia, trong đó có trường cấp cho em học bổng toàn phần gần 7,5 tỷ đồng trong 4 năm.

Nguồn: https://vietnamnet.vn/tieu-chi-ngam-khien-hoc-sinh-dat-1600-1600-sat-van-truot-dai-hoc-my-2390788.html