Trong một nhà kho rộng lớn ở vùng ngoại ô Thượng Hải của Trung Quốc, hàng chục robot hình người miệt mài luyện tập những công việc tưởng chừng đơn giản: gấp áo thun, làm bánh sandwich, mở cửa... lặp đi, lặp lại suốt 17 giờ mỗi ngày.
Đằng sau chuỗi hoạt động đó là một tham vọng không nhỏ: thay đổi căn bản cách con người sống, làm việc và vui chơi.
Công ty khởi nghiệp AgiBot - đơn vị sở hữu cơ sở này - đang thu thập khối lượng dữ liệu khổng lồ để huấn luyện các robot trở nên thông minh và linh hoạt hơn.
Ông Yao Maoqing - một chuyên gia tại AgiBot - chia sẻ: "Hãy tưởng tượng một ngày nào đó, trong chính nhà máy sản xuất robot của chúng tôi, những robot này sẽ tự tay lắp ráp đồng loại của mình."
Tham vọng này không chỉ là ước mơ của doanh nghiệp mà còn nằm trong chiến lược quốc gia của Bắc Kinh, khi Trung Quốc đối mặt với hàng loạt thách thức: căng thẳng thương mại với Mỹ, tỷ lệ sinh giảm và tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Không riêng gì AgiBot, một loạt công ty khác như Unitree, MagicLab hay CASBOT cũng đang tham gia cuộc đua phát triển robot hình người.
Trong khi Washington vẫn đang đàm phán về các mức thuế mới nhằm hồi sinh việc làm trong ngành sản xuất Mỹ thì Bắc Kinh lại đặt cược vào một cuộc cách mạng công nghiệp mới, nơi robot là lực lượng lao động chủ lực trong nhà máy.
Nếu như trước đây robot chỉ đơn thuần thực hiện những màn trình diễn ngoạn mục như lộn nhào, chạy marathon hay đá bóng, thì giờ đây, nhờ đột phá trong trí tuệ nhân tạo (AI), chúng bắt đầu trở thành những công nhân có giá trị kinh tế thực sự.
Thành công của các công ty AI nội địa như DeepSeek, kết hợp với chính sách hỗ trợ mạnh tay từ chính phủ, đang biến Trung Quốc trở thành thế lực tiên phong trong lĩnh vực robot hình người.
Khác với AI tạo sinh vốn sử dụng dữ liệu văn bản, hình ảnh, âm thanh khổng lồ từ Internet, các mô hình AI vận hành robot hình người - hay còn gọi là "AI hiện thân" (embodied AI) - cần dữ liệu từ môi trường vật lý thực tế. Điều đó có nghĩa là các robot cần được huấn luyện thông qua hành động cụ thể như xếp hộp, rót nước, kiểm tra chất lượng sản phẩm...
Tại cơ sở của AgiBot, nơi có khoảng 100 robot và 200 nhân sự “bằng xương bằng thịt” tương tác mỗi ngày, lượng dữ liệu huấn luyện thu được là vô cùng quý giá. Các cơ sở tương tự cũng đang được thiết lập tại Bắc Kinh và Thâm Quyến với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương.
Công ty MagicLab cho biết họ đã tích hợp AI của DeepSeek, Qwen (thuộc Alibaba) và Doubao (của ByteDance) vào hệ thống điều khiển robot, giúp tăng khả năng suy luận và hiểu nhiệm vụ.
Theo Giám đốc điều hành (CEO) Wu Changzheng, các mẫu robot của công ty hiện đã được triển khai thử nghiệm tại dây chuyền sản xuất để kiểm tra chất lượng, vận chuyển vật liệu và lắp ráp.
Trung Quốc hiện đã sản xuất được tới 90% các linh kiện cấu thành robot hình người, một lợi thế vượt trội so với các quốc gia khác. Với hệ thống chuỗi cung ứng tinh gọn, các công ty Trung Quốc có thể nhận nguyên vật liệu chỉ trong vài giờ, giúp rút ngắn thời gian sản xuất đáng kể.
Theo ngân hàng Morgan Stanley, Trung Quốc đang đóng góp đa số nhà sản xuất robot hình người trên toàn cầu.
Năm 2024, có tới 31 công ty Trung Quốc tung ra 36 mẫu robot khác nhau, so với chỉ 8 mẫu của các công ty Mỹ. Một số công ty thậm chí đã bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt, trong đó có những tên tuổi như Unitree và UBTech.
Không thể không kể đến sự hậu thuẫn tài chính mạnh mẽ từ Chính phủ Trung Quốc. Chỉ trong năm qua, hơn 20 tỷ USD đã được phân bổ cho lĩnh vực robot hình người.
Trung Quốc cũng đang thành lập quỹ trị giá 1.000 tỷ nhân dân tệ (137 tỷ USD) hỗ trợ các công ty khởi nghiệp AI và robot.
Trong khi đó, chính quyền các địa phương liên tục đưa ra các chính sách hỗ trợ hấp dẫn như cung cấp văn phòng miễn phí, trợ cấp tới 5 triệu nhân dân tệ và gói đầu tư riêng cho các dự án đầu tiên.
Chi phí sản xuất robot đang giảm nhanh chóng. Dự kiến đến cuối năm nay, tổng chi phí vật liệu để tạo ra một robot hình người sẽ vào khoảng 35.000 USD và có thể giảm xuống còn 17.000 USD vào năm 2030 nếu phần lớn linh kiện được sản xuất nội địa.

Trong khi đó, robot Optimus của Tesla hiện có chi phí lên tới 50.000-60.000 USD nếu sử dụng linh kiện nhập khẩu. Tesla từ chối bình luận về so sánh này.
Với hơn 123 triệu người lao động trong ngành sản xuất, Trung Quốc đang đối mặt với nỗi lo lớn về việc robot thay thế con người. Các chuyên gia cảnh báo rằng khoảng 70% việc làm trong ngành sản xuất của nước này có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến sụt giảm nghiêm trọng trong quỹ bảo hiểm xã hội.
Chủ tịch hãng AI iFlytek - ông Liu Qingfeng - đề xuất thiết lập một chương trình "bảo hiểm thất nghiệp AI" kéo dài từ 6-12 tháng cho những nhân sự bị robot thế chân.
Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách vẫn tin rằng tương lai sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn là mất mát.
Theo ông Tang Jian, Giám đốc công nghệ của Trung tâm Đổi mới Robot hình người Bắc Kinh, các robot đang nhắm đến những công việc nhàm chán, lặp đi lặp lại hoặc nguy hiểm mà con người không muốn làm.
Ngoài ra, robot cũng đang thể hiện sự hiệu quả về chăm sóc người cao tuổi trong bối cảnh dân số Trung Quốc đang già hóa nhanh chóng.
Tháng 12/2024, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành kế hoạch chăm sóc người già trên toàn quốc, trong đó khuyến khích tích hợp robot hình người và AI. Ngay sau đó, tập đoàn Ant Group tuyên bố thành lập công ty con Ant Lingbo Technology để phát triển robot phục vụ lĩnh vực này.
Ông Yao Maoqing lạc quan cho rằng: "Chỉ 5-10 năm nữa thôi, robot có thể dọn phòng, nhận bưu kiện, thậm chí là hỗ trợ dìu người bệnh từ giường vào nhà vệ sinh và ngược lại"./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/trung-quoc-cach-mang-hoa-nganh-san-xuat-voi-robot-hinh-nguoi-post1038248.vnp
Bình luận (0)