Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ám ảnh kì thi vào lớp 10

TP - Thi vào lớp 10 là kỳ thi kinh hoàng với hàng triệu phụ huynh, học sinh và ai cũng mong sớm chấm dứt tình trạng này.

Báo Tiền PhongBáo Tiền Phong07/07/2025

0,25 điểm định mệnh

Cách đây 1 tháng, N.P.N (Hải Phòng) luôn bị hành hạ bởi những cơn đau do trào ngược dạ dày. Chị Lê Thị Hiền Ngọc, mẹ của N cho hay, trước kì thi lớp 10, con liên tục buồn nôn, thi thoảng xuất hiện đau bụng. Tại bệnh viện, bác sĩ kết luận con bị trào ngược dạ dày do tâm lí. Thương con, chị Ngọc chỉ mong nhanh chóng kết thúc kì thi.

Chị Ngọc còn vấp một sai lầm mà đến giờ chị vẫn day dứt. Con vừa thi xong môn Toán, chị Ngọc tải gợi ý đáp án trên internet cho con xem. Kết quả không được như mong muốn, N mất tinh thần và bệnh lí tăng lên khiến con cả đêm mất ngủ.

Chính vì vậy, buổi thi môn chuyên hôm sau, con làm bài không tốt. “Phải đến khi con trúng tuyển nguyện vọng 1 vào trường THPT Thái Phiên, bệnh tình của con mới thuyên giảm. Hiện con đã gần như về trạng thái bình thường”, chị Ngọc tâm sự.

Chị cho biết, cùng con ôn thi vào lớp 10 là trải nghiệm không bao giờ quên cũng như không bao giờ muốn lặp lại. Cả gia đình lo lắng, hoang mang và căng thẳng suốt mấy tháng qua. Với chị, chỉ cần con có cơ hội học lớp 10 trường THPT công lập là mãn nguyện vì đây là cuộc đấu trí cam go, căng thẳng hơn vào đại học.

Bà Phạm Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên, phường Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ, cứ vào dịp báo điểm thi tuyển sinh lớp 10, tâm trạng của bà lại “chia hai nửa”. Nửa vui với các con đạt được như ý, nửa chùng xuống với những con kém may mắn. “Hôm qua vẫn còn phụ huynh gọi điện đến nhờ cô động viên con em. Bạn ấy vẫn khóc vì thiếu 0,25 điểm vào Trường THPT Việt Đức”, bà Hà Nói.

Chị Nguyễn Thanh Hằng, bạn chị Ngọc lại rơi vào tình huống “không giống ai” khi 2 năm liên tiếp có con thi lớp 10, năm 2024 là bạn lớn, năm nay là bạn bé. Hai năm, hai cảm giác phập phù lo lắng, hi vọng, ngóng trông.

Theo chị Hằng, phần lớn người dân mong muốn con em có cơ hội học tập tại các trường THPT công lập, trường ngoài công lập có chất lượng học phí vượt tầm chi trả. Con mất ngủ vì lo học, mẹ mất ngủ vì thương và lo cho tương lai của con.

Hà Nội vừa công bố điểm thi, điểm chuẩn vào lớp 10 THPT công lập năm học 2025 - 2026. Ghi nhận cho thấy, áp lực đè nặng lên vai một số phụ huynh. “24,5 điểm vẫn trượt lớp 10 là có thật”, đó là tâm sự của một người mẹ khi con thiếu 0,5 điểm vào trường THPT Yên Hòa. Mức điểm này con có thể trúng tuyển vào rất nhiều trường nhưng con đã chọn nguyện vọng 1 vào trường THPT Yên Hòa như một định mệnh.

Chị Trần Thanh Hường, phường Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho hay kết quả thi của con gái đạt 23,25 điểm, thiếu 0,5 điểm vào nguyện vọng 1 (Trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm) và 0,25 điểm vào nguyện vọng 2 (Trường THPT Trần Nhân Tông, Hai Bà Trưng).

Mấy hôm nay, vợ chồng chị như kiệt quệ tinh thần, lo lắng cho con nhưng vẫn phải động viên. Niềm an ủi là con đỗ nguyện vọng 3, tuy đi học xa nhà nhưng vẫn còn may mắn hơn một số bạn trong lớp.

Ám ảnh kì thi vào lớp 10 ảnh 1

Nhiều phụ huynh chờ con đi thi. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng

Anh Nguyễn Văn Hùng, xã Thượng Phúc (Hà Nội) thông tin, con trai không trúng tuyển 3 nguyện vọng, gia đình đang cân nhắc lựa chọn theo hai hướng: học nghề hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên. Cả hai hướng này con đều không thích, con mong muốn sang năm được thi lại. Nhưng anh Hùng phân tích, việc thi lại rất khó khăn, một năm tự học, nếu gia đình không quản lí tốt, con dễ sa đà vào các tệ nạn. Do đó, gia đình thuyết phục con lựa chọn một trong hai phương án đã đưa ra.

Bà Phạm Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên, phường Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ, cứ vào dịp báo điểm thi tuyển sinh lớp 10, tâm trạng của bà lại “chia hai nửa”. Nửa vui với các con đạt được như ý, nửa chùng xuống với những con kém may mắn. “Hôm qua vẫn còn phụ huynh gọi điện đến nhờ cô động viên con em. Bạn ấy vẫn khóc vì thiếu 0,25 điểm vào Trường THPT Việt Đức”, bà Hà nói.

Như vậy có thể thấy, việc siết chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 công lập của Hà Nội đã tạo áp lực lên một số khu vực nội đô. Khu vực ngoại thành cơ hội học của học sinh rất lớn. Nhưng do cách đăng kí nguyện vọng và xét tuyển nguyện vọng hiện nay, thí sinh, phụ huynh luôn bị động. Mỗi học sinh được đăng kí tối đa 3 nguyện vọng, nhưng phụ huynh, thí sinh không thể ngờ được số lượng thí sinh đăng ký vào trường là bao nhiêu, cũng như không được điều chỉnh nguyện vọng sau khi đăng kí dự thi.

Trên 96% học sinh tốt nghiệp THCS của trường thi lớp 10, nên dù biết trước nhưng những cung bậc cảm xúc khi chứng kiến chuyện đỗ - trượt của học sinh, bà Hà không khỏi chạnh lòng. Đôi khi là sự day dứt. Ở trên lớp các con học tốt, nhưng vì chút lập bập trong kì thi, có học sinh trượt 2 nguyện vọng yêu thích, phải học nguyện vọng “chống trượt”. Các con buồn, phụ huynh căng thẳng, giáo viên cũng không có niềm vui trọn vẹn.

Trường tuyển không hết, trường tìm chẳng ra

Theo công bố của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm nay thành phố đủ chỗ học lớp 10 trường THPT công lập cho khoảng 64% học sinh tốt nghiệp THCS. Số thí sinh năm nay dự thi tuyển sinh thấp hơn năm trước, nên giảm áp lực.

Tuy nhiên, ở những trường top, tỉ lệ chọi thấp nhưng cơ hội trúng tuyển vẫn khó khăn. Bởi những trường này, năng lực của học sinh đăng kí dự thi không chênh lệch và thường đạt học lực giỏi.

Ghi nhận cho thấy, điểm chuẩn nhiều trường khu vực nội thành giảm so với năm trước. Ví dụ khu vực 3 gồm các quận (khi chưa chuyển sang chính quyền 2 cấp): Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy có 7/10 trường THPT công lập giảm điểm chuẩn so với năm 2024. Trong đó có các trường top đầu như THPT Yên Hòa (giảm 0,17 điểm/môn thi); THPT Cầu Giấy (giảm 0,08 điểm/môn thi); THPT Nhân Chính (giảm 0,25 điểm/môn thi)…

Khu vực 2 (Tây Hồ, Ba Đình) có 2/4 trường giảm điểm chuẩn là THPT Nguyễn Trãi (giảm 0,95 điểm/môn, tương đương gần 3 điểm/3 môn xét tuyển); THPT Tây Hồ (0,30 điểm/môn)… Nhiều trường thuộc khu vực ngoại thành cũng giảm. Ví dụ Trường THPT Ứng Hòa B giảm 1,27 điểm/môn thi; THPT Mỹ Đức A giảm 1,18 điểm/môn; THPT Thanh Oai B giảm 1,3 điểm/môn…

Năm nay, điểm chuẩn giữa các trường khu vực nội thành và ngoại thành vẫn có sự chênh lệch đáng kể. Nguyên nhân một phần do chất lượng đào tạo nhưng quan trọng hơn là không có cạnh tranh về số lượng thí sinh dự thi. Ví dụ tại huyện Ứng Hòa (cũ), có 5 trường THPT và điểm chuẩn các trường đều dưới 15/30 điểm (dưới 5 điểm/môn thi). Có 3/5 trường điểm chuẩn là 10/30 điểm, thấp hơn trường lấy điểm cao nhất là 15,5 điểm. Tỉ lệ chọi của những trường này đều dưới 1 (xét theo nguyện vọng 1).

Trường THPT Bắc Lương Sơn lấy điểm chuẩn là 10/30 điểm, số lượng thí sinh đăng kí nguyện vọng 1 ít hơn chỉ tiêu được giao (396 thí sinh đăng kí cho 495 chỉ tiêu). Trường THPT Minh Quang điểm chuẩn 10/30 điểm có tỉ lệ chọi 1/0,73… Thậm chí ở khu vực nội thành như Trường THPT Phúc Lợi năm nay điểm chuẩn tụt 2,72 điểm/môn so với năm trước vì chỉ tiêu cao hơn số lượng học sinh đăng kí, tỉ lệ chọi 1/0,9.

Nguồn: https://tienphong.vn/am-anh-ki-thi-vao-lop-10-post1757959.tpo


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Hương vị miền sông nước
Bình minh đẹp rực rỡ trên các vùng biển Việt Nam
Vòng cung hang động kỳ vĩ ở Tú Làn
Trà sen - Món quà thơm của người Hà Nội

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm