Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Đề xuất hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non và học sinh dân lập, tư thục

(NLĐO)- Dự kiến dành 30,6 ngàn tỉ đồng miễn, hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông từ năm học 2025 - 2026.

Người Lao ĐộngNgười Lao Động25/04/2025

Chiều 25-4, tiếp tục phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Đề xuất hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non và học sinh dân lập, tư thục- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trình bày tờ trình tại phiên họp. Ảnh: Phạm Thắng

Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trình bày, sẽ miễn học phí đối với người học tại các cơ sở giáo dục công lập; hỗ trợ học phí đối với người học tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ đóng học phí do Ngân sách nhà nước chi trả thông qua các cơ sở giáo dục.

Do đó, dự thảo Nghị quyết để xuất bổ sung các đối tượng được miễn, hỗ trợ đóng học phí chưa được pháp luật quy định đầy đủ là: Trẻ em mầm non dưới 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục; Học sinh trung học phổ thông, người học Chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục. Nghị quyết áp dụng từ năm học 2025 - 2026 trở đi cho đến khi có quy định khác.

Theo Tờ trình của Chính phủ, tổng nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước để thực hiện miễn học phí và hỗ trợ học phí từ năm học 2025 – 2026 cho các đối tượng theo dự thảo nghị quyết ước tính khoảng 30,6 ngàn tỉ đồng/năm học (trong đó, khối công lập là 28,7 ngàn tỉ đồng; khối dân lập, tư thục là 1,9 ngàn tỉ đồng).

Hiện nay, tổng ngân sách nhà nước đã thực hiện miễn (không thu) học phí theo quy định Luật Giáo dục đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở từ năm học 2025 - 2026 là 22,4 ngàn tỉ đồng (trong đó, khối công lập là 21,8 ngàn tỉ đồng; khối dân lập, tư thục là 0,6 ngàn tỉ đồng).

Như vậy, số ngân sách nhà nước phải bảo đảm thêm khi thực hiện chính sách theo nghị quyết này là 8,2 ngàn tỉ đồng/năm học (trong đó, khối công lập là 6,9 ngàn tỉ đồng; khối dân lập, tư thục là 1,3 ngàn tỉ đồng). Mức ngân sách cần bảo đảm ở từng địa phương phụ thuộc vào quy định đóng học phí của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

Trình bày báo cáo thẩm tra nội dung này, ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, cho biết Thường trực Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí; cơ bản nhất trí với chính sách miễn, hỗ trợ học phí.

Dự thảo Nghị quyết quy định phương thức hỗ trợ học phí đối với người học chi trả thông qua các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, tại phiên họp thẩm tra sơ bộ mở rộng của Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội, các cơ quan thống nhất thực hiện theo phương thức hỗ trợ đóng học phí là cấp trực tiếp cho người học. Thường trực Ủy ban đề nghị thực hiện theo phương thức này.

Thường trực Ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung quy định về tổ chức thực hiện, trong đó giao Chính phủ hướng dẫn phương thức chi trả tiền hỗ trợ đóng học phí đối với người học trong cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Về kinh phí thực hiện, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá kỹ lưỡng khả năng cân đối ngân sách của các địa phương, nhất là các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Đồng thời, bổ sung số kinh phí thực hiện đối với học viên học chương trình giáo dục phổ thông tại cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục khác giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông; bổ sung quy định ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương chưa cân đối được ngân sách theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, UBTVQH thống nhất về sự cần thiết ban hành nghị quyết nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng và Nhà nước về đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục và trách nhiệm của nhà nước đối với người học.

Ông Trần Quang Phương đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của UBTVQH và báo cáo thẩm tra sơ bộ để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9.

Nguồn: https://nld.com.vn/de-xuat-ho-tro-hoc-phi-cho-tre-mam-non-va-hoc-sinh-dan-lap-tu-thuc-19625042515513652.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Về với đại ngàn
Chênh vênh Sa Mù
Trào lưu đến Mộc Châu chụp ảnh mùa hoa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm