Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nhà bác học Lê Quý Đôn: Khẳng định vị thế văn hóa và trí tuệ Việt Nam

Kỳ họp khóa 221 Hội đồng chấp hành UNESCO diễn ra tại Paris (Cộng hòa Pháp) ngày 10/4/2025 đã thông qua Quyết định khuyến nghị Đại hội đồng UNESCO (họp tháng 11/2025) phê duyệt việc UNESCO vinh danh và cùng kỷ niệm ngày sinh của một số danh nhân trên thế giới, trong đó có vinh danh và cùng kỷ niệm 300 năm ngày sinh danh nhân Lê Quý Đôn (1726 - 2026). Đây không chỉ là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình mà của cả dân tộc Việt Nam, minh chứng quan trọng khẳng định vị thế văn hóa, trí tuệ Việt Nam trên trường quốc tế.

Báo Thái BìnhBáo Thái Bình14/04/2025

Hội nghị về danh nhân Lê Quý Đôn và quảng bá văn hóa, xúc tiến du lịch tỉnh Thái Bình tại Paris (Pháp) đã thành công tốt đẹp.

Tầm vóc vươn ra thế giới

Việc UNESCO vinh danh nhà bác học Lê Quý Đôn là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là lần đầu tiên một học giả thời phong kiến Việt Nam được ghi nhận ở tầm vóc quốc tế với tư cách là danh nhân văn hóa toàn cầu. Các học giả Pháp đánh giá cao Lê Quý Đôn như một nhà thư tịch học, nhà khảo cứu lịch sử - địa chí và học giả xuất sắc của Việt Nam thế kỷ XVIII. Nhiều công trình nghiên cứu quốc tế hiện nay đang tiếp tục khai thác tư tưởng và tác phẩm của ông. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Kim, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, thành viên Ủy ban UNESCO thế giới nhận định: Các tác phẩm của Lê Quý Đôn không chỉ là những công trình học thuật xuất sắc của Việt Nam mà còn phản ánh tầm nhìn khai sáng, bao quát toàn bộ những tri thức cao nhất của thời đại. Từ văn hóa, giáo dục, triết học đến xã hội, lịch sử, tất cả đều được ông luận bàn sâu sắc. Đặc biệt, những công trình của ông như Kiến văn tiểu lục, Phủ biên tạp lục, Vân đài loại ngữ, Đại Việt thông sử... không chỉ có giá trị về mặt học thuật mà còn là di sản văn hóa dân tộc được bạn bè quốc tế công nhận.

Ngay trong ngày Hội đồng chấp hành UNESCO thông qua Quyết định khuyến nghị, tại Paris, đoàn công tác của tỉnh Thái Bình đã tổ chức thành công hội nghị giới thiệu về danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn, kết hợp quảng bá văn hóa, xúc tiến du lịch Thái Bình. Theo ông Đinh Bá Khải, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà: Hội nghị đã diễn ra thành công, nhận được sự quan tâm sâu sắc từ giới học giả Pháp. Nhiều công trình nghiên cứu mới về Lê Quý Đôn đang được triển khai, với đề xuất tích hợp nội dung giảng dạy về danh nhân này vào chương trình của một số trường đại học tại Pháp; khuyến khích và lan tỏa mảnh đất, con người Thái Bình nói chung để các doanh nghiệp lữ hành của Pháp liên kết với doanh nghiệp lữ hành của Việt Nam tổ chức nhiều tour du lịch đến Thái Bình. 

Đồng chí Phạm Văn Nghiêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ: Nhằm hướng tới chuỗi hoạt động trọng đại vào năm 2026, tỉnh Thái Bình đang tích cực chuẩn bị kế hoạch phối hợp với các bộ, ngành tổ chức kỷ niệm 300 năm ngày sinh danh nhân Lê Quý Đôn. Đây không chỉ là dịp tôn vinh thân thế và sự nghiệp của ông, mà còn là cơ hội để quảng bá văn hóa địa phương, thu hút đầu tư, phát triển du lịch và thúc đẩy giáo dục truyền thống. Thông qua hội nghị, Thái Bình bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với các đối tác Pháp trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế, nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng mới và du lịch. Tỉnh cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao lưu, xuất nhập khẩu hàng hóa và kết nối quốc tế trong thời gian tới. Theo ông Đinh Toàn Thắng, Đại sứ Việt Nam tại Pháp: Việc UNESCO vinh danh danh nhân Lê Quý Đôn sẽ là cơ hội để quảng bá sâu rộng hình ảnh mảnh đất và con người Thái Bình nói riêng, Việt Nam nói chung đến bạn bè quốc tế. Đồng thời, cũng góp phần tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Pháp. 

Theo thống kê, nhà bác học Lê Quý Đôn là tác giả của khoảng 40 đầu sách các loại, là nguồn cảm hứng bất tận cho thế hệ hôm nay và mai sau. 

