Sông Ngự Hà. Ảnh: N. Phong

Bậc đế vương cách chúng ta gần 200 năm đã có cái nhìn sâu sắc về vai trò sông Hương không chỉ đối với phong thủy Kinh thành Huế, mà còn đối với sinh khí cho con người. Thế nhưng, còn bao trầm tích của dòng sông Hương mà đến nay chúng ta còn chưa khám phá hết. Nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan đã dành suốt cả cuộc đời chỉ để sưu tập những mảnh gốm, lu hũ, chén bát trục vớt dưới đáy sông Hương và từ đó, đã được hé mở bao điều về văn hóa, lịch sử. Một phần trong bộ sưu tập đó cùng nhiều nguồn khác nữa đã được TS. Thái Kim Lan đưa về để xây dựng nên Bảo tàng Gốm sông Hương.

Với một giả định, nếu tạo hóa không ban tặng cho cuộc đất này dòng sông Hương thì hẳn nhiên chúng ta đã không có Kinh thành Huế, không có thành phố Huế như bây giờ. Sông Hương chính là trục cảnh quan chủ đạo, là linh hồn để hình thành nên lịch sử, văn hóa xứ Huế.

Có một thời do lịch sử, do quản lý và do ý thức mà dòng sông Hương cũng như các chi lưu đã bị xem như là “mặt sau” của cuộc sống. Nhớ cách đây chưa lâu, các bờ sông Kim Long, Đông Ba, Chi Lăng, Kẻ Vạn, Như Ý… đều bị người dân sử dụng làm mặt sau của nhà cửa. Hầu hết cư dân ở mạn bờ sông đều quay mặt ra đường và quay lưng lại với dòng sông. Và theo thói quen sinh hoạt, mặt tiền bao giờ cũng được chăm chút, dọn dẹp khang trang, còn mặt sau lại trở thành nơi chất chứa bao xú uế từ xả rác, đến nhà vệ sinh. Dòng sông thời ấy đã trở thành một hệ thống “xử lý rác” khiến sông ô nhiễm đến mức không ai dám nhúng tay xuống.

Rất may, cùng với sự phát triển, cả chính quyền và người dân dần “thức tỉnh” và cư dân vạn đò được giải tỏa. Các tuyến đường đi dạo ven sông bắt đầu được hình thành để dòng sông ngày một trong xanh hơn. Thế nhưng, vẫn còn không ít khu vực người dân vẫn còn quay lưng với các dòng sông.

Trong lý thuyết phong thủy, một lĩnh vực khoa học cổ xưa đã được cha ông chúng ta bao đời áp dụng, các dòng sông, ao hồ… với yếu tố nước được xem là minh đường khi xây dựng nhà cửa. Minh đường là nơi đón ánh sáng để soi rọi sự sống được quang rạng và thanh lọc. Thật thú vị khi gần đây chúng tôi đã tự làm một khảo sát nhỏ với một số vùng cư dân mạn bờ sông, như Chi Lăng, Như Ý… và thu được kết quả đáng suy ngẫm. Với những gia đình xây nhà hướng mặt ra sông, tỉ lệ rất nhỏ nhưng hầu như nhà nào con cái cũng học hành đỗ đạt và khi trưởng thành đều có tương lai sáng rạng. Trong khi đó, rất nhiều gia đình quay lưng với các dòng sông, tỉ lệ con cái bỏ học, rơi vào sa ngã, tệ nạn và gia cảnh ngày càng rơi vào bế tắc, lụn bại rất cao.

Trong một cuộc gặp mặt báo chí cách đây vài năm, chúng tôi đã đưa kết quả khảo sát này đến các vị lãnh đạo tỉnh và đề xuất cần có quy hoạch để người dân không còn quay lưng với các dòng sông. Ý kiến đó đã được lãnh đạo tỉnh tiếp thu và đến nay, nhiều tuyến đường đi dạo ven sông được giải tỏa, xây dựng. Từ đó, đôi bờ các dòng sông ngày một được chỉnh trang sạch đẹp. Sông Hương ở khu vực trung tâm thành phố giờ đây đã trở thành khu vực cảnh quan tuyệt đẹp, niềm tự hào của Huế vì sự trong xanh, thơ mộng.

Một tín hiệu đáng mừng trong xu thế kinh tế “thức tỉnh” hiện nay khi “view sông” được xem là “điểm hot”, “đất hot” trong bất động sản cho các điểm dịch vụ kinh doanh. Thêm nữa, một dự án cộng đồng đã tiến hành sơn lại tường nhà mặt sông cho các hộ dân ven bờ sông Bao Vinh tạo ra một sắc màu mới cho dòng sông…

Chừng ấy thôi là chưa đủ, khi tiềm năng của các dòng sông thực sự vẫn chưa được đánh thức. Giá trị của các dòng sông vẫn chưa được khai thác để đem lại kinh tế, thu nhập cho sự tăng trưởng. Chúng ta có quyền kỳ vọng về những tuyến taxi điện ven sông để giảm áp tải cho giao thông đường bộ, về những bến du thuyền sang trọng và hiện đại trên sông và mỗi gia đình ven sông đều là một chủ du thuyền hạng sang để tham gia kinh doanh du lịch như Venice của Ý…

Đó là những kỳ vọng tương lai. Còn trước hết với người dân ven sông của Huế, một điều có thể làm ngay để đem lại sinh khí, môi sinh trong lành cho chính gia đình mình nói riêng và cho Huế nói chung, thì xin đừng ngoảnh mặt với dòng sông!

Bùi Ngọc Long