Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bài luận “Trân trọng điều không hoàn hảo” giúp nam sinh Trường Ams trúng tuyển Đại học hàng đầu tại Mỹ

Với bài luận "Trân trọng điều không hoàn hảo trong mỗi người", Phạm Gia Nguyên xuất sắc trúng tuyển Đại học Columbia thuộc khối Ivy League - thuộc nhóm 8 trường đại học hàng đầu tại Mỹ.

Báo Đại biểu Nhân dânBáo Đại biểu Nhân dân25/04/2025

Bài luận 650 chữ nói về người bạn "đặc biệt"

Phạm Gia Nguyên, học sinh Lớp 12 Lý 2, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Ams) nhận thư trúng tuyển vào Đại học Columbia vào hồi cuối tháng 3. Theo US News, đây là trường thuộc khối Ivy League - nhóm 8 trường đại học hàng đầu tại Mỹ. Tỷ lệ chấp nhận du học sinh của Đại học Columbia nhiều năm qua chỉ ở mức 4-5%.

"Em từng không thành công với Đại học Duke trong đợt tuyển sinh sớm nên nghĩ không đỗ Đại học Columbia. Do đó, em chọn mở thư đầu tiên. Tuy vậy, kết quả lại trái ngược hoàn toàn. Nhìn thấy dòng chữ đã trúng tuyển, em và gia đình vỡ òa trong hạnh phúc", Gia Nguyên chia sẻ với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân.

img-7658.jpg
Phạm Gia Nguyên, Lớp 12 Lý 2, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh trúng tuyển Đại học Columbia, nam sinh còn trúng tuyển Đại học Georgia Tech; Đại học Illinois tại Urbana - Champaign; Rochester với học bổng 3,8 tỉ đồng/4 năm học. Nguyên cũng trong danh sách chờ của Đại học Pennsylvania, cũng thuộc nhóm Ivy League.

Để thực hiện kế hoạch xét tuyển vào các đại học ở Mỹ, ngay từ năm lớp 10, Gia Nguyên đã tập trung cho hai kỳ thi chứng chỉ quốc tế quan trọng. Em xuất sắc đạt 8.5 IELTS và điểm SAT 1540/1600.

Trong bài luận 650 chữ gửi Đại học Columbia, ban đầu Nguyên định viết về các kỷ niệm với bộ môn bóng rổ. Tuy vậy, nhận thấy các bài học từ việc chơi bóng không tạo được điểm nhấn đặc biệt nên em đổi hướng viết. Bài luận đi sâu vào trải nghiệm vượt qua cảm xúc tiêu cực không được chọn vào đội tuyển thi đấu nhờ một người bạn cấp 3. Nguyên nói, em mất 6 tháng để lên ý tưởng, lập dàn ý và hoàn thành bài luận.

img-8465.jpg
Với bài luận về sự không hoàn hảo, Nguyên thành công trúng tuyển vào Đại học Columbia (Ảnh: NVCC)

Bài luận kể lại, năm lớp 10, dù sở hữu kỹ năng chơi bóng rổ tốt, nhưng do lối chơi thiên hướng cá nhân nên Nguyên không được chọn vào đội tuyển thi đấu. Là người theo chủ nghĩa hoàn hảo, chàng trai nhanh chóng cảm thấy tiêu cực và mất niềm tin vào bản thân.

Đang đắm chìm trong nỗi buồn, Nguyên tình cờ gặp một người bạn đặc biệt. Bạn hay bị bắt nạt bởi có cách nói chuyện, giao tiếp khá khác thường. Tuy vậy, đây lại là một học sinh rất thông minh khi liên tiếp đại diện trường tham gia Kỳ thi học sinh giỏi, Đường lên đỉnh Olympia,... Tình bạn đó đã giúp Nguyên vực dậy tinh thần, tạo cảm hứng truyền tải suy nghĩ vào trong bài viết.

"Qua người bạn đó, em hiểu rằng mỗi cá nhân đều có những điểm không hoàn hảo. Thay vì cố gắng xóa bỏ, ta cần học cách trân trọng chúng. Bởi thành công không chỉ đến từ việc đạt bao nhiêu thành tích, hay phải trở thành người đứng đầu, mà còn đến từ việc tạo ra ảnh hưởng tích cực, giúp người khác tốt hơn", Gia Nguyên nhìn nhận.

Gặt hái thành công với Robotics từ con số 0

Mặc dù đã có ý định du học Mỹ từ những ngày đầu cấp 2, nhưng việc chọn ngành học của Gia Nguyên khá vất vả. Năm lớp 7, em học chuyên Anh theo định hướng của gia đình, nhưng cảm thấy không hạnh phúc với những kiến thức đang theo đuổi.

