Khách hàng nên lựa chọn mua vàng tại các cửa hàng có uy tín. (Ảnh minh họa)
Mua vàng trên...“giấy”
Tại TP Thanh Hóa, thời gian gần đây, lượng người tìm mua vàng nhẫn, vàng miếng tại các cửa hàng uy tín như Kim Chung, Kim Liên, Lan Hương, Phú Đô, Kim Bảo, DOJI... tăng đột biến. Tuy nhiên, thay vì nhận được vàng, nhiều người chỉ được trao một tờ giấy xác nhận “nợ vàng” kèm lời hẹn sẽ giao sau từ 10 ngày đến cả tháng.
Tại cửa hàng vàng Kim Chung, tình trạng “bán vàng bằng giấy” đã diễn ra suốt hơn một tuần nay. Khách hàng dù mua vài chỉ hay cả cây, thậm chí chục cây đều chỉ được nhận một tờ giấy viết tay xác nhận số lượng, thời gian hẹn trả. Một nhân viên tại đây cho biết: “Thay vì giao vàng, thì cửa hàng chúng tôi sẽ ghi giấy viết tay cho khách, hình thức giao dịch này có ngày lên tới vài tỷ đồng. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do “khan hiếm” vàng, đầu mối chưa có vàng để giao nên chúng tôi phải viết giấy hẹn”. Điều đáng lo ngại là, nhiều người dân, dù biết rủi ro nhưng vẫn chấp nhận hình thức này do nhu cầu cấp thiết như cưới hỏi, tích trữ, và phần lớn là tìm kiếm lợi nhuận khi giá vàng lên cao.
Không chen chúc như Kim Chung, tại cửa hàng vàng Kim Bảo không khí mua bán lại “trầm lắng”, nguyên nhân không phải vì không có khách mà không có vàng để bán. Sáng 22/4/2025, trong vai khách hàng có nhu cầu mua vàng, khi chúng tôi đến đặt vấn đề mua khoảng 10 cây vàng, chủ tiệm lập tức gọi điện cho các đầu mối cung cấp. Sau vài phút chờ đợi, chủ tiệm cho biết có vàng nhưng chỉ bán nhỏ giọt, bởi các đầu mối không cung cấp số lượng nhiều vì sợ vàng tiếp tục lên giá cao hơn. Một số khách hàng xung quanh tỏ ra ngỡ ngàng. Một người phụ nữ đứng cạnh thốt lên: “Tiền có sẵn, mà đi mua vàng như đi xin”. Sự thận trọng của cửa hàng cho thấy nguồn cung vàng vật chất đang bị kiểm soát rất chặt, đến mức các tiệm vàng truyền thống cũng không thể tự quyết định lượng bán ra.
Ngay cả chuỗi thương hiệu lớn như DOJI cũng không nằm ngoài tình trạng “khát vàng”. Tại một chi nhánh DOJI trên đường Phan Chu Chinh, khi khách hàng hỏi mua vài lượng vàng miếng SJC, nhân viên nhẹ nhàng từ chối: “Hiện bên em không còn vàng miếng sẵn. Nếu anh/chị cần, vui lòng để lại số điện thoại. Khi nào có khách bán lại, bên em sẽ liên hệ”. Một nhân viên khác thì chia sẻ thêm: “Nguồn cung vàng từ công ty về không đều như trước, nên chủ yếu chúng tôi xoay vòng từ người bán ra”.
Từ thực tế cho thấy, người mua vàng hiện nay không có hóa đơn, không hợp đồng, mà chỉ bằng một tờ giấy viết tay mong manh, đang đặt của người mua vào thế rủi ro.
Mua vàng bằng... “niềm tin”
Trong bối cảnh các cửa hàng lớn không có vàng vật chất để giao dịch, hình thức bán vàng bằng giấy viết tay được áp dụng phổ biến. Người mua thanh toán đủ tiền, cửa hàng cam kết giao vàng sau - một hình thức “tiền thật vàng hơi” chưa xảy ra trước đây.
