Triển lãm khai mạc cuối tháng 3 vừa qua, trưng bày những tác phẩm hội họa và điêu khắc tiêu biểu trong cuộc thi sáng tạo dành cho sinh viên Trường đại học Kiến trúc Hà Nội.
“Đồng nát” là cách gọi phổ biến ở miền bắc dành cho người hành nghề thu nhặt hoặc mua phế liệu bỏ đi, tương tự “ve chai” ở miền nam. Họ là những người đầu tiên tiếp cận và phân loại rác tái chế, giúp giảm áp lực lên các bãi chôn lấp và đóng góp vào quá trình quản lý chất thải rắn.
Ước tính có 3 triệu lao động, trong đó gần 90% là nữ giới, làm việc tại các vựa phế liệu, làng nghề tái chế hoặc hoạt động khắp phố phường, ngõ hẻm.
Những người làm công việc này đều có trình độ học vấn thấp, hoàn cảnh khó khăn, không được đào tạo về phân loại hay xử lý rác.
Bên cạnh điều kiện làm việc độc hại và đối mặt với định kiến xã hội, họ cũng gặp nhiều rào cản trong quản lý thu nhập và tiếp cận các dịch vụ tài chính, chính sách hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi.
Dự án “Tiếp sức chiến binh xanh” do Trường đại học Kiến trúc Hà Nội và Công ty cổ phần VietCycle tổ chức với sự đồng hành từ Chương trình hành động toàn cầu về nhựa (GPAP), đã triển lãm tôn vinh vẻ đẹp của những người lao động “đồng nát, ve chai”, phác thảo hành trình từ rác thải đến tài nguyên, làm nổi bật vai trò của công tác phân loại và tái chế rác thải.
Qua lăng kính trẻ trung và sáng tạo của các tác giả trẻ, công chúng có cái nhìn sâu sắc và nhân văn hơn về một đội ngũ lao động phi chính thức, thường bị đánh giá thấp hoặc gạt ra bên lề xã hội. Dịp này, diễn ra tọa đàm “Nghề đồng nát: quá khứ, hiện tại và tương lai” với sự tham gia của hơn 50 nữ lao động thu gom phế liệu.
Theo ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam (Hiệp hội Nhựa Việt Nam), ngành công nghiệp tái chế đã tồn tại suốt nửa thế kỷ qua với hàng nghìn làng nghề khắp cả nước, tập trung gần những thành phố lớn. Ước tính có 3 triệu lao động, trong đó gần 90% là nữ giới, làm việc tại các vựa phế liệu, làng nghề tái chế hoặc hoạt động khắp phố phường, ngõ hẻm. Không chỉ thu gom, mạng lưới ấy còn đảm nhiệm việc phân loại phế liệu tái chế với những công nghệ thô sơ, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thực tế. Có thể khẳng định “đồng nát”, “ve chai” đóng vai trò như những bộ lọc đầu tiên trong chuỗi giá trị tái chế. Do đó, việc nâng cao nhận thức xã hội và tạo điều kiện phát triển cho lực lượng lao động này không những góp phần bảo vệ môi trường mà còn thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn-giải pháp bền vững trước vấn nạn ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng gia tăng.
Nghề đồng nát ở Hà Nội từng là đề tài nghiên cứu khoa học của nhóm tác giả Trường đại học Kiến trúc Hà Nội từ năm 2015, với nhiều triển lãm, tọa đàm, xuất bản phẩm nhằm nhận diện một nghề thu nhập thấp nhưng mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thái Huyền, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo và Hợp tác quốc tế (Trường đại học Kiến trúc Hà Nội), trưởng nhóm nghiên cứu, về góc độ kinh tế, đây là ngành nghề mang lại giá trị đáng kể, thậm chí đã xuất hiện những ngôi làng, vùng quê có nghề thu gom phế liệu “cha truyền, con nối”. Một số phụ nữ làm nghề có mặt tại sự kiện chia sẻ rằng họ đã gắn bó với sinh kế này từ 20, 30 đến 40 năm, cá biệt có người gần 70 tuổi đã 50 năm làm nghề thu gom phế liệu tại Hà Nội.
Thời gian qua, có nhiều tổ chức và dự án xã hội ra đời nhằm hỗ trợ trực tiếp người lao động và hướng tới thay đổi nhận thức xã hội, từng bước tăng thêm thu nhập cho cộng đồng yếu thế thông qua các chương trình đào tạo và động viên tinh thần.
Đại diện đơn vị đồng sáng lập dự án “Tiếp sức chiến binh xanh”, Giám đốc VietCycle Nguyễn Văn Tuấn cho biết: Hiện nay, có khoảng hơn 3.000 người thu gom phế liệu đang liên kết với VietCycle ở Hà Nội trong hoạt động khép kín và kéo dài vòng đời của rác thải nhựa, tạo thành chuỗi giá trị chia sẻ lợi ích. Trung bình mỗi người thu gom 15-20kg nhựa, hơn 3.000 người tương đương với 45-60 tấn rác nhựa được thu gom mỗi ngày.
Tham gia vào mạng lưới, những “chiến binh xanh” được hỗ trợ trang thiết bị bảo hộ lao động, hướng dẫn phân loại phế liệu, tập huấn về an toàn lao động và bình đẳng giới, nhận những món quà tiện ích phục vụ việc lao động kéo dài ngoài trời…
Quan trọng hơn, người lao động nhận thức được ý nghĩa của công việc mình làm, trở nên tự tin và cởi mở hơn. Trong tháng 2/2025, VietCycle đã tổ chức chương trình tập huấn “Nâng cao nhận thức về rác thải nhựa và quản lý tài chính” cho 100 lao động thu gom, phân loại rác thải nhựa tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại diện VietCycle cũng nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng dự án hướng tới là cung cấp bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội ở mức cơ bản. Đơn vị này cùng một số đối tác đang nghiên cứu thành lập hợp tác xã hoặc hiệp hội riêng cho người hành nghề thu gom phế liệu, để họ có một tổ chức đại diện đứng ra đảm bảo an sinh, đối thoại và phối hợp với các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và tổ chức trong lĩnh vực liên quan
Nguồn: https://nhandan.vn/trien-lam-ve-nghe-thu-gom-phe-lieu-post870418.html
Bình luận (0)