Sau một năm học tập, Gia Nguyên thuyết phục gia đình chuyển sang hướng chuyên Vật lý - môn học em cảm thấy yêu thích nhất. Với nhiều nỗ lực, Nguyên trúng tuyển vào lớp chuyên Lý của Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

img-8441.jpg
Việc rẽ hướng sang chuyên Lý giúp Nguyên tiếp cận với đam mê Robotics (Ảnh: NVCC)

Việc rẽ hướng sang chuyên Lý cũng "bắc cầu" chàng trai bước vào đam mê robot. Vào mùa hè lớp 10, khi Nguyên đang cân nhắc nhiều phương án để làm hoạt động ngoại khóa, thì cô Chủ nhiệm - người phụ trách Câu lạc bộ Robotics Trường Ams gợi ý tham dự cuộc thi Olympic Robot thế giới (World Robot Olympiad). Không chần chừ, Nguyên quyết định thử sức với tâm thế trải nghiệm và học hỏi.

"Em bắt đầu từ con số 0 với lĩnh vực Robotics. Để chế tạo được một robot hoàn chỉnh, em phải học nhiều kỹ năng mới như thiết kế 3D, tư duy về cơ cấu, và nguyên lý cơ khí. Quá trình thiết kế không chỉ giúp em nâng cao khả năng sáng tạo, mà còn rèn luyện tính tập trung, chỉn chu, cẩn thận trong từng chi tiết", Gia Nguyên kể lại.

Năm 2024, Gia Nguyên cùng đội tuyển Robotics Trường Ams giành giải Vô địch liên minh (Winning Alliance) FIRST Tech Challenge 2024. Đây là một trong những cuộc thi robot lớn nhất thế giới, và năm này cũng là lần đầu tiên được tổ chức quy mô toàn quốc ở Việt Nam.

Kỷ niệm Gia Nguyên nhớ nhất là vào giai đoạn "nước rút" của cuộc thi. Thời gian chỉ còn một tuần nhưng nhóm vẫn chưa hoàn thiện được sản phẩm robot cơ khí. Vài ngày cuối, nhóm đã thức cả đêm để lắp ráp robot, làm việc hăng say đến 3-4h sáng mới được ngủ.

Và sau nhiều cố gắng, quả ngọt cũng được gặt hái. Sản phẩm robot của nhóm đã đoạt đồng thời 2 giải thưởng danh giá của FIRST Tech Challenge Vòng thi quốc gia, gồm giải Đội trưởng liên minh vô địch và giải thưởng Sáng tạo đổi mới.

da-4294-1.jpg
daa-0885.jpg
Gia Nguyên "gặt hái" nhiều thành công với lĩnh vực thiết kế Robot từ con số 0
(Ảnh: NVCC)

Năm 2025, Gia Nguyên tiếp tục tham gia FIRST Tech Challenge với vai trò huấn luyện viên của đội thi Trường Amsterdam. Với các kinh nghiệm, kỹ năng đã học được, Nguyên góp phần giúp đội thi đoạt Vô địch vòng thi quốc gia, bước chân vào vòng Chung kết thế giới. Tại chung kết vừa diễn ra hôm 19.4, Đội thi đã xuất sắc đoạt ngôi vị Á quân toàn thế giới.

Không dừng lại ở đó, bảng profile của Gia Nguyên được tô điểm "rực rỡ" khi đạt giải Nhì với một dự án công nghệ sức khỏe tại cuộc thi Samsung Solve for Tomorrow 2024. Kết quả này là nguồn cảm hứng giúp Nguyên có thêm tư liệu để viết bài luận gửi đến các đại học ở Mỹ.

vdm03290.jpg
Gia Nguyên đạt nhiều giải thưởng tại các cuộc thi quốc tế về công nghệ (Ảnh: NVCC)

Đặc biệt, với tài năng về công nghệ, chàng trai trẻ trở thành 1 trong 10 học sinh trên toàn quốc được tuyển chọn tham gia chương trình đào tạo chuyên sâu kéo dài một năm tại Samsung.

Tại Đại học Columbia, Gia Nguyên xác định học ngành Kỹ thuật cơ khí để tiếp tục theo đuổi niềm yêu thích robot và phát huy thế mạnh làm phần cứng, thiết kế 3D.

"Kể từ khi làm quen với Robotics, em đã tìm được một đam mê mới. Em xem việc lắp ráp, thiết kế như một cơ hội để sáng tạo, khám phá. Quá trình học hỏi và thực hành tuy đòi hỏi nhiều nỗ lực, nhưng chưa bao giờ em cảm thấy mệt mỏi. Có lẽ chính bởi niềm yêu thích, tận hưởng trong quá trình thực hiện đã khiến mọi thử thách trở nên nhẹ nhàng hơn", Gia Nguyên tâm sự.

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/bai-luan-tran-trong-dieu-khong-hoan-hao-giup-nam-sinh-truong-ams-trung-tuyen-dai-hoc-hang-dau-tai-my-post411316.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Trào lưu đến Mộc Châu chụp ảnh mùa hoa
Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm