Ngay từ đầu năm, Quảng Ninh đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều nghị quyết, đề án trọng tâm về cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Song song với đó là loạt nhiệm vụ chuyển đổi số toàn diện trên tất cả lĩnh vực, từ kinh tế, đầu tư, tài nguyên đến y tế, giáo dục... Những bước đi này không chỉ làm thay đổi phương thức vận hành của bộ máy nhà nước, mà còn góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, doanh nghiệp.
Kết quả rõ nét nhất chính là sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư trong khai thác, sản xuất, kinh doanh. 6 tháng đầu năm, Quảng Ninh thu hút tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 61.858 tỷ đồng, trong đó vốn FDI đạt 262,81 triệu USD (bằng 17% so với cùng kỳ). Tỉnh đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 11 dự án với tổng vốn đăng ký 168,64 triệu USD; điều chỉnh vốn cho 43 dự án, trong đó 8 dự án tăng vốn thêm 94,09 triệu USD. Quảng Ninh cũng ghi nhận 1.150 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 22%), nâng tổng số doanh nghiệp đang hoạt động lên 11.493. Công tác hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp tiếp tục được coi trọng với hàng loạt hội nghị, hội thảo đối thoại, tháo gỡ vướng mắc, kết nối hệ sinh thái sản xuất kinh doanh.
Không chỉ chú trọng thu hút đầu tư tư nhân, tỉnh còn quyết liệt thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. 6 tháng đầu năm, giá trị giải ngân đạt 7.342 tỷ đồng, bằng 37,4% kế hoạch và tăng 14,2% so với cùng kỳ - mức cao trong bối cảnh nhiều địa phương trên cả nước gặp khó khăn trong giải ngân. Kết quả này thể hiện quyết tâm và năng lực điều hành linh hoạt, hiệu quả của chính quyền địa phương.
Đặc biệt, từ ngày 1/7/2025, Quảng Ninh chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp theo tinh thần Nghị quyết 37-NQ/TW. Đây là bước chuyển đổi mang tính nền tảng nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chính quyền các cấp. Ngay trong những ngày đầu triển khai, các địa phương đã chủ động kiện toàn bộ máy, bố trí nhân sự hợp lý, đồng thời rà soát, thống nhất quy trình xử lý TTHC liên thông từ tỉnh đến cơ sở. Tỉnh cũng chỉ đạo tăng cường ứng dụng CNTT, kết nối cơ sở dữ liệu, bảo đảm dịch vụ công trực tuyến hoạt động ổn định, thông suốt.
Từ chỗ người dân, doanh nghiệp phải “tìm đến” chính quyền, nay chính quyền đã chủ động đến gần dân hơn. Các điểm nghẽn TTHC được tháo gỡ kịp thời, các dự án được đẩy nhanh tiến độ, giảm chi phí không cần thiết, tăng hiệu quả vận hành toàn hệ thống. Mô hình hai cấp góp phần định hình nền hành chính hiện đại, sát dân, vì dân, thúc đẩy đột phá kinh tế - xã hội.
Với nhiều giải pháp tích cực, GRDP 6 tháng đầu năm của tỉnh đạt 11,03%, trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 16,1%; dịch vụ tăng 10,6%; nông, lâm, ngư nghiệp tăng 4,6%. Thu ngân sách nhà nước đạt 29.752 tỷ đồng, bằng 58% dự toán năm, tăng 4% so với cùng kỳ. Quảng Ninh đặt mục tiêu cả năm 2025 đạt tăng trưởng GRDP từ 14% trở lên, thu NSNN đạt 60.000 tỷ đồng.
Để tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cả năm 2025, Quảng Ninh xác định nhiều nhóm giải pháp trọng tâm cho 6 tháng cuối năm. Trong đó, tập trung rà soát, hoàn thiện quy trình xử lý thủ tục hành chính theo hướng “tối ưu, đơn giản, số hóa”; nâng cao hiệu quả triển khai dịch vụ công trực tuyến, đặc biệt là các dịch vụ thiết yếu liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Tỉnh cũng sẽ tăng cường kiểm tra, đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp với sự phục vụ của chính quyền, lấy đây làm cơ sở để điều chỉnh chính sách và cải tiến quy trình. Song song đó, Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, đảm bảo dữ liệu được kết nối, chia sẻ liên thông; đồng thời nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là cán bộ ở cơ sở để đáp ứng yêu cầu mô hình chính quyền địa phương hai cấp.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/quang-ninh-cai-cach-hanh-chinh-de-thu-hut-dau-tu-dam-bao-muc-tieu-tang-truong-3366148.html
Bình luận (0)