Gà trống gáy vào bình minh dựa vào đồng hồ sinh học của chúng - Ảnh: DISCOVERMAGAZINE
Trang IFLScience ngày 15-4 dẫn một số nghiên cứu khoa học cho biết những con gà trống gáy vào lúc bình minh để thể hiện sự thống trị của chúng và cũng là để thể hiện "địa vị xã hội" với những con gà khác trong đàn.
Theo đó, xã hội của loài gà phức tạp hơn nhiều so với chúng ta tưởng tượng. Chúng phân cấp rõ ràng và có địa vị riêng. Phần lớn hành vi của chúng, từ thứ tự ăn trước, ai được giao phối cho đến cách tuyên bố lãnh thổ đều được chi phối bởi địa vị của những con gà này trong cấu trúc xã hội của chúng. Việc hiểu được vị trí (thứ hạng) của chúng là cần thiết để duy trì sự hòa hợp trong bầy đàn.
Với gà trống, sự thống trị được thiết lập bằng sự hung hăng và một số tín hiệu nhất định, chẳng hạn kích thước mào gà và khả năng gáy. Nồng độ testosterone (nội tiết tố rất quan trọng của giống đực) ảnh hưởng đến tất cả những tín hiệu này.
Do đó, thời điểm gà trống gáy cung cấp cái nhìn sâu sắc về thứ bậc xã hội của chúng.
Theo một nghiên cứu của Viện Sinh học cơ bản quốc gia Nhật Bản vào năm 2015, những con gà có thứ hạng cao nhất sẽ được ưu tiên gáy đầu tiên trong ngày. Nhóm nghiên cứu đã quan sát nhóm gồm bốn con gà trống và nhận thấy một quy tắc có hệ thống theo thứ tự gáy mỗi sáng của chúng.
Nhóm cho biết con gà trống có thứ hạng cao nhất luôn gáy đầu tiên, tiếp theo là con gà trống thứ hai, thứ ba và thứ tư. Nếu một con gà trống có thứ hạng thấp hơn dám gáy trước, chúng có thể bị mổ và đuổi.
Nhóm nghiên cứu kết luận điều này là do tiếng gáy có liên quan mật thiết đến địa vị xã hội, thứ bậc và sự thống trị.
Một nghiên cứu khác, của Trang trại thí nghiệm trung tâm thuộc tỉnh bang Ontario của Canada và được các nhà nghiên cứu công bố tại Mỹ vào năm 1995, cũng có những phát hiện tương tự. Họ kết luận rằng "tiếng gà trống gáy có khả năng hoạt động như một tín hiệu về địa vị".
Ngoài ra, tiếng gà gáy sáng hơn cũng không nhất thiết là do tác động từ ánh sáng Mặt trời. Một nghiên cứu khác vào năm 2013 của Viện sinh học cơ bản quốc gia Nhật Bản cho thấy gà trống gáy chủ yếu là do đồng hồ sinh học của chúng, tức là nhịp sinh học của chúng, chứ không phải do các yếu tố bên ngoài như Mặt trời mọc.
Mặc dù ánh sáng Mặt trời có thể ảnh hưởng đến nhịp sinh học của động vật, kể cả con người, song những con gà trống vẫn cho thấy sự phân cấp bậc trong việc gáy kể cả khi trời tối.
Một điều thú vị là khi con gà trống đầu đàn bị loại khỏi nhóm, con gà trống ở vị trí thứ hai sẽ cất tiếng gáy đầu tiên và "cư xử như thể nó là con đầu đàn", theo nhóm nghiên cứu Nhật Bản. Điều này cho thấy con gà trống có thứ hạng cao nhất sẽ được "quyết định" khi nào việc gáy bắt đầu, dựa trên nhịp sinh học riêng của chúng. Những con khác chỉ cần làm theo con đầu đàn hoặc sẽ gánh hậu quả.
Tóm lại, có nhiều điều ẩn chứa đằng sau tiếng gáy của những con gà trống. Chúng dùng tiếng gáy để khẳng định sự thống trị, địa vị xã hội của chúng trong đàn.
Nguồn: https://tuoitre.vn/vi-sao-ga-gay-luc-binh-minh-20250416124907481.htm
Bình luận (0)