Chị L.T.T., ở phường Đông Thọ (TP Thanh Hóa) cho biết: “Tôi mua 1 cây vàng ở cửa hàng vàng bạc KL, họ ghi giấy viết tay và hẹn 10 ngày quay lại. Nhưng khi đến hạn thì vẫn chưa có vàng, tôi vừa bức xúc, vừa lo lắng cho quyết định mua vàng trên giấy của mình”.
Việc mua vàng “trên giấy” có thể đang đẩy người tiêu dùng vào nhiều rủi ro. Giấy ghi nợ thường chỉ thể hiện tên khách hàng, số lượng vàng, thời gian giao dự kiến, không có điều khoản xử lý khi giá biến động, cũng không ràng buộc pháp lý rõ ràng về trách nhiệm bồi hoàn nếu không thực hiện đúng cam kết. Trong trường hợp thị trường đảo chiều, người mua sẽ là bên chịu thiệt.
Bất chấp rủi ro, nhiều người vẫn chấp nhận “ôm giấy tay” thay vì vàng thật, bởi nỗi lo giá vàng còn tăng. “Tôi mua 2 cây vàng, giá sát 240 triệu đồng. Nếu không mua bây giờ, mai lên nữa thì lại thiệt. Chờ vàng thật vài tuần cũng đành chấp nhận”, anh T.V.Q. (Hoằng Hóa) chia sẻ.
Sự dễ dãi trong các giao dịch “trả tiền trước - nhận vàng sau” đang khiến mối quan hệ giữa người mua và người bán trở thành một ván cược niềm tin. Nếu thị trường tiếp tục biến động, rất có thể niềm tin ấy sẽ bị thử thách, và người gánh hậu quả không ai khác chính là người mua.
Trên thực tế, hình thức ghi giấy tay thay vì giao vàng thật không vi phạm pháp luật nếu có sự đồng thuận giữa hai bên. Tuy nhiên, theo các luật sư, đây là một dạng giao dịch dân sự không có cam kết chặt chẽ, không có chế tài xử lý rõ ràng nếu phát sinh tranh chấp. Khi thị trường biến động, người bán có thể lùi thời hạn giao hàng, còn người mua lại không đủ căn cứ để yêu cầu hoàn trả, chưa nói đến kiện cáo. Bên cạnh đó, trong trường hợp xảy ra tranh chấp, việc chứng minh sự tồn tại và nội dung của giấy viết tay sẽ gặp khó khăn nếu không có các chứng cứ bổ sung như: Chữ kí của các bên liên quan, chứng nhận của người làm chứng, các tài liệu chứng cứ liên quan đến giao dịch. Do đó, để đảm bảo quyền lợi và tránh rủi ro, các bên nên lập hợp đồng bằng văn bản có đầy đủ thông tin, chữ ký của các bên và nếu cần thiết có sự chứng thực của cơ quan có thẩm quyền.
Vàng "nhảy múa", “chợ đen” ôm lời
Một trường hợp điển hình của “giao dịch không giấy nhưng đầy chủ ý” là chị “cò vàng” tên L.T.T., có số điện thoại 0919xxxxxx chuyên gom hàng từ người dân, ôm theo túi vải đựng vàng đủ loại: KL, KC, PĐ... đứng ngay gần cửa các tiệm vàng lớn. Khi thấy khách vào hỏi mua vàng nhưng bị hẹn giấy tay, chị T nhẹ nhàng tiếp cận, thì thầm: “Anh có nhu cầu mua vàng thì em có hàng ngay, lên xe em giao luôn, khỏi chờ.” Trên xe, chị mở túi, đưa từng vỉ nhẫn vàng ra giới thiệu: “Hàng chuẩn, đúng loại KL, không cần hóa đơn cửa hàng vẫn thu theo giá bảng. Em bán giá 12 triệu đồng/chỉ, bằng giá bán ra của cửa hàng. Chỉ khác họ bán giấy hẹn, còn em bán vàng thật”. Chị tiết lộ đã mua vàng hôm trước (21/4) với giá 11.650.000 đồng/chỉ, nay bán 12 triệu đồng/chỉ, không bớt. Điều đáng nói là chị đã đem thử bán lại cho cửa hàng vàng khác hiệu, họ sẵn sàng thu mua bằng giá mua vào, thậm chí cao hơn - nhưng chị không bán, vì “biết chắc vàng đang khan”.
Với cách giao dịch linh hoạt, tự tin, giá theo niêm yết khiến người mua dễ tin tưởng nhưng việc không có hóa đơn, không giấy cam kết vẫn khiến đây là một canh bạc không bảo chứng.
Được nhân viên một cửa hàng vàng giới thiệu đầu mối chuyên cung cấp vàng KC, khi phóng viên gọi tới số điện thoại 09853xxxx người bán khẳng định chắc nịch: “Em bán vàng KC, chị mang đến họ sẽ thu mua như giá trên bảng của cửa hàng”. Khi được hỏi có hóa đơn hay giấy tờ chứng minh không, đầu dây bên kia thản nhiên trả lời: “Cần gì hóa đơn, miễn là hàng của KC là họ thu lại hết.” Gặng hỏi thêm về tem niêm phong hoặc bảo chứng chất lượng, người này vẫn giữ thái độ cười cợt: “Miễn là vàng từ KC là yên tâm, tem hay không không quan trọng.” Cuộc trò chuyện cho thấy sự lập lờ nguy hiểm giữa thương hiệu và pháp lý - nơi người bán lợi dụng tên tuổi của thương hiệu để tạo niềm tin giả tạo, đẩy hàng trôi nổi vào tay người mua mà không có bất kỳ cam kết nào.
Trong khi các tiệm lớn “hết hàng”, thị trường vàng chợ đen lại sôi động chưa từng có. Các hội nhóm Facebook, Zalo nhộn nhịp: “Cần bán 1 cây KC giá 120 triệu”, “Có 200 chỉ vàng nhẫn tròn, giao ngay”, “Thu mua giá cao không mặc cả”. Thị trường vàng ngoài luồng hiện nay đang tồn tại trên một nền tảng cực kỳ mong manh: Niềm tin thay cho pháp lý, quen biết thay cho chứng từ, và thương hiệu được truyền miệng thay cho bảo chứng chính thức. Từ chị “cò vàng” giao hàng không hóa đơn, đến người bán qua điện thoại khẳng định “không cần tem, chỉ cần mác KC”, hay các bài rao bán vàng trôi nổi trên mạng... tất cả đều dựa vào niềm tin mà không có bất kỳ cơ sở ràng buộc nào. Khi niềm tin bị lợi dụng, mọi giao dịch đều biến thành một ván cược và người thua, không ai khác, chính là người tiêu dùng.
Theo nhận định của giới chuyên gia tài chính, thị trường vàng đang vận hành với những bất ổn tiềm ẩn, khi hành vi mua - bán ngày càng dựa nhiều vào tâm lý và tin đồn hơn là nền tảng pháp lý vững chắc. Việc người dân chấp nhận giao dịch không hóa đơn, không kiểm định, thậm chí bằng giấy viết tay, đã biến vàng từ một tài sản tích trữ an toàn, trở thành công cụ đầu cơ rủi ro. Chuyên gia khuyến cáo: Dù giá vàng có biến động đến đâu, yếu tố then chốt vẫn là sự minh bạch và an toàn pháp lý trong mỗi giao dịch.
Bài và ảnh: Nhóm PV
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/vang-hoi-len-ngoi-tien-that-thanh-giay-tay-246788.htm
Bình luận (0)