Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Vì một mùa xuân toàn thắng

Tròn 50 năm ngày hòa bình, những chiến sĩ Tiểu ban Văn nghệ, Tuyên huấn Khu 5 vẫn khắc ghi ký ức về năm tháng ác liệt thời hoa lửa, như một dấu ấn đặc biệt không bao giờ phôi phai…

Báo Quảng NamBáo Quảng Nam27/04/2025

Sequence 03.00_29_28_16.Still001
Các nghệ sĩ của Đoàn Tuồng giải phóng Quảng Nam - tiền thân Đoàn Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Ảnh: tư liệu

Tròn 50 năm ngày hòa bình, những chiến sĩ Tiểu ban Văn nghệ, Tuyên huấn Khu 5 vẫn khắc ghi ký ức về năm tháng ác liệt thời hoa lửa, như một dấu ấn đặc biệt không bao giờ phôi phai…

Chiến sĩ trên mặt trận văn hóa

Tháng 8/1964, tại khu căn cứ của Tỉnh ủy Quảng Nam đóng ở thôn Đồng Linh, xã Bình Phú, huyện Thăng Bình, Đoàn Văn công giải phóng Quảng Nam ra đời.

Cùng với Đoàn Văn công giải phóng Quảng Đà được hình thành trước đó vào năm 1963, hoạt động của đoàn đáp ứng yêu cầu đời sống văn hóa - văn nghệ của nhân dân vùng giải phóng; tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách của Mặt trận Dân tộc Giải phóng phục vụ kịp thời các nhiệm vụ cách mạng.

Đạo diễn Trần Thanh Việt là một trong những diễn viên thuộc thế hệ đầu tiên của Đoàn Văn công giải phóng Quảng Nam.

Ông kể, lúc bấy giờ đoàn đã dàn dựng nhiều loại hình ca kịch, ca múa, ca khúc, ca cảnh, hoạt cảnh, tấu - hài, hò vè..., lấy loại hình dân ca kịch bài chòi làm chủ đạo xuyên suốt cho các chương trình biểu diễn.

Nội dung ngắn gọn, phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh, đồng thời bám sát thực tế chiến trường gian khổ và ác liệt. Những vở diễn chính thường được dàn dựng và biểu diễn ngày ấy như: “Lá cờ”, “Ba cha con”, “Đội kịch chim chèo bẻo”, “Một mạng người”, “Bà mẹ Gò nổi”, “Người con gái Quảng Nam”, “Trở về làng cũ”, “Bà mẹ cầm súng”...

Đạo diễn Trần Thanh Việt nhớ lại: “Tôi rất may mắn khi là người có mặt đầu tiên trong ngày thành lập đoàn, là chứng nhân của bao thăng trầm, hy sinh mất mát lớn lao của đồng đội. Người ta tưởng chừng văn công, văn nghệ thì nhẹ nhàng lắm, nhưng cuộc chiến đấu ác liệt quá, chúng tôi bám theo những đoàn quân phục vụ bộ đội, nhân dân… và hy sinh rất nhiều.

Riêng Đoàn Văn công Quảng Đà có 18 văn nghệ sĩ hy sinh, trong đó có Văn Cận, Phương Thảo… Còn Đoàn Văn công Quảng Nam thì hy sinh 20 đồng chí. Nhiều người bị bắt, tù đày, thương bệnh binh. Cho đến tận bây giờ, vẫn sống động trong tôi hình ảnh kiên cường, anh dũng của đồng đội một thời…”.

Giai điệu từ trái tim

Làm văn nghệ thời chiến vô cùng gian khổ, người nghệ sĩ phải bám sát những đoàn quân, vừa tranh thủ viết kịch bản, dàn dựng chương trình ngắn gọn, vừa đảm bảo tính thực tiễn vừa mang tính nghệ thuật phục vụ cuộc chiến.

Không chỉ có vậy, do lực lượng mỏng, nên mỗi người đều phải đảm trách nhiều công việc của hoạt động biểu diễn vừa tham gia gùi cõng, tăng gia sản xuất phục vụ đời sống.

Sequence 03.00_21_37_12.Still004
Đạo diễn Trần Thanh Việt (bên phải) kể lại những kỷ niệm biểu diễn ở chiến trường. Ảnh: ĐẶNG TRƯƠNG

Trong ký ức của lớp nghệ sĩ thuộc Đoàn Tuồng giải phóng Quảng Nam - tiền thân của Đoàn Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh ngày nay, những năm tháng khói lửa mãi trong trái tim họ. Trong điều kiện thời chiến cam go, ác liệt, đoàn vẫn liên tục đi biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân khắp các tỉnh của Khu 5 cho đến ngày kết thúc Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Nghệ sĩ ưu tú Phan Thị Lan Phương - Đoàn Tuồng giải phóng Quảng Nam, nhớ lại: “Tôi nhớ nhất là những lúc đi trên xe vào Nam, mấy anh bộ đội đang trên đường ra miền Bắc, thấy con gái liền kêu vang, chiến trường Khu 5 ác liệt lắm… Cả đoàn hô vang, bọn em không sợ, quyết vào thôi”.

Còn Nghệ sĩ nhân dân Trần Đình Sanh - nguyên Giám đốc Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, nói: “Điều mong muốn lớn nhất lúc bấy giờ của anh em văn nghệ chúng tôi là đóng góp trực tiếp sức mình cho cuộc kháng chiến, vì một mùa xuân toàn thắng”.

Mùa xuân năm 1972, từ một trường đào tạo diễn viên, nhạc công cấp tốc phục vụ chiến trường ở Hà Nội, chàng trai Thanh Hóa Nguyễn Sỹ Chức cùng anh em đồng đội khoác ba lô vào Khu 5 đất lửa trong “biên chế” của Đoàn Ca kịch giải phóng Trung Trung Bộ.

Năm ấy, Nguyễn Sỹ Chức mới vừa tròn mười sáu tuổi. Trái tim tuổi trẻ với khát vọng lên đường ra tiền tuyến bấy giờ như ngọn lửa réo gọi, giục giã chàng trai xứ Thanh vượt qua những thử thách trên hành trình Nam tiến để lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất Quảng Nam.

Những tên đất, tên làng bàn chân anh và đồng đội đi qua như Nước Mỹ, Nước Y, Nước Nghêu, sông Tranh, sông Trường, bà Huỳnh, bà Xá… và nơi đoàn đóng chân Trà Nô - Phước Trà, huyện Hiệp Đức đều để lại những dấu ấn khó phai.

Nguyễn Sỹ Chức cho rằng, mảnh đất xứ Quảng vừa như để thử thách trái tim nhiệt huyết tuổi trẻ lại vừa như một bối cảnh để rèn giũa, thổi bùng ngọn lửa đam mê nghệ thuật truyền thống đã nung nấu từ thuở thiếu thời.

Anh kể về cái tết cuối cùng của chiến tranh và về khoảnh khắc sinh tử trong gang tấc khi vượt sông Vu Gia để qua vùng B Đại Lộc phục vụ bà con vui xuân. Đó là chiều mùng 1 Tết năm 1975, khi cả đoàn vượt sông thì đạn cối từ Thượng Đức bắn tới tấp. May mắn và nhờ có anh em địa phương hỗ trợ nên đoàn qua sông an toàn.

Đêm ấy, bà con nô nức kéo nhau đến xem vở diễn “Thoại Khanh Châu Tuấn”. Khi vở diễn vừa kết thúc, từ Thượng Đức, đạn cối lại nã tới tấp, một quả trúng ngay giữa sân khấu, nơi mà chỉ cách đó ít phút, Nguyễn Sỹ Chức đang đứng chỉ huy dàn nhạc… Anh bảo, đó là những khoảnh khắc ghi sâu vào lòng, để sau này mỗi lần gặp thăng trầm trên đường đời, lại vững tin bước về phía trước…

Nguồn: https://baoquangnam.vn/vi-mot-mua-xuan-toan-thang-3153739.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trực tiếp: Khai mạc Mùa du lịch Thái Nguyên năm 2025
Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Cô Tô - Nơi sóng gọi mặt trời

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm