(QBĐT) - Phong Nha-Kẻ Bàng được ví như “trái tim” du lịch của Quảng Bình với hàng triệu. lượt khách mỗi năm. Hệ thống lưu trú, nhà hàng và dịch vụ du lịch ngày càng mở rộng nhưng phía sau sự phát triển mạnh mẽ ấy là một nghịch lý: Nguồn nhân lực không theo kịp tốc độ phát triển. Sự thiếu hụt nhân lực cả về số lượng lẫn chất lượng đang khiến doanh nghiệp lao đao, ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của du khách và sự phát triển bền vững của ngành Du lịch địa phương.
1 lao động, 20 doanh nghiệp cần
Khác với hình dung về một điểm du lịch sôi động, những ngày này, nhiều nhà hàng, khách sạn tại Phong Nha đang đau đầu vì “bài toán” nhân sự. Không ít doanh nghiệp phải treo bảng tuyển dụng suốt nhiều tháng nhưng vẫn không tìm đủ người làm. Tương tự, trên các hội nhóm du lịch Phong Nha, không khó để bắt gặp hàng loạt thông tin tuyển dụng của các khách sạn, nhà hàng trên địa bàn. Nhu cầu tuyển dụng tăng cao nhưng người lao động vẫn không mặn mà hoặc có làm cũng chỉ mang tính thời vụ.
Theo số liệu từ UBND thị trấn Phong Nha (Bố Trạch), trên địa bàn có gần 120 khách sạn, nhà nghỉ với khoảng 1.210 phòng, cùng 160 nhà hàng, quán ăn, dịch vụ cà phê, giải khát… Vào mùa du lịch cao điểm, tình trạng khan hiếm nhân lực diễn ra trên diện rộng, khiến nhiều cơ sở kinh doanh phải xoay xở đủ cách để duy trì hoạt động.
Chị Nguyễn Ngọc Phương Anh, quản lý khách sạn Central Backpacker, chia sẻ: “Ngay từ đầu, chúng tôi xác định tuyển dụng nhân sự ổn định, yêu cầu nhân viên cam kết làm việc tối thiểu một năm nhưng số lượng người gắn bó thực sự không nhiều. Họ đến rồi đi, ít ai xác định gắn bó lâu dài. Nhiều người chỉ làm vài tháng rồi nghỉ, tìm công việc khác hoặc đi xuất khẩu lao động”.
|
Anh Mai Xuân Ngọc, quản lý khách sạn Phương Nam cho hay, khan hiếm nhân lực du lịch là câu chuyện chung của hầu hết các cơ sở du lịch trên địa bàn. Đặc biệt, vào mùa cao điểm, tình trạng này càng trở nên trầm trọng hơn. “Cứ 1 lao động thì có đến 20 doanh nghiệp cần. Nếu lao động đó biết giao tiếp tiếng Anh, con số này có thể lên đến 25 đơn vị sẵn sàng tuyển dụng. Nhưng tìm được người có kinh nghiệm, ngoại ngữ tốt, lại muốn làm việc lâu dài ở đây thực sự rất khó”, anh Ngọc khẳng định.
Sự thiếu hụt nhân lực khiến nhiều khách sạn, nhà hàng sẵn sàng đưa ra mức lương cao hơn mặt bằng chung để giữ chân nhân viên nhưng ngay cả như vậy cũng chưa chắc đã giữ được họ lâu dài. “Chúng tôi tuyển được một vài người, đầu tư thời gian, công sức để đào tạo nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, họ nghỉ việc. Đây không phải chuyện hiếm. Cứ đến mùa cao điểm, chúng tôi lại phải bắt đầu quy trình tuyển dụng và đào tạo từ đầu”, anh Ngọc chia sẻ thêm.
Vì sao người lao động rời đi?
Nhiều chủ doanh nghiệp thừa nhận rằng, trong những năm gần đây, dù các hoạt động du lịch trên địa bàn ngày càng sôi động nhưng việc tuyển dụng lao động địa phương lại ngày càng khó khăn. Một trong những lý do chính khiến nhân lực du lịch ở Phong Nha luôn trong tình trạng khan hiếm là tính mùa vụ của du lịch địa phương. Mùa du lịch cao điểm tại Phong Nha chỉ kéo dài từ tháng 3-9 hàng năm, sau đó, lượng khách giảm mạnh. Việc làm không ổn định, thu nhập bấp bênh khiến nhiều lao động không muốn gắn bó lâu dài với ngành Du lịch. Mặt khác, do đặc thù kinh doanh theo mùa, các cơ sở du lịch cũng chỉ tuyển dụng nhân sự theo hình thức thời vụ. Mối quan hệ giữa người lao động và doanh nghiệp trở nên lỏng lẻo, hờ hững, không có sự gắn kết bền vững.
Thiếu nhân lực du lịch đang là bài toán cấp bách tại Phong Nha-Kẻ Bàng. Nếu không có giải pháp kịp thời, chất lượng dịch vụ sẽ bị ảnh hưởng, khiến du lịch khó phát triển bền vững. Để Phong Nha không chỉ là điểm đến hấp dẫn mà còn “giữ chân” được người lao động, ngành Du lịch cần một chiến lược nhân sự dài hạn, phát triển phong phú các sản phẩm du lịch. |
Bên cạnh đó, mức thu nhập trong ngành Du lịch tại Phong Nha vẫn còn khá khiêm tốn. Hiện tại, mức lương trung bình của lao động trong ngành dao động từ 4-6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, nếu làm việc tại các thành phố lớn hoặc xuất khẩu lao động thu nhập có thể đạt 15-20 triệu đồng/tháng, thậm chí cao hơn. Với mức chênh lệch lớn như vậy, không khó hiểu khi nhiều lao động trẻ quyết định rời quê để tìm kiếm cơ hội tốt hơn. Tâm lý “ra nước ngoài làm vài năm rồi về” đang khiến nguồn nhân lực tại Phong Nha ngày càng suy giảm. Những người đi xuất khẩu lao động thường không quay lại làm du lịch, mà chuyển hướng sang các ngành nghề khác có thu nhập cao và ổn định hơn. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến “bài toán” nhân lực du lịch ở Phong Nha ngày càng trở nên nan giải.
Chị Phương Anh thẳng thắn bày tỏ, với phần đông người lao động địa phương, làm việc trong ngành dịch vụ không phải là lựa chọn lâu dài mang tính bền vững. Dù doanh nghiệp luôn đặt ra tiêu chí và sẵn sàng ký hợp đồng dài hạn nhưng phần lớn người lao động vẫn xác định công việc này chỉ là tạm thời, là “bến đỗ” ngắn hạn. Điều đó khiến họ không chú tâm vào việc nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ dù như chị Phương Anh đánh giá, điểm mạnh của nhân lực địa phương là chăm chỉ, chịu khó.
|
"Giữ chân" nhân lực du lịch
Hàng năm, Sở Du lịch (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), UBND thị trấn Phong Nha cũng đã phối hợp với các trường, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng nghề du lịch, lớp giao tiếp tiếng Anh… cho lao động trên địa bàn. Các doanh nghiệp cũng triển khai các hoạt động đào tạo cho nhân viên ngay khi vừa tuyển dụng. Tuy nhiên, chất lượng nhân lực du lịch vẫn là một trong những hạn chế của du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng. Thiếu chuyên nghiệp, thiếu kỹ năng nghề và trình độ ngoại ngữ, trong khi sự phát triển của môi trường du lịch đặt ra yêu cầu ngày càng cao.
Theo đại diện nhiều doanh nghiệp du lịch tại Phong Nha, trước thực trạng “khát” nhân lực du lịch như hiện nay, cần có những giải pháp cụ thể để giữ chân lao động. Một trong những giải pháp quan trọng là cải thiện chế độ đãi ngộ. Nếu chỉ dựa vào mức lương thấp, rất khó để cạnh tranh với những điểm đến khác. Đồng thời cần có chính sách hỗ trợ lao động trong mùa thấp điểm, bảo đảm thu nhập ổn định để họ yên tâm gắn bó. Ngoài ra, để giảm tính thời vụ, ngành Du lịch cần đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch quanh năm.
Diệu Hương
Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202504/trai-tim-du-lich-khat-nhan-luc-2225580/
Bình luận (0)