Xe tăng mang số hiệu 846 tiến vào Dinh Độc lập trưa 30/4/1975. Ảnh: Trần Mai Hưởng.
Cách chùa Tam Chúc không xa, vạt rừng na và rau sắng của ông Trần Bình Yên nằm im lìm dưới chân những dãy núi đá vôi xám xịt, cây cối um tùm khiến cảnh vật thêm heo hút và rất ít người qua lại. Mấy năm nay, hằng ngày chỉ có mình ông Yên làm vườn “cho khuây khỏa”- như lời ông nói, rồi lại tự cơm nước, tối đi nghỉ sớm nằm lướt mạng, ôn lại kỷ niệm một thời trận mạc với đồng đội cũ. Và những ngày cận tháng Tư, họ càng thêm bồi hồi nhớ về hành trình tiến vào Sài Gòn trong mùa Xuân 1975.
Bảo tàng mini dưới chân núi đá vôi xứ Vụng Chuối
Tuy không phải là chiếc tăng đầu tiên hất tung cánh cổng sắt Dinh Độc Lập trong buổi trưa hào hùng 50 năm trước, nhưng chiếc T54B (mang số hiệu 846) do binh nhất Trần Bình Yên lái, đã đi vào lịch sử với bức ảnh nổi tiếng của nhà báo Trần Mai Hưởng, cựu phóng viên chiến trường, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, có tiêu đề: “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975”. Bức ảnh này được in trong nhiều cuốn sách lịch sử, sách giáo khoa và là một trong những biểu tượng của sự nghiệp thống nhất non sông.
Cựu binh Trần Bình Yên (bìa trái) trò chuyện bồi hồi nhớ lại thời khắc lịch sử 50 năm trước tại Dinh Độc Lập.
Những chiếc xe tăng dẫn đầu tiến vào Dinh Độc Lập thời khắc đó, lần lượt là xe 843, do ông Bùi Quang Thận làm trưởng xe, tông vào cổng phụ và bị kẹt lại bên ngoài cổng Dinh; xe 390 thứ hai, do ông Vũ Đăng Toàn làm trưởng xe, tông sập cổng Dinh và là xe đầu tiên tiến vào. Diễn biến sự kiện 2 chiếc tăng 843 và 390 tiến vào Dinh Độc Lập đã được minh định từ lâu. Còn theo trí nhớ của ông Trần Bình Yên và một số đồng đội, tiếp theo hai chiếc đầu tiên là một số xe khác, trong đó có chiếc tăng 917, xe tăng lội nước số hiệu 746 và chiếc T54B số hiệu 846, do ông Nguyễn Quang Hòa làm trưởng xe và Trần Bình Yên lái xe; trong xe còn có pháo thủ số 2 Nguyễn Bá Tứ (người nhô trên tháp pháo), pháo thủ số 1 Nguyễn Ngọc Quý (ngồi trong xe) và một số lính bộ binh. Ảnh chiếc tăng T54B số hiệu 846 được nhà báo Trần Mai Hưởng chụp đúng khoảnh khắc tiến qua cổng Dinh vừa bị chiếc tăng 390 tông sập trước đó, và trở thành một trong những biểu tượng của ngày 30/4/1975.
Tròn 50 năm sau thời khắc lịch sử ấy, người lính tăng, binh nhất Trần Bình Yên năm xưa, đang là một lão nông đúng nghĩa tại xứ Vụng Chuối (thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam). “Dãy núi đá vôi thì không có tên nhưng vùng này từ xưa có rất nhiều chuối mọc nên được gọi là Vụng Chuối. Bộ đội, du kích thời chống Pháp thường ẩn náu trong núi, ăn chuối thay cơm để đánh giặc…”, ông Yên có lần kể với tôi. Nhớ một buổi tối giữa tháng 3/2025, tôi gọi messenger cho ông Yên, có tiếng chuông đổ mà không ai bắt máy; lại gọi zalo thì ông Yên ề à: “Mình đang nằm ngủ!”. “Anh ngủ sớm thế à, mới 8 giờ tối?”. Ông Yên cười, tiếng cười thật hồn nhiên và vô tư của một ông lão đã ngoại thất thập: “Ừ, một thân một mình, cả xóm chả có ai gần đây, tối không ngủ sớm thì biết làm gì”… Sau vài câu thăm hỏi, tôi hẹn ông Yên: “Cuối tuần này, em và anh Trần Mai Hưởng muốn đến thăm anh; anh có nhà không?”. Nghe vậy, ông Yên như hết cơn ngái ngủ, hào hứng: “Vậy à. Cứ nhắn trước là mình có nhà. Anh em đến chơi, mình vui lắm. Hẹn gặp nhé”.
Nhà báo Trần Mai Hưởng (bìa phải), tác giả bức ảnh lịch sử "Xe tăng mang số hiệu 846 tiến vào Dinh Độc lập trưa 30/4/1975".
Y hẹn, cuối tuần nhóm anh em Báo CAND gồm cả Đại tá Đặng Văn Lân (nguyên Phó Tổng Biên tập) và nhà báo Trần Mai Hưởng lên đường đi Hà Nam thăm người cựu binh Trần Bình Yên. Dọc đường, chúng tôi lan man đủ chuyện đời rồi chuyện tác nghiệp của nhà báo Trần Mai Hưởng và các đồng nghiệp trên suốt hành trình bám theo những đoàn quân thần tốc trong mùa Xuân lịch sử 50 năm về trước…
Dù đã vài lần đến nhà ông Yên nhưng lần này, chúng tôi được sự hỗ trợ của các đồng nghiệp Công an tỉnh Hà Nam và Công an thị trấn Ba Sao nên không phải hỏi đường, tầm 9h30 thì đến Vụng Chuối. Đi xuyên qua rừng na và những rặng rau sắng đến ngôi nhà nhỏ đìu hiu dưới chân núi, tịnh không bóng người, trừ một người phụ nữ tự giới thiệu tên là Duyên, bí thư chi bộ tổ 7, phường Ba Sao. “Bác Yên chạy đi chăm vợ một chốc rồi về, có nhờ em đến trước đón khách”, chị Duyên nói và mời khách vào nhà.
Cựu binh Trần Bình Yên giới thiệu những hình ảnh lịch sử trong bảo tàng mini của gia đình.
Vừa ngồi ấm chỗ thì ông Yên chạy xe máy về đến nhà, chào đón khách với nụ cười hồn hậu vốn có và khẩu khí luôn xởi lởi, khiêm nhường; với hầu hết mọi người, ông Yên đều gọi là “bác” và xưng là “em”, dù chúng tôi kém ông Yên trên dưới 20 tuổi. “Chào các bác… Mấy năm nay, nhà em bị ốm nằm một chỗ, phải đưa lên nhà thằng cả cách đây vài cây số để tiện việc điều trị, chăm sóc; hằng ngày thì em tranh thủ lên chăm, cho bà ấy ăn uống…”. “Nhà em” chính là bà Vân, người vợ đã nên duyên với ông Yên từ năm 1982 sau một chuyện tình đẹp mà vài năm trước Báo CAND từng có bài phản ánh: “Sợi tơ hồng từ một bức ảnh đăng báo”.
Tranh thủ lúc ông Yên pha trà, chúng tôi ngắm kĩ hàng chục bức ảnh lớn có, bé có treo trang trọng ở phòng khách của căn nhà. Này là ảnh chiếc tăng 846 đã đi vào lịch sử, có bức được phóng to choán hết cả bức tường; rồi ảnh những chiếc tăng 843, 390, 917, xe tăng lội nước 746... Các bức ảnh này do ký giả quốc tế và Việt Nam, trong đó có ông Trần Mai Hưởng chụp vào buổi trưa ngày 30/4/1975, có bức thể hiện rõ trong Dinh chưa xuất hiện nhiều xe tăng. Có nhiều bức ảnh ông Yên và các đồng đội gặp mặt nhau những năm tháng hòa bình sau này khiến căn phòng tuy cũ kĩ nhưng sống động như một bảo tàng mini dưới chân dãy núi đá vôi xứ Vụng Chuối.
Ký ức còn mãi của người cựu binh – công an viên
Quây quần bên ấm trà nóng và đĩa hồng xiêm trảy trong vườn nhà, ông Yên bồi hồi nhớ lại những năm tháng nhập ngũ, trở thành người lính tăng và hành trình Nam tiến trên chiếc tăng T54B mang số hiệu 846.
Ông Yên học lái xe tăng từ năm 1972-1973, tại trường Hạ sĩ quan Tăng thiết giáp, hiện mang tên Trường 700. Mới đầu, ông học lái tăng T-34 của Liên Xô một năm; vừa học vừa lao động sản xuất, đi chặt gỗ, cấy lúa, dựng doanh trại... Sau khi lái T-34 thành thạo thì học lái tăng T-59 và T-54. Chiếc tăng ông Yên lái khi tiến vào Dinh Độc lập là loại T-54B.
Tác giả và cựu binh Trần Bình Yên, người lái chiếc xe tăng 846 tiến vào Dinh Độc Lập buổi trưa ngày 30/4/1975.
Đầu năm 1975, đại đội ông Yên tham gia chiến dịch xuất phát từ Quảng Trị với 9 xe tăng. Ngay trước Chiến dịch Hồ Chí Minh, xe 386 của đại đội trưởng Bùi Quang Thận bị hỏng nên được thay thế bằng chiếc 843, chính là chiếc xe tăng đầu tiên tông vào cổng phụ và bị kẹt lại bên ngoài Dinh Độc Lập. Ông Yên bần thần nhớ lại: “Đại đội tôi bị địch bắn cháy 2 chiếc tăng ở cầu Nước Trong, còn ở ngã tư Hàng Xanh thì không cháy chiếc nào. Những chiếc tăng của ta bị bắn cháy ở Lăng Cha Cả là thuộc đơn vị khác”.
Vừa nghe, vừa gợi chuyện để ông Yên kể, lúc này nhà báo Trần Mai Hưởng mới góp chuyện: “Nhóm phóng viên chúng tôi gặp được Sư đoàn 304 vào ngày 24/4/1975, sau đó đi vào rừng cao su Ông Quế. Chúng tôi lưu lại Bộ Tư lệnh quân đoàn gần trường bắn Nước Trong. Hai hôm sau bắt đầu chiến dịch thì chúng tôi bám theo hướng tiến quân về Sài Gòn”… Đến lượt ông Yên tiếp lời: “Ngày 28/4/1975, khi Lữ đoàn xe tăng 203 của chúng tôi tiến vào căn cứ Nước Trong thì bị hỏa lực địch bắn trả dữ dội vào đội hình. Xe của anh Lê Duy Ứng bị một viên đạn xuyên qua nòng pháo, anh Ứng bị thương nặng, mù cả 2 mắt. Anh Lê Duy Ứng và anh Bùi Quang Thận sau này được phong tặng Anh hùng”… Nhà báo Trần Mai Hưởng tiếp lời ông Yên: “Sau này, tôi là một trong những người đầu tiên viết về anh Lê Duy Ứng bị thương hỏng hai mắt và chuyện anh lấy máu ở mắt mình vẽ hình ảnh Bác Hồ lên tấm vải. Khi tôi nói chuyện với GS Nguyễn Trọng Nhân, Giám đốc Viện Mắt, thì ông Nhân nhận lời mổ cho ông Ứng, và sau đó ông Ứng nhìn lại được. Sau ông Ứng lấy vợ là một cô mậu dịch viên ở phố Nguyễn Công Trứ, Hà Nội”.
Câu chuyện tiếp nối với trí nhớ còn khá tốt của người cựu binh Trần Bình Yên: “Khi chúng tôi hành tiến vào gần đến Sài Gòn thì có một số anh em bộ binh Trung đoàn 9 bám theo, họ ngồi xung quanh thành xe tăng. Lúc vào đến cửa Dinh Độc Lập thì đã thấy một số tăng của ta trong sân, trong đó có xe 390, 843, 746, 917… Chúng tôi vào sau các xe đi đầu khoảng 15 phút. Vào được Dinh Độc Lập thì có lệnh triển khai đội hình bảo vệ mục tiêu, sẵn sàng chiến đấu nếu địch phản kích. Xe của tôi làm nhiệm vụ trực chiến, canh gác bên cánh trái sân Dinh Độc lập. Khoảng 12h-13h trưa, dân chúng tập trung rất đông, quây kín quanh Dinh. Tầm 15-16h chiều, đang ở trong Dinh thì nghe nhiều tiếng nổ nhưng không rõ từ khu vực nào nên các chỉ huy giao lính tăng tiếp tục vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Khi đó người dân xung quanh cũng tản đi hết. Sau chúng tôi được nghe kể, có đơn vị của mình còn gắn bộc phá vào cổng Dinh, sẵn sàng cho nổ nếu cần; hóa ra họ chưa nhận được lệnh mới dù đã chiếm được mục tiêu. Đến khoảng 16h chiều, tướng Nguyễn Hữu An chỉ đạo xe 846 của tôi ra chặn ở ngoài cổng Dinh, không cho ai vào nữa. Tối hôm đó, một số xe tăng trong đó có xe của xe tôi cùng bộ binh quân đoàn nhận lệnh ở lại bảo vệ Dinh Độc Lập.
Đến tối chúng tôi xuống xe, đi quanh Dinh rồi vào khu vực đóng quân của binh lính Sài Gòn bảo vệ Dinh. Họ cũng có giường lính hai tầng giống bộ đội mình. Súng ống, quần áo, tư trang bỏ lại ngổn ngang; anh em tôi nhặt súng của họ bắn thử, thấy nặng và giật hơn súng K54”…
Nụ cười đôn hậu của người cựu binh Trần Bình Yên.
Tròn 50 năm, ông Yên vẫn bồi hồi nhớ lại cảm xúc thời khắc lịch sử đó: “Sau khi vào Dinh Độc Lập, buổi chiều hôm ấy anh em nháo nhác đi tìm nhau trong Dinh xem đồng đội ai còn, ai mất. Cuối chiều, phần lớn bộ đội ta rút ra ngoài Dinh, chỉ còn một số xe tăng và bộ binh ở lại bảo vệ mục tiêu. Tối hôm ấy, chúng tôi vào nhà bếp tìm thực phẩm rồi mang ra ngoài nấu cạnh xe luôn. Anh em tôi không uống rượu, chỉ uống nước ngọt tìm được trong kho nhà bếp”.
Sau khi cùng đồng đội tiến vào Dinh Độc Lập, ông Yên tiếp tục rong ruổi qua những chặng đường quân ngũ, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia rồi xuất ngũ, trở thành một nông phu chính hiệu. Phải đến năm 2015, nhân kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước, ông mới được trở lại thăm Dinh Độc Lập. Ông Yên tự hào kể: “Nhà tôi là một trong những nhà đầu tiên lắp điện thoại bàn ở thị trấn Ba Sao. Từ đường chính vào nhà tôi xa lắm, nhưng mình làm thợ điện, quen biết anh em viễn thông rồi nhờ họ giúp. Sau này thì có điện thoại di động và internet, nên mới tìm lại được nhiều đồng đội cũ”.
Bằng khen của Công an tỉnh Hà Nam Ninh tặng công an viên Trần Bình Yên (năm 1988).
Năm 1982, người cựu Trần Bình Yên nên duyên vợ chồng với một nữ công nhân Nông trường Ba Sao, có với nhau 3 mặt con. Mỗi người con đều mang một cái tên gắn với những địa danh chiến trường mà ông Yên từng “hút chết”… Với phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, ông Yên luôn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương, từng làm thợ điện của xóm, làm xã đội phó rồi công an viên xã Ba Sao nhiều năm. Ông Yên nhớ lại: “Ban Công an xã Ba Sao lúc đó chỉ có 4 người, gồm 3 người ở địa phương và 1 người do Công an huyện điều về. Chúng tôi luân phiên trực, tuần tra, bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân. Ngày ấy, vùng này toàn rừng rú rậm rạp âm u, thiếu ăn, thiếu ánh sáng điện. Bọn tội phạm cấu kết lộng hành trộm từ tài sản của Nhà nước đến gia cầm của dân, rồi nạn cờ bạc… Tôi và anh em công an xã đã nỗ lực tuần tra, bắt nhiều vụ, góp phần ổn định tình hình. Tôi nhiều lần được bình bầu là chiến sĩ thi đua, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen”.
Các nhà báo và một số CBCS Công an Hà Nam thăm bảo tàng mini của cựu binh Trần Bình Yên.
Câu chuyện với người cựu binh Trần Bình Yên thoáng chốc đã tới giữa trưa. Chia tay ông, tôi nhớ lại trong một lần gặp vài năm trước, ông Yên tâm sự rất cảm động: “Chúng tôi may mắn hơn những anh em nằm lại chiến trường. Trên chiếc xe tăng 846 của chúng tôi, anh Hòa trưởng xe từng 2 lần bị thương nhưng không được hưởng chế độ thương binh, vì lúc đó chả ai nghĩ đến việc cẩn thận lưu giữ hồ sơ để sau này làm chế độ. Anh Hòa mới mất hồi giữa năm. Anh đang học đại học thì đi bộ đội, sau hòa bình làm giáo viên huấn luyện tăng – thiết giáp, hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh xin ra quân và không có chế độ gì… Anh Tứ, anh Quý sức khỏe đều yếu. Vài năm trước, địa phương cũng gợi ý tôi làm hồ sơ xin hưởng chế độ nạn nhân chất độc da cam nhưng tôi từ chối vì nghĩ mình có sức khỏe, vườn ruộng như thế này thì tập trung mà làm ăn, dành phần chế độ đó cho những anh em khác”.
Từ nhà ông Yên về đến Hà Nội, tôi nhận được một số ảnh kỉ niệm gửi qua zalo, trong đó có ảnh Bằng khen của Công an tỉnh Hà Nam Ninh tặng đồng chí Trần Bình Yên, Công an xã Ba Sao, huyện Kim Bảng “Đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua năm 1988”. Kèm theo những bức ảnh là lời nhắn giản dị của người cựu binh trên chiếc xe tăng lịch sử Trần Bình Yên: “Tài sản người lính xe tăng còn lại sau trận chiến có vậy thôi”!
Nguồn: https://cand.com.vn/Phong-su-tu-lieu/tu-nguoi-cuu-binh-chiec-xe-tang-noi-tieng-tro-thanh-cong-an-xa-i766440/
Bình luận (0)