ĐÀO TẠO "KỸ SƯ 57"
Mới đây, một số trường ĐH đã ký kết liên minh nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57 với niềm tin sẽ tạo cú hích cho phát triển giáo dục ĐH VN. Các đơn vị tham gia ký kết gồm: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Kỹ thuật mật mã, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội và Trường ĐH FPT.
Sinh viên ngành điện tử viễn thông Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội thực tập doanh nghiệp
ẢNH: AN KHÁNH
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT, gọi đây là hoạt động triển khai kế hoạch đào tạo những "kỹ sư 57".
Theo TS Lê Trường Tùng, trước bối cảnh khoa học công nghệ (KHCN) thay đổi nhanh chóng, đặc biệt là với những nhiệm vụ được đặt ra trong Nghị quyết 57, các trường ĐH cần ý thức rõ giáo dục không thể tiếp tục vận hành theo cách của 3 - 5 năm trước. Nhưng nội dung chương trình đào tạo cần thay đổi như thế nào để phù hợp với bối cảnh mới là một câu hỏi không dễ có câu trả lời đúng.
Từ sau tết đến nay, Trường ĐH FPT đã thành lập một nhóm chuyên trách để trả lời câu hỏi trên. Kết quả là một chương trình đào tạo hoàn chỉnh đã được xây dựng và chính thức triển khai cho sinh viên (SV) bắt đầu học từ thứ hai tuần này (12.5). Đặc biệt, chương trình không chỉ dành cho SV năm cuối, mà bắt buộc toàn bộ SV ngành CNTT học ngay sau năm nhất - khi đã có kiến thức công nghệ nền tảng - để sẵn sàng đi thực tập sớm, tham gia vào các dự án thực tiễn. Lực lượng này có thể "nhập cuộc" bất cứ lúc nào, với quy mô hàng chục nghìn người - đó là mong muốn và cũng là cam kết của nhà trường. Trường kỳ vọng tháng 8 năm nay sẽ hoàn thành lứa đào tạo đầu tiên, và trong năm 2025, VN sẽ có thế hệ "kỹ sư 57" đầu tiên, sẵn sàng góp mặt vào hành trình chuyển đổi số quốc gia.
GS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng để phát triển đất nước, giờ đây chúng ta chỉ còn một con đường là nâng tầm công việc của người Việt lên những công đoạn cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đảng và Nhà nước cần một cuộc "bình dân học vụ" trong thời đại số, để mọi người dân đều có cơ hội bước lên những nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị lao động hiện đại. Vì thế, SV các trường ĐH càng cần nhận thức con đường nghiên cứu phát triển, đưa KHCN vào công việc. "Các em phải hiểu việc học tập, chuyển mình hôm nay không chỉ để có việc làm, mà là để có một vị trí công việc ở giá trị cao hơn, bền vững. Tôi vẫn thường nói với SV, các em phải cố gắng học tập tốt, để ra trường có việc làm tốt và lương cao chưa đủ, mà phải là lương cao cho đến khi nghỉ hưu", GS Chử Đức Trình chia sẻ.
THIẾU QUẢN LÝ CẤP CAO VÀ CẤP TRUNG CÓ NGHỀ
Theo ông Lê Thanh Tùng, thành viên Hội đồng quản trị VietinBank, doanh nghiệp đang tích cực triển khai các hoạt động ứng dụng KHCN, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong toàn hệ thống. Đây là một yêu cầu sống còn, không phải là trào lưu. Bởi trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, càng đi chậm càng lạc hậu, thậm chí có nguy cơ bị thay thế.
VietinBank cũng như các ngân hàng khác rất thiếu nhân sự có năng lực về những chuyên môn có tính then chốt trong quá trình chuyển đổi số ngành tài chính - ngân hàng như: trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu, điện toán đám mây (cloud), và an ninh mạng. Về tư duy quản trị và vận hành, đội ngũ hiện tại còn thiếu kiến thức về các phương pháp hiện đại như Agile (một phương pháp phát triển) và Design Thinking (tư duy thiết kế) - những tư duy đặc biệt quan trọng trong môi trường đổi mới và chuyển đổi nhanh chóng. Việc triển khai mô hình ngân hàng số, nhà máy số, nơi đòi hỏi không chỉ hạ tầng công nghệ mà cả năng lực con người phù hợp, cũng đang gặp khó khăn.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng), khi khảo sát doanh nghiệp để làm báo cáo cho Chính phủ, điều đầu tiên mà Ban IV nhận thấy là các doanh nghiệp rất thiếu nhân lực chuyên sâu về KHCN. Trong câu chuyện về giảm phát thải, chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn vì không có chuyên gia. Chuyển đổi số thì đỡ hơn, vì lực lượng CNTT của VN khá dồi dào.