Niềm tự hào từ quê hương Thái Bình 

Đón nhận tin vui từ UNESCO, cán bộ và nhân dân tỉnh Thái Bình bày tỏ niềm phấn khởi, tự hào khi giá trị lịch sử, văn hóa địa phương được vinh danh tầm quốc tế. Ông Lê Quang Luật, đại diện dòng họ Lê tại xã Độc Lập (Hưng Hà) xúc động chia sẻ: Dòng họ rất tự hào và càng có thêm động lực giáo dục con cháu noi gương cụ Lê Quý Đôn: hiếu học, sống có trách nhiệm và đóng góp tích cực cho xã hội. Người dân xã Độc Lập cũng cảm nhận được ảnh hưởng sâu rộng từ di sản tri thức của nhà bác học để lại. Ông Đào Văn Thìn, xã Độc Lập (Hưng Hà) bộc bạch: Sinh ra và lớn lên trên quê hương nhà bác học Lê Quý đôn, nghe tin nhà bác học được UNESCO vinh danh, tôi rất phấn khởi, tự hào. Cụ đã để lại kho tàng tri thức trong tất cả các lĩnh vực: nông nghiệp, văn hóa xã hội, ngư nghiệp, địa lý,... đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Rất nhiều kiến thức chúng tôi vẫn đang áp dụng trong đời sống sản xuất, trong phát triển kinh tế hiện nay.  

Việc Hội đồng chấp hành UNESCO thông qua Quyết định khuyến nghị Đại hội đồng UNESCO phê duyệt việc UNESCO vinh danh và cùng kỷ niệm 300 năm ngày sinh danh nhân Lê Quý Đôn, không chỉ là sự tôn vinh, mà còn khẳng định vị thế văn hóa, trí tuệ Việt Nam trên trường quốc tế. Những năm qua, công tích và sự nghiệp khoa học của nhà bác học Lê Quý Đôn đã và đang được suy tôn qua nhiều hình thức. Hiện nay, Việt Nam có 40 ngôi trường mang tên danh nhân Lê Quý Đôn, trong đó tỉnh Thái Bình có 7 ngôi trường các cấp mang tên người thầy vĩ đại này. Những ngôi trường ấy không chỉ là nơi nuôi dưỡng tri thức, mà còn là điểm tựa tinh thần, nhắc nhở thế hệ trẻ về tấm gương lớn, khơi dậy khát vọng vươn lên bằng con đường học vấn. Tên tuổi của ông cũng được đặt cho nhiều đường phố, giải thưởng khoa học, các hội thảo chuyên đề,... minh chứng cho sự lan tỏa sâu rộng của một danh nhân lớn với giá trị tri thức trường tồn. Cụm di tích thuộc khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn tại xã Độc Lập đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1986. Từ đó đến nay, nơi đây là điểm đến không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn là nơi giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ. Chính quyền địa phương đang tích cực trùng tu, tôn tạo, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thống tại di tích. Ông Đào Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Độc Lập nhấn mạnh: Với niềm tự hào sâu sắc, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn xác định trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy di sản quý báu mà tiền nhân để lại. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục học sinh gắn với khu lưu niệm sẽ được đẩy mạnh, để từ đó nuôi dưỡng hoài bão và khát vọng vươn lên trong thế hệ trẻ. 

Thế kỷ XVIII được xem là thế kỷ khai sáng của nhân loại đã chứng kiến sự xuất hiện của nhiều học giả lỗi lạc trên thế giới. Ở Việt Nam, Lê Quý Đôn chính là đại diện tiêu biểu cho tư tưởng khai sáng ấy. Cùng với các danh nhân như Môngtes-ki-ơ của Pháp hay Lô-mônô-xốp của Nga, ông là niềm tự hào của văn hóa và trí tuệ Á Đông, khẳng định rằng Việt Nam không đứng ngoài dòng chảy tiến bộ của nhân loại. Việc UNESCO vinh danh danh nhân Lê Quý Đôn không chỉ mang ý nghĩa biểu tượng, mà còn là sự công nhận xứng đáng đối với những đóng góp của văn hóa, trí tuệ Việt Nam vào kho tàng tri thức nhân loại. Đó là nền tảng để Thái Bình nói riêng và Việt Nam nói chung tiếp tục vươn lên trong quá trình hội nhập và phát triển bền vững. 

Hà My 

Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/19/221859/nha-bac-hoc-le-quy-don-khang-dinh-vi-the-van-hoa-va-tri-tue-viet-nam


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Những người trẻ làm "sống dậy" hình ảnh lịch sử
Ngắm san hô biển bạc Việt Nam
Cận cảnh những giờ tập bền bỉ của các chiến sĩ trước đại lễ 30/4
TP Hồ Chí Minh: Những quán cà phê rực rỡ cờ hoa chào mừng đại lễ 30/4

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm