Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Từ "thẻ vàng" IUU đến sinh kế xanh: Hợp tác Việt - Úc vì đại dương bền vững

Từ hỗ trợ nâng cao năng lực giám sát nghề cá đến các nghiên cứu phục hồi nguồn lợi biển, Chính phủ Australia đang đồng hành cùng Việt Nam trong hành trình bảo vệ môi trường biển và xây dựng sinh kế bền vững cho cộng đồng ven biển thông qua khoa học, công nghệ và đào tạo nhân lực.

Báo Sài Gòn Giải phóngBáo Sài Gòn Giải phóng08/05/2025

Nhân lực IUU cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong một buổi học của chương trình MCS. Ảnh : XUÂN HẠNH
Nhân lực IUU cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong một buổi học của chương trình MCS. Ảnh : XUÂN HẠNH

“Lò” đào tạo nhân lực IUU cho khu vực

Tại Nha Trang, Khánh Hòa, 38 cán bộ kiểm ngư từ các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đang tham gia khóa đào tạo về Giám sát, Kiểm soát và Thanh tra nghề cá (MCS) kéo dài từ ngày 5 đến 23-5. Đây là kết quả hợp tác giữa Việt Nam và Australia nhằm đối phó với nạn khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý (IUU) – thách thức lớn với ngành thủy sản khu vực.

Khóa học không chỉ nâng cao kỹ năng giám sát tàu thuyền, phân tích dữ liệu mà còn thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới – yếu tố then chốt khi Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) để gỡ "thẻ vàng" thủy sản.

IMG_6154.jpeg
Khoá MCS đang diễn ra tại Nha Trang, Khánh Hoà. Ảnh : XUÂN HẠNH
IMG_6294.jpeg
Các cán bộ kiểm ngư trong khoá đào tạo MCS. Ảnh : XUÂN HẠNH

Theo Thạc sĩ Trần Văn Hào (Viện Khoa học và Công nghệ Khai thác Thủy sản, ĐH Nha Trang), khóa đào tạo do chính phủ Australia tài trợ, là sáng kiến của ĐH Nha Trang, được mở rộng quy mô khu vực và gia hạn đến năm 2026. Điều này không chỉ nâng cao năng lực trong nước mà còn biến Việt Nam thành trung tâm đào tạo nhân lực chống IUU cho cả khu vực.

IMG_6282.jpeg
Thạc sĩ Trần Văn Hào đang hướng dẫn các cán bộ kiểm ngư đến từ các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương thực hành một công đoạn của kỹ thuật xét nghiệm DNA cá. Ảnh : XUÂN HẠNH

Trước thông tin EC sẽ lùi đợt thanh tra thực địa lần thứ 5 để xem xét gỡ “thẻ vàng” IUU cho thủy sản Việt Nam đến cuối năm 2025, Việt Nam đang khẩn trương hoàn thiện hệ thống giám sát, truy xuất nguồn gốc và xử lý vi phạm để đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Ông David Power, đại diện Cơ quan Quản lý nghề cá Australia (AFMA), khẳng định chương trình MCS sẽ tiếp tục đồng hành với Việt Nam trong nỗ lực cải thiện quản lý thủy sản và hướng tới gỡ bỏ "thẻ vàng".

z6576528419012_0b5afcd3318d8ae1f31483fa27a72800.jpg
Ông David Power - quản lý cấp cao của AFMA . Ảnh : XUÂN HẠNH

Hồi sinh hải sâm – hồi sinh sinh kế

Không dừng ở đào tạo nhân lực, chính phủ Australia còn tài trợ các dự án khoa học ứng dụng giúp phục hồi nguồn lợi biển như dự án nuôi nuôi hàu, cá mú, hải sâm ….

z6579544669217_275e7504ac8cbe48202da5a848c003c7.jpg
Ông Brent Stewart, Phó Tổng Lãnh sự Australia tại TP.HCM trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Đình Quang Duy. Ảnh : XUÂN HẠNH

Dưới sự hỗ trợ từ chương trình Aus4Innovation (chương trình hỗ trợ Việt Nam phát triển bền vững trị giá 33,5 triệu AUD), dự án hợp tác giữa Đại học Sunshine Coast (Australia) và Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3 (RIA3) thuộc Trung tâm Quốc gia Giống Hải sản miền Trung, nhóm đã nghiên cứu triển khai công nghệ ứng dụng hormone sinh sản để kích thích sinh sản nhân tạo, chủ động sản xuất con giống thay vì khai thác tự nhiên. Đây là lần đầu tiên trên thế giới công nghệ này được áp dụng cho loài hải sâm vú trắng - loài có giá trị cao nhưng gần như tuyệt chủng ngoài tự nhiên.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Quang Duy (Phó Giám đốc Trung tâm Quốc gia Giống Hải sản miền Trung), hải sâm là "máy lọc sinh học" của biển – có khả năng hấp thụ mùn bã, làm sạch đáy ao, giảm ô nhiễm môi trường nước. Việc nuôi ghép hải sâm với ốc hương, cá chim... giúp tăng hiệu quả kinh tế và cải thiện môi trường nuôi.

Sau khi sản xuất giống thành công, hải sâm được đưa vào nuôi thử nghiệm tại các lồng bè của hộ dân ven biển Khánh Hòa và các tỉnh miền Trung. Hộ dân còn được hướng dẫn kỹ thuật sử dụng rong biển, mùn hữu cơ làm thức ăn để tiết kiệm chi phí và phù hợp quy mô hộ gia đình.

z6579548460007_a3f659f0e90b763e238369e6e50cafc7.jpg
Các hộ dân còn được hỗ trợ kỹ thuật mô hình nuôi ghép hải sâm với rong biển. Ảnh : XUÂN HẠNH

Dự án "hồi sinh hải sâm" có tổng kinh phí khoảng 2,6 triệu AUD, là một phần trong chiến lược hợp tác song phương giữa Việt Nam – Australia nhằm ứng phó biến đổi khí hậu và sụt giảm nguồn lợi biển, nhằm thúc đẩy sinh kế bền vững.

Dự án không chỉ là hỗ trợ tài chính mà còn là chuyển giao tri thức, tăng cường năng lực nghiên cứu và thúc đẩy sáng kiến địa phương vì phát triển bền vững.

Đặc biệt, theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Quang Duy những dự án hợp tác quốc tế giữa ACIAR, Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp Khối thịnh vượng chung (CSIRO ) với RIA3 mang tính chất ứng dụng kết quả nghiên cứu và đưa vào thực tiễn để tạo thành chuỗi giá trị sản xuất. Với đặc tính có thể nuôi trong vùng nước lợ ven bờ, mang lại thu nhập ổn định, ít rủi ro mùa vụ cho các nông hộ vùng ven biển, đặc biệt là ngư dân chuyển nghề, nuôi hải sâm hiện không những đang mang lại sinh kế cho người dân ven biển tại Việt Nam, mà còn cho những đối tác liên kết trong khu vực như Philippines và ngay cả phía Australia.

z6579544668910_595ca8c420bea551c9489ee8c4416cb3.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Đình Quang Duy với con giống hải sâm . Ảnh : XUÂN HẠNH

Việc phục hồi và nhân giống hải sâm vú trắng không chỉ mang lại lợi ích sinh thái mà còn mở ra hướng đi mới cho ngư dân chuyển đổi sinh kế – từ khai thác sang nuôi trồng bền vững. Đây cũng là một biểu tượng cho mối quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam – Australia, dựa trên ba trụ cột: gắn kết kinh tế, bảo vệ môi trường và thúc đẩy đổi mới khoa học vì phát triển bền vững.

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/tu-the-vang-iuu-den-sinh-ke-xanh-hop-tac-viet-uc-vi-dai-duong-ben-vung-post794231.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Ngắm non xanh nước biếc Cao Bằng
Cận cảnh con đường đi bộ xuyên biển 'thoắt ẩn thoắt hiện' tại Bình Định
Tp. Hồ Chí Minh đang vươn mình thành một "siêu đô thị" hiện đại
Tái hiện trận chiến huyền thoại: Bức tranh Panorama Điện Biên Phủ độc nhất Việt Nam

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm