Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

"Ươm mầm" cho Đảng-Bài 2: Để "hạt giống" nảy mầm xanh

Việt NamViệt Nam12/04/2025


(QBĐT) - Không thể phủ nhận, công tác phát triển đảng viên (ĐV) trong học sinh (HS) ở Quảng Bình đã có nhiều chuyển biến tích cực, số lượng HS ưu tú được đứng vào hàng ngũ của Đảng tăng đều qua các năm. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn và tiềm năng hiện có, con số ấy còn quá khiêm tốn. Công tác bồi dưỡng, kết nạp ĐV trẻ đang đối mặt với không ít thách thức. Do đó, để việc kết nạp ĐV trong HS đạt hiệu quả, cần có những giải pháp toàn diện, đồng bộ và lâu dài.

 

 

Nhiều rào cản

 

Theo số liệu thống kê từ Sở Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT), từ năm 2021 đến hết tháng 12/2024, toàn tỉnh có 20/32 trường học đã thực hiện kết nạp Đảng cho 120 HS. Con số này còn khiêm tốn so với nguồn lực về số HS ưu tú tại các trường THPT. Và điều này cũng đồng nghĩa với việc, hiện vẫn còn 12 trường là “vùng trắng” trong công tác phát triển ĐV cho HS.

 

Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quảng Trạch) là một trong những cơ sở giáo dục (CSGD) nhiều năm liền không kết nạp được ĐV là HS, thậm chí, từ năm 2021-2024, không có HS nào của trường được tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Theo lý giải của Phó hiệu trưởng nhà trường Phạm Ngọc San, những năm trước, chất lượng đầu vào HS của trường chưa cao; nhà trường tập trung phát triển ĐV trong đội ngũ giáo viên là chủ yếu nên chưa có kế hoạch phát triển ĐV từ HS một cách cụ thể. Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng ủy nhà trường cũng không đưa chỉ tiêu phát triển ĐV trong HS vào nghị quyết đại hội.

 

“Nhiệm kỳ 2025-2030, Đảng bộ nhà trường phấn đấu kết nạp được 15 ĐV, trong đó 50% là HS. Do đó, từ đầu năm học 2024-2025, nhà trường đã chú trọng đến công tác bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp Đảng từ HS. Trường đã rà soát, xét chọn cho 2 HS đủ điều kiện tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và theo kế hoạch, cuối năm học sẽ tổ chức kết nạp cho 2 HS này”, thầy Phạm Ngọc San trao đổi.

Các cơ sở giáo dục cần thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp lòng tự hào dân tộc và khát vọng cống hiến cho học sinh.
Các cơ sở giáo dục cần thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp lòng tự hào dân tộc và khát vọng cống hiến cho học sinh.

Nhìn vào thực tế có thể thấy, nguồn quần chúng là HS rất đông nhưng số đủ điều kiện, tiêu chuẩn được kết nạp chiếm tỷ lệ thấp. Theo lãnh đạo một số trường THPT trên địa bàn tỉnh, vướng mắc lớn nhất nằm ở độ tuổi kết nạp Đảng. Hiệu trưởng Trường THPT Lương Lương Thế Vinh (TX. Ba Đồn) Trần Thanh Hải cho biết: Theo Điều lệ Đảng quy định tại thời điểm chi bộ xét kết nạp, người vào Đảng phải đủ 18 tuổi (tính theo tháng) nên số lượng HS hàng năm đủ điều kiện về độ tuổi còn ít. Hơn nữa, nhiều HS mặc dù được bồi dưỡng, giúp đỡ nhưng khi đủ điều kiện để xem xét, kết nạp thì đã tốt nghiệp THPT, trở về nơi cư trú hoặc đi học nên cấp ủy đảng trong nhà trường không thể thực hiện các thủ tục, quy trình và ban hành nghị quyết đề nghị kết nạp.

 

Giám đốc Sở GD-ĐT Đặng Ngọc Tuấn chỉ rõ khó khăn trong công tác phát triển ĐV từ HS còn do nhận thức chính trị của HS chưa sâu sắc; một số trường học chưa thực sự quan tâm đến công tác tạo nguồn kết nạp Đảng từ HS; việc phát hiện, bồi dưỡng HS có phẩm chất, lý tưởng để phát triển Đảng tại nhiều CSGD còn mang tính hình thức; sự phối hợp giữa chi bộ nhà trường, tổ chức Đoàn-Hội và gia đình cũng chưa chặt chẽ, dẫn đến việc giáo dục chính trị, tư tưởng cho HS chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Hơn nữa, việc thiếu môi trường thực tiễn để rèn luyện, áp lực học tập, thi cử và những gián đoạn trong chuyển tiếp hồ sơ kết nạp Đảng cũng gây ít nhiều khó khăn, trở ngại, phần nào ảnh hưởng đến quá trình phấn đấu của HS…

 

Gỡ dần từng “nút thắt”

 

Ông Đặng Ngọc Tuấn khẳng định: Để tạo những chuyển biến tích cực, hiệu quả trong phát triển ĐV từ HS, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng cho HS, bởi đó là giải pháp nền tảng, có tính chất định hướng lâu dài, giúp HS hình thành thế giới quan đúng đắn, hiểu và tự nguyện phấn đấu theo lý tưởng của Đảng. Đây là nhiệm vụ cần được triển khai thường xuyên và phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương, nhà trường và gia đình, nhất là cần nêu cao vai trò của tổ chức đoàn.

Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị chuyên đề phát triển đảng viên trong học sinh.
Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị chuyên đề phát triển đảng viên trong học sinh.

 

Thời gian qua, Sở GD-ĐT và Tỉnh đoàn đã phối hợp chặt chẽ, triển khai đa dạng các hoạt động trong các CSGD. Nhiều mô hình, phong trào về xây dựng văn hóa học đường và lối sống đẹp đã được triển khai, như: Cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp-nói không với bạo lực học đường”, “Xây dựng văn hóa ứng xử trong học đường”, phong trào “HS 3 tốt”, “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Khi tôi 18”… đã góp phần tạo động lực cho HS rèn luyện, phấn đấu trở thành ĐV.

 

Tại hội nghị chuyên đề phát triển ĐV trong HS do Sở GD-ĐT tổ chức, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Văn Ninh cho rằng: Công tác phát triển ĐV trong HS mang ý nghĩa chiến lược, lâu dài, đòi hỏi phải có nhận thức sâu sắc, đầy đủ, toàn diện và sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, phối hợp chặt chẽ của các cấp ủy, tổ chức đảng trong hệ thống chính trị. Các cơ quan, đơn vị liên quan cần phát huy hơn nữa vai trò trước, trong và sau khi kết nạp Đảng, tuyệt đối không để các ĐV mới được kết nạp gặp khó khăn trong việc chuyển sinh hoạt Đảng…

Phát triển ĐV trẻ, nhất là trong HS THPT rất cần những giải pháp thiết thực, đặt chất lượng lên hàng đầu. Việc xem xét kết nạp cần nghiêm túc, kỹ lưỡng, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, quy trình và thực chất, tránh tình trạng chạy theo thành tích hoặc kết nạp cho đủ chỉ tiêu, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ ĐV trẻ. Giám đốc Sở GD-ĐT nhấn mạnh, cấp ủy trong nhà trường là tổ chức chịu trách nhiệm chính trong việc lãnh đạo công tác phát triển ĐV; hiệu trưởng chịu trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện. Vì vậy, việc phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu (bí thư đảng bộ, hiệu trưởng nhà trường) là yếu tố tiên quyết đến hiệu quả, chất lượng của công tác phát triển ĐV trong HS. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về phát triển ĐV trong HS; tạo môi trường để HS học tập, rèn luyện; giữ mối liên hệ của nhà trường với đảng bộ (chi bộ) nơi ĐV sinh hoạt nhằm phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm trong việc theo dõi, bồi dưỡng, giúp ĐV trẻ tiếp tục duy trì nhiệt huyết, hoài bão và khát vọng cống hiến để trở thành ĐV chính thức của Đảng...

 

Phát triển ĐV từ HS là hướng đi đầy triển vọng nhưng cũng đòi hỏi sự thận trọng, công phu. Nếu được thực hiện bài bản từ công tác phát hiện, bồi dưỡng đến rèn luyện thực tiễn và theo dõi sau kết nạp, thì đây sẽ là nguồn lực quý giá cho Đảng trong thời kỳ mới, bởi đó là một đội ngũ trẻ có tri thức, bản lĩnh, lý tưởng, sẵn sàng dấn thân và cống hiến.

Tâm An



Nguồn: https://www.baoquangbinh.vn/chinh-tri/202504/uom-mam-cho-dang-bai-2-de-hat-giong-nay-mam-xanh-2225566/

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Việt Nam không những..., mà còn...!
Victory - Bond in Vietnam: Khi âm nhạc đỉnh cao hòa quyện với kỳ quan thiên nhiên thế giới
Máy bay chiến đấu cùng 13.000 chiến sĩ lần đầu hợp luyện cho đại lễ 30/4
Cựu chiến binh U90 gây sốt giới trẻ khi lên TikTok kể chuyện kháng chiến

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm