Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Xây dựng, mở rộng liên kết hạ tầng giao thông trong hợp tác phát triển kinh tế

Ngày 19-2-2025, UBND thành phố ban hành Quyết định số 484/QĐ-UBND phê duyệt hợp phần tích hợp đề xuất liên kết hợp tác phát triển kinh tế giữa Đà Nẵng với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, miền Trung - Tây Nguyên và Hành lang kinh tế Đông - Tây 2. Trong đó, thành phố xây dựng định hướng liên kết về hạ tầng giao thông với đầy đủ 5 phương thức vận tải.

Báo Đà NẵngBáo Đà Nẵng05/04/2025

Giao thông Đà Nẵng sẽ có đủ 5 phương thức vận tải trong thời gian tới. Ảnh: THÀNH LÂN
Giao thông Đà Nẵng sẽ có đủ 5 phương thức vận tải trong thời gian tới. Ảnh: THÀNH LÂN

Ngày 19-2-2025, UBND thành phố ban hành Quyết định số 484/QĐ-UBND phê duyệt hợp phần tích hợp đề xuất liên kết hợp tác phát triển kinh tế giữa Đà Nẵng với các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, miền Trung - Tây Nguyên và Hành lang kinh tế Đông - Tây 2. Trong đó, thành phố xây dựng định hướng liên kết về hạ tầng giao thông với đầy đủ 5 phương thức vận tải. 

Theo đó, về đường bộ, đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu, hướng, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Thạnh Mỹ - Ngọc Hồi - Bờ Y kết nối với đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; đồng thời hoàn thành cao tốc La Sơn - Túy Loan; quốc lộ 14B đoạn qua địa phận Đà Nẵng đạt quy mô đường trục chính đô thị 6 làn xe; quốc lộ 14G đoạn qua địa phận Đà Nẵng đạt quy mô tối thiểu đường cấp IV, 2 làn xe... Cùng với đó, hoàn thiện hạ tầng kết nối của hành lang kinh tế Đông - Tây 2 nối với Lào, Thái Lan và Myanmar đến Đà Nẵng qua quốc lộ 14B, 14D, nối cửa khẩu quốc tế Nam Giang, Quảng Nam với Đà Nẵng. Đặc biệt, xây dựng tuyến giao thông công cộng (đường sắt đô thị hoặc phương thức tương đương khác) kết nối giữa thành phố Đà Nẵng với thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) và thị trấn Lăng Cô (thành phố Huế).

Về đường sắt, xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao và đường sắt thường quốc gia đi cùng hành lang, chạy song song đường bộ cao tốc về phía đông; quy hoạch tuyến đường sắt Đà Nẵng - Kon Tum kết nối với tuyến đường sắt quốc gia Bắc - Nam tại Ga Đà Nẵng mới sau năm 2030. Về đường hàng không, nâng cấp, mở rộng khu hàng không dân dụng, sân đỗ máy bay để nâng công suất lên khoảng 25 triệu hành khách/năm và là trung tâm logistics chuyên dụng hàng không. Đến năm 2050, tiếp tục mở rộng khu hàng không dân dụng, sân đỗ máy bay để nâng công suất lên 30 triệu hành khách/năm với các phân khu chức năng đa dạng, dịch vụ chất lượng cao.

Theo UBND thành phố đề xuất, về cảng biển sẽ xây dựng và phát triển cảng Đà Nẵng, thực hiện đồng thời cả ba chức năng là xuất nhập khẩu hàng hóa - trung chuyển hàng hóa - logistics để về lâu dài đảm nhận vai trò cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung (loại IA), liên kết cảng Chân Mây, cảng Đà Nẵng với cảng Chu Lai thành cụm cảng để xây dựng thương cảng lớn, ngang tầm cảng Sài Gòn và cảng Hải Phòng.

Phối hợp rà soát, điều chỉnh quy hoạch và quyết định các dự án đầu tư hạ tầng logistics trọng điểm của vùng. Song song đó, cải tạo và hình thành khu phức hợp thương mại cảng biển Tiên Sa theo hướng cảng du lịch sau năm 2030; khi cảng hàng hóa Liên Chiểu hình thành và đi vào hoạt động thì cảng Tiên Sa sẽ chính thức trở thành cảng du lịch, cửa ngõ du lịch đường biển của cả khu vực Duyên hải miền Trung đối với quốc tế.

Riêng về đường thủy nội địa, thành phố cũng định hướng phát triển các tuyến vận tải hành khách đường biển phục vụ nhu cầu đi lại của người dân kết hợp phát triển du lịch như: tuyến Hạ Long - Đà Nẵng; Đà Nẵng - Thành phố Hồ Chí Minh; tuyến Huế - Thuận An - cảng Tiên Sa - cảng Sông Hàn; tuyến Đà Nẵng - đảo Lý Sơn; tuyến Đà Nẵng - Cù Lao Chàm (Quảng Nam); tuyến Đà Nẵng - đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) và các tuyến vận tải hành khách đường biển quốc tế trực tiếp từ các nước: Mỹ, Canada, Úc, Ấn Độ, châu Âu, châu Á đến cảng biển Đà Nẵng. Ngoài ra, tuyến sông Hàn - sông Vĩnh Điện sẽ chuyển thành luồng địa phương khi đủ tiêu chí theo định hướng quy hoạch đường thủy nội địa quốc gia…

Đà Nẵng có lợi thế về hạ tầng giao thông phát triển, nhất là cảng biển. TRONG ẢNH: Cảng Đà Nẵng được đầu tư  nhiều trang thiết bị hiện đại.Ảnh: THÀNH LÂN
Đà Nẵng có lợi thế về hạ tầng giao thông phát triển, nhất là cảng biển. TRONG ẢNH: Cảng Đà Nẵng được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại. Ảnh: THÀNH LÂN

Theo Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Đà Nẵng, để liên kết phát triển, các địa phương trong khu vực cần sớm xây dựng và hoàn thiện hạ tầng đồng bộ phát triển hành lang Đà Nẵng - Quảng Nam - Quảng Ngãi - Cửa khẩu Nam Giang - Đắk Ta Ốc - Lào - Thái Lan thông qua quốc lộ 14B, 14E, 14D, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Nghiên cứu xây dựng hành lang kinh tế Bờ Y - Quảng Nam - Đà Nẵng; kết nối các tỉnh Bắc Tây Nguyên với khu vực Trung Trung Bộ và cảng biển, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên và Trung Trung Bộ.

Ths. Võ Văn Toàn, Giám đốc Công ty CP Đầu tư - Tư vấn kỹ thuật xây dựng Kỹ Việt cho rằng, đề xuất liên kết của thành phố Đà Nẵng là hoàn toàn hợp lý và khoa học khi tận dụng lợi thế điểm cuối của Hành lang kinh tế Đông - Tây và Đông - Tây 2, kết nối các khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương phát triển chuỗi dịch vụ logistics có tính tích hợp cho Đà Nẵng.

Trong đó, lấy dịch vụ logistics hàng không và dịch vụ logistics cảng biển làm ưu tiên phát triển trong hệ thống dịch vụ logistics đa phương thức nhằm phát huy lợi thế vốn có của Đà Nẵng. Ngoài ra, phát triển các trung tâm logistics cấp vùng, địa phương và chuyên dụng; bảo đảm cung cấp các dịch vụ logistics đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất trong nước, xuất nhập khẩu của thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên; có khả năng cung cấp một số dịch vụ logistics cạnh tranh cho luồng hàng hóa quốc tế trung chuyển trên hành lang kinh tế Đông - Tây và Đông - Tây 2 ra vào các cảng biển tại thành phố Đà Nẵng... sẽ mở ra cơ hội phát triển liên kết vùng miền Trung - Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, trong đó, Đà Nẵng đóng vai trò trung tâm.

“Trong vùng đã và đang có nhiều bến cảng (Chân Mây, Tiên Sa, Kỳ Hà, Dung Quất, Quy Nhơn), điều đó rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển. Việc kết nối, liên kết các cảng biển để tận dụng lợi thế cơ sở hạ tầng của nhau, tạo thành cụm cảng hoặc thương cảng lớn là điều cần thiết, đem lại hiệu quả cao trong nhiều mặt”, ông Toàn phân tích.

THÀNH LÂN

Nguồn: https://baodanang.vn/chuyen-trang-ky-niem/dong-luc-phat-trien-moi/202504/xay-dung-mo-rong-lien-ket-ha-tang-giao-thong-trong-hop-tac-phat-trien-kinh-te-4003185/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Địa đạo: Phim chiến tranh Việt Nam tầm cỡ quốc tế
Những làng quê đáng sống
Hang Sơn Đoòng lọt top điểm đến 'siêu thực' như ở hành tinh khác
Cánh đồng điện gió tại Ninh Thuận: "Tọa độ" check-in cho những trái tim mùa Hè

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm