Làng cổ Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) nổi tiếng với bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di tích cấp Quốc gia vào năm 2017 và là 1 trong 3 làng cổ của Việt Nam được Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) chọn để đầu tư phát triển mô hình du lịch nông thôn.
Làng cổ Đông Hòa Hiệp hiện có 7 ngôi nhà cổ từ 150-220 năm tuổi và 29 ngôi nhà từ 80-100 năm tuổi, 3 ngôi chùa và 1 ngôi đình làng trên 100 năm tuổi. Trong đó, ngôi nhà cổ ông Xoát là lâu đời nhất, được xây cất từ năm 1818, còn ngôi chùa cổ Thiên Hòa có từ cuối thế kỷ XVIII (nằm bên bờ rạch Bà Hợp, thuộc ấp Phú Hòa).
Với lợi thế nằm ở ngã ba sông Tiền và sông Cái Bè, ngày nay xã Đông Hòa Hiệp chú trọng phát huy các tiềm năng lao động, đất đai, ngành nghề đổi mới nông nghiệp-nông dân-nông thôn, xây dựng thành công nông thôn mới kiểu mẫu.
Xã định hình vùng chuyên canh vườn quả đặc sản trên 1.000 ha, chủ yếu trồng sầu riêng, bưởi… cho hiệu quả kinh tế cao với sản lượng trái cây các loại gần 22.000 tấn quả mỗi năm.
Bên cạnh đó, làng phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống như: làm cốm, kẹo, bánh tráng, bánh phồng sữa, xay xát chế biến lương thực, thực phẩm,... góp phần tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động. Khai thác thế mạnh du lịch làng cổ Đông Hòa Hiệp được xem là định hướng quan trọng gắn với mô hình du lịch sinh thái sông nước Tiền Giang và vườn cây ăn trái đặc sản.
Qua đó, Đông Hòa Hiệp giới thiệu rộng rãi đến du khách trong và ngoài nước cảnh trí miệt vườn sông nước hữu tình, bản sắc văn hóa đặc thù của một vùng đất là viên ngọc quý trong kiến trúc nhà ở Nam Bộ xưa.
Trung bình mỗi năm, Đông Hòa Hiệp đón trên 150.000 lượt du khách trong và ngoài nước. Lễ hội làng cổ Đông Hòa Hiệp (thường diễn ra vào trung tuần tháng 11 hằng năm) là điểm nhấn hấp dẫn, đón hàng chục ngàn lượt du khách.
Tiềm năng du lịch làng cổ Đông Hòa Hiệp được đánh thức đã tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình kinh tế mới tiên tiến góp phần thay đổi tư duy, nhận thức và trình độ người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu được xây dựng và có sức lan tỏa sâu rộng, hiệu quả.
Điển hình như mô hình “Du lịch nông nghiệp” theo hướng tích hợp đa giá trị (kinh tế, văn hóa, môi trường), quy mô 30 ha, với 58 hộ tham gia tại các ấp An Lợi và Phú Hòa.
Ngoài ra, 7 ngôi nhà cổ tiêu biểu tại đây còn quảng bá hình ảnh điểm du lịch thông qua ứng dụng internet và mạng xã hội mang lại hiệu quả cao. Mô hình “Sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước bằng điều khiển từ xa,” với quy mô gần 50 ha và gần 100 hộ tham gia tại các ấp An Bình Đông, An Lợi, Phú Hòa không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản mà còn bảo vệ tốt môi sinh, môi trường...
Theo Bí thư Đảng ủy xã Đông Hòa Hiệp Võ Minh Nhựt, định hướng đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đông Hòa Hiệp nhằm phát triển kinh tế bền vững gắn với đánh thức tiềm năng du lịch làng cổ trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu và nông thôn mới nâng cao mang lại hiệu quả thực tế; giúp miền đất này thay da đổi thịt sau 50 năm giải phóng.
Đến cuối năm 2024, thu nhập bình quân đầu người tại xã Đông Hòa Hiệp đạt 83,37 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn 0,66%; qua đó giúp Đông Hòa Hiệp hoàn thành và được công nhận đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2024.
Từ làng cổ Đông Hòa Hiệp nức tiếng khi xưa đến xã nông thôn mới kiểu mẫu hôm nay là cả một quãng thời gian và quá trình dài kiên trì, nỗ lực vượt khó của chính quyền và người dân địa phương trong tiến trình phát triển kinh tế và xây dựng quê hương đẹp giàu, ông Võ Minh Nhựt chia sẻ.
Trong ngày ra mắt xã nông thôn mới kiểu mẫu vừa qua, bà Nguyễn Thị Kim Loan, ấp An Thạnh xúc động cho biết, nhận thức được việc xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm và quyền lợi của mọi người dân, gia đình, bà con nơi đây, kẻ công, người của, tự nguyện hiến đất kiến thiết hạ tầng giao thông, cùng chung sức xây dựng nông thôn mới trên quê hương.
Về Đông Hòa Hiệp trong những ngày tháng Tư lịch sử này, ai cũng phấn trước diện mạo, sức sống mới của ngôi làng cổ.
Những con đường nhựa, bê tông hóa phẳng phiu thay thế cho những con đường lầy lội, ngõ hẻm bùn lầy nước đọng khi xưa; nhà nhà đều có hàng rào cây xanh, hoa kiểng tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp; đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên./.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/tu-lang-co-tieu-bieu-nam-bo-den-xa-nong-thon-moi-kieu-mau-post1034705.vnp
Bình luận (0)