Đặc biệt, khu vực doanh nghiệp tư nhân rất thiếu nhân sự quản lý cấp cao và cấp trung có nghề (thiếu chiều sâu chuyên môn trong lĩnh vực mình quản lý). Trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 57 hiện nay, thị trường nhân lực khối tư lại càng cần cán bộ quản lý được trang bị những kỹ năng mới, có tư duy mới.
Với khu vực công, tình hình cũng không khả quan hơn. Lâu nay chúng ta đặt gánh nặng chuyển đổi số lên vai lực lượng CNTT, nhưng nay mới thấy thiếu trầm trọng nhóm chuyên tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ. Họ là các cán bộ phụ trách các chuyên môn nghiệp vụ ở các cơ quan hành chính nhà nước ở các lĩnh vực khác nhau. Lực lượng này hiện rất thiếu trước yêu cầu cải cách và tái cấu trúc.
"Sắp tới đây sẽ có những thuật ngữ chúng ta được nghe rất nhiều như: "quản trị dựa trên dữ liệu", "hiện đại hóa quản trị công", "lấy người dân làm trung tâm"… Đó là những điều mà chúng ta phải dựa trên dữ liệu, trên những tính toán để ra quyết định. Nhưng câu hỏi là nguồn nhân lực để làm những việc này ở đâu ra?", bà Thủy đặt vấn đề.
Một số trường ĐH đã ký kết liên minh nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57 với niềm tin sẽ tạo cú hích cho phát triển giáo dục ĐH VN
ẢNH: AN KHÁNH
DOANH NGHIỆP CẦN GÌ Ở "KỸ SƯ 57"?
Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, cho biết "kỹ sư 57" cần có tư duy và hiểu biết về pháp luật. "Trước đây, trong môi trường doanh nghiệp, chúng ta chỉ làm những gì có lợi và những gì pháp luật yêu cầu. Tuy nhiên, chúng ta cần đào tạo các em chuyên sâu về tư duy pháp lý và chuẩn mực hành chính công. Các em có thể vừa học quốc phòng, vừa học về "kỹ sư 57"", ông Khoa phân tích.
Tiếp theo là tư duy thiết kế hệ thống. Trước đây, chúng ta tập trung vào người dùng cuối, nhưng giờ đây, cần phải mở rộng tầm nhìn, hướng đến doanh nghiệp, người dân và nhà nước. Kiến thức về tư duy hệ thống cần được đưa vào chương trình giảng dạy, và các trường trong liên minh sẽ sử dụng chung công nghệ và nền tảng đào tạo. SV tốt nghiệp sẽ có nền tảng vững chắc để có thể đột phá.
Theo ông Khoa, trong lĩnh vực KHCN, quy trình, quy chuẩn và nền tảng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Khi xây dựng được tư duy chuẩn hóa ngay từ đầu, sẽ đào tạo được các "kỹ sư 57". Các thầy cô có thể xây dựng bộ tiêu chí để từ đó các trường cá nhân hóa phù hợp với học sinh, SV của mình.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy chia sẻ: "Tôi đề xuất "kỹ sư 57" cần phải định hình với 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là những kỹ sư KHCN, đào tạo chuyên sâu cho các ngành - lĩnh vực khác nhau: ngân hàng, logistics, công nghệ sinh học… Nhóm thứ hai là nhà quản trị và quản lý thông minh, biết ứng dụng dữ liệu và công nghệ, dựa trên tinh thần hiện đại để ra quyết định. Nhóm thứ ba những chuyên gia phân tích dữ liệu, phân tích quy trình nghiệp vụ (BA), để kết nối giữa quy trình, dữ liệu và công nghệ, hỗ trợ tái cấu trúc hệ thống vận hành".
3 yếu tố thế hệ "kỹ sư 57" cần có
Ông Lê Thanh Tùng cho rằng một cán bộ ngân hàng thế hệ mới, hay còn gọi là "kỹ sư 57", về mặt kiến thức cần hội tụ 3 yếu tố sau: có kiến thức nền tảng và cập nhật về công nghệ số (tự động hóa, AI, dữ liệu lớn, điện toán đám mây); về quản trị thì biết quản trị bản thân, quản lý đội nhóm, và tiến tới quản trị tổ chức một cách hiện đại, dựa trên dữ liệu và minh bạch; có năng lực ngoại ngữ, để hội nhập và tiếp cận tri thức quốc tế. Về năng lực cá nhân thì phải biết tự học nếu không muốn sớm bị loại thải, phải có năng lực thích nghi, và năng lực đổi mới sáng tạo.
Nguồn: https://thanhnien.vn/truong-dh-truoc-thach-thuc-dao-tao-ky-su-theo-yeu-cau-moi-185250513205205753.htm
Bình luận (0)