Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Có chính sách đặc thù thu hút và giữ chân nhà khoa học giỏi

Sáng 25.4, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về phát triển và sử dụng nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì cuộc làm việc.

Báo Đại biểu Nhân dânBáo Đại biểu Nhân dân25/04/2025

Đãi ngộ thấp, nhiều nhà khoa học giỏi chuyển ra khu vực tư

ub-vh1.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì cuộc làm việc

Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là các cơ quan thuộc Chính phủ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức được quy định tại các Nghị định của Chính phủ.

Theo đó, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội; cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tư vấn về chính sách phát triển trong lĩnh vực khoa học xã hội; đào tạo nhân lực có trình độ cao về khoa học xã hội theo quy định của pháp luật.

ub-vh6.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Đinh Công Sỹ phát biểu tại cuộc làm việc

Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ; cung cấp luận cứ khoa học cho công tác quản lý khoa học, công nghệ và xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội; đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ có trình độ cao theo quy định của pháp luật.

Với vị thế là cơ quan nghiên cứu cơ bản về khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ hàng đầu trong cả nước, hai Viện hàn lâm là nơi tập trung nhiều nhà khoa học có trình độ cao trong cả nước. Viên chức có trình độ tiến sĩ, tiến sĩ khoa học chiếm số lượng lớn (Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2024 tỷ lệ này là 44,1%; Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trình độ thạc sĩ, tiến sĩ chiếm khoảng 78%).

Các viện cũng có chính sách hỗ trợ hoạt động khoa học cho cán bộ khoa học trẻ; ưu tiên cán bộ khoa học trẻ, giỏi tham gia và chủ trì các đề tài nghiên cứu khoa học, đi đào tạo tại nước ngoài; có chính sách hỗ trợ, khen thưởng đối với các công bố quốc tế và quốc gia có chất lượng tốt...

doan-gs-lam-viec-voi-2-vien-han-lam41.jpg
Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Vương Quốc Thắng cho rằng, để có nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hợp tác trường - viện - doanh nghiệp phải là quan hệ hữu cơ

Tuy nhiên, cả hai Viện hàn lâm đều phản ánh tình trạng “chảy máu chất xám”, khi ngày càng nhiều nhà khoa học chuyển ra làm việc cho khu vực tư. Nguyên nhân, theo GS.TS. Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, viên chức khoa học và công nghệ trong các tổ chức khoa học và công nghệ công lập nói chung, Viện hàn lâm nói riêng không được hưởng bất cứ chế độ phụ cấp nghề hay phụ cấp đặc thù nào, trong khi các doanh nghiệp, các đơn vị bên ngoài sẵn sàng chi trả lương và thu nhập cao hơn hàng chục lần. Do đó, rất khó giữ chân các nhà khoa học, nhất là nhà khoa học giỏi công tác tại các cơ sở nghiên cứu.

Đặc biệt là hiện nay rất thiếu chuyên gia đầu ngành có khả năng định hướng dẫn dắt các hoạt động nghiên cứu lớn, mới, phức tạp về khoa học. Một số ngành đào tạo quan trọng, có tính chất đặc thù (như Khảo cổ học, Hán Nôm, Tôn giáo học, Dân tộc học, Văn hóa học...); nhiều lĩnh vực khoa học - công nghệ quan trọng, mũi nhọn (công nghệ vũ trụ, chế tạo vệ tinh, vật liệu đặc biệt, vật lý địa cầu, động đất, sóng thần…) có nguy cơ mai một do thiếu chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành.

ub-vh4.jpg
Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Tuyết Nga phát biểu tại cuộc làm việc

Công tác đào tạo nhân lực khoa học tại các đơn vị của hai Viện hàn lâm hiện cũng gặp một số khó khăn. Đối với đào tạo bậc đại học, chất lượng đầu vào của sinh viên chưa đồng đều ở các ngành đào tạo; cơ sở vật chất và trang thiết bị còn hạn chế; khả năng liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp chưa xứng tầm với năng lực; đội ngũ giảng viên thiếu về số lượng ở một số lĩnh vực. Như Trường đại học Khoa học và Công nghệ (USTH) có thế mạnh về đội ngũ giảng viên trình độ cao với trên 80% giảng viên có học vị tiến sĩ, tuy nhiên ở một số ngành học về lĩnh vực kỹ thuật còn thiếu giảng viên có trình độ cao.

Đối với đào tạo sau đại học, số lượng người học tiến sĩ chưa phát triển mạnh mẽ như mong đợi, chưa tương xứng với tiềm năng của hai Viện hàn lâm; kinh phí NSNN hỗ trợ đào tạo thấp; với những chuyên ngành đào tạo về khoa học tự nhiên, nghiên cứu cơ bản, nhiều chuyên ngành, lĩnh vực kén người học...

Chú trọng tạo nguồn nhân lực khoa học trình độ cao

GS.TS. Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết, nhiều lĩnh vực khoa học - công nghệ quan trọng, mũi nhọn có nguy cơ mai một do thiếu chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành

GS.TS. Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết, nhiều lĩnh vực khoa học - công nghệ quan trọng, mũi nhọn có nguy cơ mai một do thiếu chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành

Để có nguồn nhân lực cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đại diện hai Viện hàn lâm đều cho rằng cần có chính sách đồng bộ, cả trong phát triển và sử dụng; bảo đảm cả đầu vào và đầu ra.

PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đề nghị nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện một số cơ chế, chính sách trong tuyển dụng, sử dụng, thu hút, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực; tăng tính chủ động trong tuyển dụng, sử dụng đối với các Viện nghiên cứu, nhất là đối với một số lĩnh vực nghiên cứu quan trọng, đặc thù.

Nghiên cứu chuẩn hóa, xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ nghiên cứu khoa học, công nghệ, nghiên cứu chiến lược, chính sách, nhất là đối với nguồn nhân lực chất lượng cao theo các khung tiêu chí, năng lực đạt chuẩn của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới; bảo đảm việc “ươm trồng”, bồi dưỡng người có tài năng ngay từ khi đang học đại học.

ub-vh5.jpg
PGS.TS. Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam mong muốn tăng tính chủ động trong tuyển dụng, sử dụng đối với các Viện nghiên cứu, nhất là đối với một số lĩnh vực nghiên cứu quan trọng, đặc thù

Bên cạnh việc có chế độ tiền lương, phụ cấp phù hợp cho các nhà khoa học bảo đảm cuộc sống, hạn chế hiện tượng “chảy máu chất xám”, GS.TS. Trần Tuấn Anh cho rằng, cần có cơ chế, chính sách đặc thù về đào tạo các ngành khoa học, nhất là các ngành khoa học cơ bản, để khuyến khích sinh viên tham gia học tập, nghiên cứu, tạo nguồn nhân lực khoa học trình độ cao trong tương lai phục vụ hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo…

Đoàn giám sát ghi nhận những đóng góp to lớn của Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam và Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong đào tạo nhân lực trình độ cao về khoa học xã hội, khoa học - công nghệ; cung cấp luận cứ khoa học cho công tác quản lý, xây dựng chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội…

Chia sẻ với những khó khăn, thách thức của hai Viện hàn lâm, từ nguồn lực tài chính đến cơ sở vật chất và đội ngũ nhân lực, Đoàn giám sát mong muốn hai Viện cần nghiên cứu xây dựng chiến lược và tầm nhìn để đảm đương được trọng trách, sứ mệnh được giao cũng như phát triển xứng với thế mạnh và tiềm năng.

“Từ những cơ chế, chính sách, quan điểm chỉ đạo gần đây của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về khoa học, công nghệ, các rào cản, vướng mắc sẽ dần được tháo gỡ, mở ra cơ hội, tạo động lực và điều kiện thông thoáng, rộng mở hơn cho các nhà khoa học yên tâm cống hiến”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh.

Nguồn: https://daibieunhandan.vn/co-chinh-sach-dac-thu-thu-hut-va-giu-chan-nha-khoa-hoc-gioi-post411430.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Sài Gòn - Ký ức về đô thị 300 năm tuổi
Chênh vênh Sa Mù
Hồn Việt
Người dân tranh thủ lưu lại những khoảnh khắc mừng ngày 30/4 lịch sử

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm