Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Bảo tồn khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn gắn với phát triển du lịch

Khi văn hóa - nghệ thuật kết hợp du lịch, không gian tưởng nhớ danh nhân luôn là một điểm đến du lịch tiềm năng. Trên hành trình ấy, tại miền quê lúa hiền hòa, khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn tại xã Độc Lập (Hưng Hà) là điểm đến quan trọng trên hành trình của du khách thập phương, đặc biệt là các trường học trong và ngoài tỉnh. Đây không chỉ là nơi lưu giữ dấu tích lịch sử, văn hóa của nhà bác học Lê Quý Đôn mà còn là nguồn tài nguyên quý giá đối với việc giáo dục thế hệ trẻ.

Báo Thái BìnhBáo Thái Bình14/04/2025

Khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn tại xã Độc Lập (Hưng Hà).

Điểm đến trên hành trình du lịch 

Lê Quý Đôn tên thật là Lê Danh Phương, tự là Doãn Hậu, hiệu là Quế Đường, sinh ngày 5 tháng 7 năm Bính Ngọ, tức ngày 2/8/1726 ở làng Diên Hà, trấn Sơn Nam Hạ, nay là thôn Đồng Phú, xã Độc Lập (Hưng Hà). Lê Quý Đôn đỗ đầu kỳ thi Hương ở trường Sơn Nam năm 1743 khi mới 17 tuổi, sau đó thi đỗ kỳ thi Hội và thi Đình với học vị Tam nguyên Bảng nhãn năm 1752. Trong 32 năm làm quan, ông trải qua 20 lần thay đổi chức vụ, giữ nhiều vị trí quan trọng trong giáo dục và ngoại giao. Đây là điều kiện giúp ông có nhiều cơ hội tiếp xúc với thực tiễn xã hội và đời sống nhân dân để thu thập, tổng hợp, chắt lọc nhiều tri thức cho đời sau. Nhà bác học Lê Quý Đôn đã có những đóng góp nổi bật trong các lĩnh vực khoa học, văn hóa và giáo dục, giúp định hình và phát triển nhiều khía cạnh của tri thức Việt Nam trong thế kỷ XVIII. Ông để lại nhiều công trình nghiên cứu quý giá, nổi bật nhất là các bộ sách: Đại Việt thông sử, Phủ biên tạp lục, Kiến văn tiểu lục, Vân đài loại ngữ... có nội dung về các chủ đề phong phú từ lịch sử, địa lý, triết học, văn hóa, khoa học tự nhiên, quân sự, kinh tế, phản ánh sự hiểu biết sâu rộng và tinh thần nghiên cứu, học tập không ngừng nghỉ của ông. Ông còn là một nhà giáo dục tâm huyết. Cuộc đời và sự nghiệp của Lê Quý Đôn là tấm gương sáng về lòng yêu nước, tinh thần hiếu học và sự cống hiến không ngừng cho nền văn hóa và khoa học của đất nước. 

Với những giá trị về văn hóa, lịch sử, khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn được xếp hạng di tích quốc gia từ năm 1986. Khu lưu niệm bao gồm các công trình: từ đường danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn, lăng mộ Lê Trọng Thứ (thân phụ Lê Quý Đôn), hồ Lê Quý. Trong đó, từ đường bao gồm tòa bái đường năm gian, tòa trung đường và hậu cung mỗi tòa ba gian. Người dân địa phương quen gọi nơi đây là từ đường Bảng nhãn Lê Quý Đôn. Ông Lê Quý Tự, hậu duệ đời thứ 8 của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn, hiện nay đang ngày ngày đảm nhận việc trông coi khu lưu niệm. Ông Lê Quý Tự chia sẻ: Theo phả hệ để lại, từ đường do cụ Lê Trọng Thứ xây dựng, tính đến nay đã gần 300 năm. Các tòa trung đường, hậu cung còn giữ nguyên bản theo lối kiến trúc xưa. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, khu lưu niệm ngày càng khang trang, thuận tiện trong việc đón tiếp du khách thập phương tham quan, du lịch. Với các đoàn khách về tham quan nơi đây, tôi luôn trực tiếp đón khách và giới thiệu các thông tin đáp ứng nhu cầu tìm hiểu truyền thống, lịch sử. Ngoài ra, hàng năm tại khu lưu niệm, chính quyền địa phương và dòng họ Lê Quý luôn tổ chức các nghi lễ kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của danh nhân Lê Quý Đôn. 

Các em học sinh tại Thư viện Lê Quý Đôn trong khuôn viên khu lưu niệm.

Góp phần giáo dục thế hệ trẻ 

Cùng các học sinh dâng hương tại khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn, cô giáo Bùi Thị Phương, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Lê Quý Đôn (Hưng Hà) cho biết: tháng nào học sinh nhà trường cũng đến nơi đây để được nghe chia sẻ những câu chuyện về cuộc đời của danh nhân, đọc rất nhiều cuốn sách bổ ích có trong thư viện, ngoài ra, các em cũng hỗ trợ các ông bà làm vệ sinh để di tích luôn sạch đẹp, là niềm tự hào của quê hương. Việc thường xuyên đến khu lưu niệm khiến cho mỗi học sinh của nhà trường thêm hiểu biết, gắn bó và trân trọng danh nhân văn hóa, trân trọng những giá trị truyền thống và luôn quyết tâm trên con đường học tập của mình. Noi gương nhà bác học Lê Quý Đôn, giáo viên nhà trường cũng thêm hăng say trong những giờ lên lớp để làm sao truyền đạt cho học sinh nhiều kiến thức bổ ích, đồng hành cùng các em trên hành trình khám phá tri thức. 

Khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn đóng vai trò quan trọng trong giáo dục lịch sử và văn hóa tại các trường học bởi đây là nơi tôn vinh những đóng góp to lớn của nhà bác học Lê Quý Đôn đối với nền khoa học, văn hóa và giáo dục của Việt Nam. Đồng thời, cũng là biểu tượng để các thế hệ học sinh và nhân dân tự hào về lịch sử, truyền thống dân tộc quê hương. Khu lưu niệm đã trở thành địa chỉ đỏ để các trường học ở trong và ngoài tỉnh tổ chức các buổi học ngoại khóa, tham quan thực tế cho học sinh. Thông qua việc tham quan, học sinh có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với các hiện vật lịch sử, hiểu rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Lê Quý Đôn. Qua đó, khơi dậy tình yêu quê hương, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, giúp thế hệ trẻ có thêm động lực tinh thần to lớn để nỗ lực phấn đấu học tập, tu dưỡng bản thân. 

Những ngày tháng 4 này, Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự kỳ họp lần thứ 221 Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại Paris (Pháp) trong đó có nội dung về việc đệ trình UNESCO ghi danh nhà bác học Lê Quý Đôn là Danh nhân văn hóa thế giới. Những người con dòng họ Lê Quý nói riêng, nhân dân tỉnh Thái Bình và cả nước nói chung càng thêm tự hào về nơi đã sinh ra, nuôi dưỡng nhà bác học danh tiếng trong lịch sử, nơi lưu giữ những dấu tích gắn với cuộc đời danh nhân văn hóa kiệt xuất. Khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách, góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người Thái Bình với bạn bè trong nước và quốc tế.

Khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn là điểm đến của thế hệ trẻ.

Tú Anh

Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/19/221858/bao-ton-khu-luu-niem-danh-nhan-van-hoa-le-quy-don-gan-voi-phat-trien-du-lich


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử
Ngắm san hô biển bạc Việt Nam
Cận cảnh những giờ tập bền bỉ của các chiến sĩ trước đại lễ 30/4
TP Hồ Chí Minh: Những quán cà phê rực rỡ cờ hoa chào mừng đại lễ 30/4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm