
Ở vị trí cầu nối trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, tỉnh Lào Cai đã sớm xác định sứ mệnh của mình trong việc “đánh thức con đường tơ lụa” trên sông Hồng. Chia sẻ với chúng tôi, ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai cho rằng, sau khi tái lập tỉnh (tháng 10/1991), nhận thấy yêu cầu mở rộng hợp tác, Lào Cai đã tập trung khai thác “con đường tơ lụa” trên sông Hồng - con đường giao thương sôi động từ thời cổ đại để phát triển thương mại biên giới Việt - Trung, biến Lào Cai từ nơi tận cùng, từ cuối đường hầm trở thành đầu cầu giao thương quốc tế, trục động lực kinh tế quan trọng hàng đầu giữa Trung Quốc với Việt Nam và các nước ASEAN.

Một trong những việc làm chưa từng có và cũng chưa có địa phương nào của Việt Nam “dám” thực hiện như Lào Cai vào thời điểm đó chính là về Hà Nội, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “Lào Cai - cầu nối với thị trường Tây Nam Trung Quốc”. Vượt trên cả sự mong đợi, số lượng doanh nghiệp, nhà kinh tế đến tham dự hội nghị rất đông, bởi họ thực sự mong muốn tìm hiểu thị trường Tây Nam Trung Quốc, cơ chế, chính sách của Lào Cai về thu hút đầu tư.

Theo ông Bùi Quang Vinh, sở dĩ Lào Cai quyết định phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo “Lào Cai - cầu nối với thị trường Tây Nam Trung Quốc” là do thời điểm này, Trung Quốc triển khai chương trình đại khai phá miền Tây. Đây là cơ hội vàng, để Lào Cai nói riêng, Việt Nam và các nước ASEAN nói chung nắm lấy, đồng thời cũng là hiện thực hóa vai trò cầu nối của Lào Cai với thị trường Tây Nam Trung Quốc đầy tiềm năng.
Đặc biệt, Lào Cai đã chủ động lên ý tưởng về một khu hợp tác xuyên biên giới và hiện thực hóa ý tưởng bằng Đề án Khu hợp tác kinh tế Lào Cai (Việt Nam) - Hồng Hà (Trung Quốc). Theo phân tích của ông Bùi Quang Vinh, Lào Cai - Hồng Hà có vị trí đặc biệt quan trọng, nằm trên tuyến giao thông trọng điểm Côn Minh - Hải Phòng, là điểm nối tuyến đường bộ, đường sắt xuyên Á: Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Thành phố Hồ Chí Minh - Singapore; là tâm điểm của hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và Khu mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc.

Mặt khác, sau 15 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, tốc độ gia tăng giá trị kim ngạch xuất - nhập khẩu qua cặp Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu hằng năm tăng cao và ổn định, từ 25 -30%/năm (năm 2005, đạt 350 triệu USD, tăng trên 100 lần so với năm 1992). Điều đó càng khẳng định vai trò, vị trí của khu vực Lào Cai - Hồng Hà là cầu nối, cửa ngõ quan trọng giữa Việt Nam, ASEAN với thị trường Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc.

Khu hợp tác kinh tế Lào Cai - Hồng Hà được định hướng phát triển xây dựng thành vùng đệm, trung tâm trung chuyển hàng hóa của Khu mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc cũng như hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; đầu tư phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Trên cơ sở định hướng phát triển, các nội dung hợp tác giữa hai bên đã được xác lập, đó là hợp tác phát triển cơ sở hạ tầng; hợp tác khai thác tiềm năng, thế mạnh của mỗi bên; hợp tác hỗ trợ lẫn nhau để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế; hỗ trợ xúc tiến thương mại, kỹ thuật thương mại và đầu tư; hợp tác chuyển giao công nghệ, phát triển khoa học - kỹ thuật; hợp tác phối hợp đơn giản, hài hòa thủ tục xuất - nhập khẩu hàng hóa, xuất - nhập cảnh người và phương tiện…

Nhìn lại sau 20 năm triển khai Đề án Khu hợp tác kinh tế Lào Cai - Hồng Hà đã cho thấy tầm nhìn chiến lược của Lào Cai trong việc biến vùng đất cuối đường hầm trở thành cầu nối giao thương Việt Nam, ASEAN và Trung Quốc. Quan trọng hơn cả, chính ý tưởng của Lào Cai đã góp phần quan trọng định hình trục kinh tế động lực kinh tế “chung dòng sông cùng ý tưởng”. Hàng loạt cơ sở hạ tầng quan trọng mang tính kết nối đã được đầu tư, trong đó nổi bật là công trình cầu đường bộ bắc qua sông Hồng nối khu thương mại Kim Thành (Lào Cai) với khu Bắc Sơn (huyện Hà Khẩu, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) đã góp phần tăng năng lực thông quan, trung chuyển hàng hóa giữa hai bên. Ông Vương Trinh Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai cho biết: Nếu như năm 2001, tổng giá trị hàng hóa xuất - nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu chỉ đạt gần 210 triệu USD thì đến vài năm trở lại đây đạt từ 3,5 đến 4,5 tỷ USD.

Điều đáng nói, việc hợp tác phát triển kinh tế từ nền tảng “con đường tơ lụa” trên sông Hồng đã thúc đẩy nhanh việc ra đời những “con đường tơ lụa” thời đại mới trên cơ sở liên kết trục dọc. Đó là tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai được đầu tư, đưa vào khai thác, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong khu vực, trong đó có Lào Cai phát huy tiềm năng, lợi thế, thu hút mạnh các nguồn lực để đầu tư phát triển, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển giao thương với quốc tế.

Khi chưa có đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, ngày cao điểm nhất chỉ có 100 xe hàng xuất khẩu sang Trung Quốc, khi có đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thì tăng lên tới 400 xe/ngày. Tuyến đường bộ cao tốc Nội Bài - Lào Cai dọc theo sông Hồng đã trở thành “con đường tơ lụa” mới, đưa hàng hóa của Việt Nam, nhất là trái cây nhiệt đới của các tỉnh miền Nam Việt Nam và hàng hóa của các nước thứ ba xuất khẩu sang Trung Quốc qua Cửa khẩu Kim Thành. Tuyến đường sắt Hải Phòng - Lào Cai - Côn Minh được xây dựng, khai thác hơn 1 thế kỷ cũng trở thành “con đường tơ lụa”, hiện là tuyến đường sắt liên vận quốc tế Việt -Trung, từng bước đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, liên vận quốc tế giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo thống kê của Chi nhánh Vận tải đường sắt Lào Cai (Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội), hàng hóa xuất - nhập khẩu liên vận quốc tế tại ga Lào Cai trung bình 450.000 - 550.000 tấn, riêng năm 2019 lên tới hơn 600.000 tấn.

Nói như vậy để thấy, “con đường tơ lụa” trên sông Hồng đã góp phần “khai mở” thêm những “con đường tơ lụa” khác, đáp ứng giao thương quốc tế. Chưa kể theo trục dọc “con đường tơ lụa” cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang hình thành các tuyến đường kết nối trục ngang để hàng hóa các tỉnh “hòa” vào tuyến cao tốc này sang thị trường Trung Quốc và ngược lại.

Tiềm năng, lợi thế, thậm chí cơ hội rất rõ ràng, tuy nhiên vấn đề đặt ra là làm thế nào để khai thác tối đa hiệu quả các “con đường tơ lụa” này? Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Văn Lợi, Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Trường Kinh doanh, thuộc Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng: Cần có sự kết nối giữa các tỉnh, thành phố dọc sông Hồng của Việt Nam và với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trên cơ sở “chung dòng sông cùng ý tưởng”, trong đó Lào Cai phải là trung tâm kết nối, là cầu nối giao thương trên các “con đường tơ lụa”.

Điều này đã thể hiện rõ trong Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định “… đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc” và Kế hoạch triển khai xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc theo Quyết định 1620 của Thủ tướng Chính phủ.

Trên thực tế, Lào Cai đã chủ động triển khai các nội dung để hiện thực hóa mục tiêu đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc, như tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, định hướng phát triển tỉnh gắn với tăng cường liên kết vùng; nghiên cứu, đề xuất Trung ương ban hành một số cơ chế, chính sách để thu hút thêm các nguồn lực cho phát triển, tập trung vào cơ chế, chính sách đặc thù để khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong phát triển kinh tế, hợp tác quốc tế với tỉnh Vân Nam, vùng Tây Nam (Trung Quốc) và ASEAN; tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng thí điểm xây dựng Khu kinh tế qua biên giới theo định hướng tại Nghị quyết 11-NQ/TW.
Điểm thuận lợi cho Lào Cai nói riêng và các tỉnh, thành phố dọc sông Hồng nói chung chính là Trung ương đã đồng ý và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án quan trọng mang tính kết nối vùng và quốc tế, nhằm khai thác các “con đường tơ lụa” thời đại mới, như khởi công xây dựng tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và đoạn kết nối ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); nâng cấp đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Yên Bái - Lào Cai lên quy mô 4 làn xe. Đối với “con đường tơ lụa” trên sông Hồng, tuyến đường thủy (sông Hồng) Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai dài 365,5km, theo Quy hoạch phát triển giao thông - vận tải đường thủy nội địa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng) sẽ tập trung đầu tư các tuyến liên vận quốc tế, tuyến liên kết vùng, trong đó có tuyến Việt Trì - Lào Cai để thúc đẩy phát triển kinh tế.

Theo Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định: Trục kinh tế động lực dọc sông Hồng đóng vai trò là “hạt nhân” đối với liên kết không gian phát triển cho hai cực phát triển; ba vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh. Bản đồ quy hoạch trục kinh tế động lực dọc sông Hồng theo hướng Bắc - Nam với hai cực phát triển và ba vùng kinh tế quan trọng của tỉnh. Trục kinh tế động lực phát triển dọc sông Hồng kết nối với 9 tỉnh, thành phố ở hạ lưu; trùng với hành lang kinh tế Côn Minh – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh. Nội hàm là quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, chuỗi đô thị, các trung tâm sản xuất, dịch vụ có vai trò liên kết 3 vùng kinh tế của tỉnh, kết nối vùng, liên vùng. Lào Cai đã xác định nhiệm vụ trọng tâm trong quy hoạch đó.

Trước hết là một trục dọc sông hồng xuyên suốt từ Lũng Pô đến hết địa phận tỉnh Lào Cai với chiều dài khoảng 128 km. Hai cực tăng trưởng, một cực gắn liền với cửa khẩu, biên giới gắn liền với đối ngoại với nước bạn Vân Nam. Một cực phía Nam dọc theo tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Để tạo liên kết vùng, xây dựng trục kinh tế động lực “chung dòng sông cùng ý tưởng”, Lào Cai đã có nhiều ý tưởng sáng tạo, trong đó việc tổ chức chuỗi sự kiện Gặp gỡ 2025: Lào Cai - Trung tâm kết nối giao thương Việt Nam/ASEAN và vùng Tây Nam Trung Quốc mới đây đã được lãnh đạo Chính phủ, tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước đánh giá rất cao.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá: Chuỗi sự kiện Gặp gỡ 2025 thể hiện quyết tâm chính trị và hành động cụ thể của Lào Cai để biến những lợi thế so sánh trở thành năng lực cạnh tranh, trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc. Với sự chủ động cũng như yêu cầu tất yếu của sự hợp tác kinh tế quốc tế, Lào Cai Cai có tiềm năng, lợi thế rất lớn để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và kích thích phát triển logistics hành lang kinh tế đồng bằng sông Hồng, đồng thời là trung tâm liên kết dọc sông Hồng, góp phần hiện thực hóa ý tưởng xây dựng trục kinh tế động lực “chung dòng sông cùng ý tưởng”.
Nguồn: https://baolaocai.vn/tu-con-duong-to-lua-tren-song-hong-den-truc-kinh-te-dong-luc-chung-dong-song-cung-y-tuong-bai-cuoi-truc-kinh-te-dong-luc-chung-dong-song-cung-y-tuong-post399500.html
Bình luận (0)