Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

'Biệt động Sài Gòn' là phim tiêu biểu của TP HCM 50 năm qua

"Biệt động Sài Gòn" - phim kinh điển về lực lượng kháng chiến - vào top 50 tác phẩm tiêu biểu của TP HCM.

Báo Tiền GiangBáo Tiền Giang25/04/2025


Kết quả được công bố trong buổi vinh danh các tác phẩm dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, sáng 25-4 tại TP HCM.

50 tác phẩm tiêu biểu thuộc chín lĩnh vực, gồm: Văn học, Âm nhạc, Sân khấu, Múa, Điện ảnh, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Kiến trúc, Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số. Quá trình bình chọn trải qua ba cấp, nhiều chuyên gia góp mặt. Ban đầu, hội đồng sơ khảo chọn ra 91 tác phẩm, sau đó chốt lại danh sách 50 cái tên qua các vòng. Ở lĩnh vực phim ảnh, Biệt động Sài Gòn (đạo diễn Long Vân) là một trong sáu phim được bình chọn.

Bà Thanh Thúy - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM - cho biết tác phẩm đạt các tiêu chí về chất lượng, giá trị tư tưởng, nghệ thuật, ca ngợi phẩm chất của con người Việt Nam và có sức lan tỏa sâu rộng.

a

Nghệ sĩ Hà Xuyên đóng vai Ngọc Mai, chiến sĩ tình báo có bí danh Z20, trong "Biệt động Sài Gòn". Ảnh:

Xưởng phim truyện Việt Nam

Phát hành năm 1986, phim xoay quanh những chiến công của đội biệt động trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tác phẩm ban đầu được Thiếu tướng Hải Phụng (nguyên Tư lệnh Biệt động Sài Gòn, lúc ấy là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự TP HCM) đặt hàng, khởi động từ năm 1981, bấm máy bốn năm.

Phim gồm bốn tập Điểm hẹn, Tĩnh lặng, Cơn giông Trả lại tên cho em. Nhân vật chính là Tư Chung - Tư lệnh trưởng biệt động Sài Gòn, cùng đồng đội Ngọc Mai, đóng giả một cặp vợ chồng giàu có, ngày ngày chạm trán quân địch. Những đồng đội khác của họ như Sáu Tâm, Huyền Trang, Năm Hòa (bí danh K9) giữ nhiều vị trí, cùng hoàn thành nhiệm vụ.

a

Nghệ sĩ Thanh Loan vào vai ni cô Huyền Trang - chiến sĩ biệt động phải khoác áo tu hành để hoạt động. Ảnh:

VFS

Tác phẩm gây ấn tượng với những cảnh chiến đấu lẫn các tình huống đấu trí căng thẳng. Ông Vũ Văn Nha - chủ nhiệm phim - từng cho biết sau khi ra mắt, tác phẩm thu hút hơn 10 triệu lượt khán giả đến rạp. Phim là bệ phóng của hàng loạt tên tuổi từ vai chính đến phụ, như Thương Tín, Quang Thái, Thúy An, Thanh Loan, Hà Xuyên.

Sau gần 40 năm ra đời, phim là một trong những tác phẩm sống mãi với thời gian của Hãng Phim truyện Việt Nam, được chiếu lại trong một số dịp kỷ niệm của đất nước. Trên một kênh YouTube đăng tải phim, mỗi tập hút khoảng bảy, tám triệu lượt xem.

a

Phân cảnh của nhân vật Tư Chung (0:27) - nghệ sĩ Quang Thái đóng - trong "Biệt động Sài Gòn". Video:

VFS (Ảnh chụp từ màn hình)

Quay phim trong thời kỳ đất nước còn thiếu thốn, đạo diễn Long Vân không sử dụng cascadeur (diễn viên đóng thế), các nghệ sĩ phải đánh đấm thẳng tay trong nhiều cảnh. Nghệ sĩ Hai Nhất (vai Ba Cẩn) cho biết nhớ nhất đoạn Thương Tín (vai Sáu Tâm) đá vào bộ hạ, lực khá mạnh khiến ông bị đau. Ở cảnh ni cô Huyền Trang bị tra tấn, nghệ sĩ Thanh Loan bị dội nước lạnh, quay trong một đúp. Cảnh em bé giao liên do Vân Dung - con gái đạo diễn Long Vân đóng - bị tra tấn bằng bầy rắn, ông mua rắn thật từ một nhà hàng, nhổ răng, rút nọc, không cho con biết trước.

Các bộ phim còn lại trong danh sách được vinh danh, gồm: Cánh đồng hoang (đạo diễn Nguyễn Hồng Sến), Ván bài lật ngửa (đạo diễn Lê Hoàng Hoa), Vị đắng tình yêu (đạo diễn Lê Xuân Hoàng), ký sự truyền hình Mê Kông ký sự (tổng đạo diễn Phạm Khắc), phim Ngọc trong đá (đạo diễn Trần Cảnh Đôn).

Cuối tháng 2, cơ quan quản lý tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi của người dân thông qua hình thức bầu chọn trên nền tảng số. Bước cuối là bình chọn cấp thành phố, hội đồng bỏ phiếu kín, sau đó đề xuất lãnh đạo thành phố công nhận 50 tác phẩm. Sau buổi công bố, TP HCM tổ chức triển lãm vinh danh, đồng thời lên kế hoạch quảng bá suốt hai năm để lan tỏa sức ảnh hưởng của các tác phẩm đến công chúng.

Danh sách 50 tác phẩm tiêu biểu của TP HCM nửa thế kỷ qua

Âm nhạc: Mùa xuân trên TP.HCM (sáng tác: Xuân Hồng), Tiếng hát từ thành phố mang tên Người (nhạc: Cao Việt Bách, lời: Đăng Trung, Cao Việt Bách), Thành phố tình yêu và nỗi nhớ (nhạc: Phạm Minh Tuấn, thơ: Nguyễn Nhật Ánh), Đất nước trọn niềm vui (sáng tác: Hoàng Hà),

Bên tượng đài Bác Hồ (nhạc: Lư Nhất Vũ, lời: Lê Giang), Một đời người một rừng cây (sáng tác: Trần Long Ẩn), Giao hưởng số 6 "Sài Gòn 300 năm" (sáng tác: Nguyễn Văn Nam).

Sân khấu: vở cải lương Người ven đô (tác giả: Minh Khoa, chuyển thể: Nguyễn Gia Nghiệm, đạo diễn: Minh Trị), vở kịch nói Lá sầu riêng (tác giả: Hoàng Dũng, đạo diễn: NSND Ngô Y Linh - NSND Kim Cương), vở cải lương Tiếng trống Mê Linh (tác giả: Việt Dung - Vĩnh Điền, đạo diễn: NSND Ngô Y Linh),

Vở hát bội Lê Công kỳ án (tác giả: NSND Hữu Danh, đạo diễn: Nguyễn Hoàn), vở cải lương Rồng phượng (tác giả: Lê Duy Hạnh, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu), À ố show (Lune Production) và vở kịch nói Dạ cổ hoài lang (tác giả: NSƯT Thanh Hoàng, đạo diễn: NSƯT Công Ninh).

Điện ảnh: phim Cánh đồng hoang (đạo diễn: Nguyễn Hồng Sến), Ván bài lật ngửa (đạo diễn: Lê Hoàng Hoa), Vị đắng tình yêu (đạo diễn: Lê Xuân Hoàng), ký sự truyền hình Mê Kông ký sự (tổng đạo diễn: NSND: Phạm Khắc, đạo diễn: Dư Kim Hoàng, Lý Quang Trung, Nguyễn Hoàng), phim Ngọc trong đá (đạo diễn: Trần Cảnh Đôn), Biệt động Sài Gòn (đạo diễn: NSND Long Vân).

Kiến trúc: Đền tưởng niệm Vua Hùng TP.HCM (KTS Nguyễn Trường Lưu), Đền tưởng niệm Bến Dược, Củ Chi (KTS Khương Văn Mười), Nhà thiếu nhi và quần thể công trình Nhà thiếu nhi TP.HCM (KTS Nguyễn Trường Lưu), Nhà hát Hòa Bình quận 10, Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM (KTS Nguyễn Trung Kiên).

Múa: Mâm vàng Cửu Long (NSND Thái Ly), Chuyện tình non sông (NSND Vũ Việt Cường, NSND Trần Kim Quy), Huyền thoại rừng Sác (kịch bản, biên đạo: Huỳnh Quang Trí, âm nhạc: Đức Trịnh), Trắng đen (Ánh sáng và bóng tối ) (kịch bản, biên đạo: NSND Tô Nguyệt Nga, âm nhạc: Ca Lê Thuần), Mùa sen nở (NSND Hoàng Phi Long).

Mỹ thuật: Tượng Bác Hồ với thiếu nhi (nhà điêu khắc Diệp Minh Châu), tượng đài Mẹ Tổ quốc và chiến sĩ vô danh (nhà điêu khắc Nguyễn Hải), tranh Thanh niên thành đồng (họa sĩ Nguyễn Sáng), tượng Nguyễn Tất Thành (nhà điêu khắc Phạm Mười), bộ tranh gốm Đền Bến Dược (nhóm tác giả).

Nhiếp ảnh: Mẹ con ngày gặp mặt (Lâm Hồng Long), sách ảnh thời chiến (Lâm Tấn Tài), Bí thư Võ Văn Kiệt trao cờ xuất quân cho tuổi trẻ TP.HCM (Thiên Điểu), sách ảnh Sài Gòn ngoan cường (Nguyễn Á), sách ảnh Vượt qua bóng tối (Trần Thế Phong).

Văn học: Quê hương Địa Đạo (nhà thơ Viễn Phương), Bàn thờ tổ của một cô đào (nhà văn Nguyễn Quang Sáng), Ở R - Chuyện kể sau 50 năm (nhà văn Lê Văn Thảo), Mắt biếc (nhà văn Nguyễn Nhật Ánh), tập thơ Thì thầm với dòng sông (nhà thơ Hoài Vũ).

Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số: sách văn học Học tập tấm gương đạo đức và tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách đoàn kết dân tộc (chủ biên: tiến sĩ Trần Thanh Pôn), sách Người Chăm với Bác Hồ (chủ biên: tiến sĩ Phú Văn Hẳn), thư pháp Nhật ký trong tù (chủ biên: Nghệ nhân thư pháp Trần Xuyên), tuyển tập thư pháp Thực hiện di chúc Bác Hồ 1969-2019 (chủ biên: Nghệ nhân nhân dân Trương Lộ), Nét đẹp văn hóa cộng đồng người Hoa tại TP.HCM (Lưu Kim Hoa).

Theo vnexpress.net
 

 

 

Nguồn: https://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202504/biet-dong-sai-gon-la-phim-tieu-bieu-cua-tp-hcm-50-nam-qua-1040894/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cận cảnh nút giao thông tại Quy Nhơn khiến Bình Định chi hơn 500 tỷ cải tạo
Quân đội Trung Quốc, Campuchia, Lào hợp luyện diễu binh ở TP.HCM
Xem trực thăng kéo cờ, tiêm kích xé gió trên bầu trời TPHCM
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm