Từ ngày 1/7, ứng dụng VNeID cập nhật quê quán mới khi mô hình chính quyền địa phương hai cấp có hiệu lực, nhiều người dân háo hức vào ứng dụng này để xem các thông tin đã được thay đổi. Không ít người đã vô tư chia sẻ ảnh chụp màn hình giao diện VNeID lên mạng xã hội. Điều này đồng nghĩa, tất cả dữ liệu cá nhân như: Số và ngày cấp căn cước công dân, nơi sinh, quê quán, nơi thường trú, tạm trú, nơi ở hiện tại, đặc điểm nhận dạng... hoàn toàn được chia sẻ công khai.
Theo các chuyên gia an ninh mạng, việc công khai thông tin cá nhân để lại hậu quả không nhỏ và vô tình biến người dùng trở thành nạn nhân của tội phạm mạng. Nhất là, những công nghệ hiện đại như AI giúp chúng thực hiện hành vi phạm pháp một cách dễ dàng và đơn giản. Khi dữ liệu được công khai, tội phạm mạng xây dựng hồ sơ đầy đủ về nạn nhân để tiến hành các thủ đoạn giả mạo, lừa đảo, mạo danh, chiếm đoạt tài sản. Vì vậy, người dùng nên kiểm tra kỹ các quyền riêng tư khi đăng bài và luôn cảnh giác với các liên hệ bất thường sau khi thông tin bị lộ lọt ; cân nhắc kỹ có thật sự cần đăng tải thông tin quê quán mới trên mạng hay không?
Ngày 3/7, Công an tỉnh Quảng Trị đã phát đi cảnh báo, trong đó nhấn mạnh việc đăng tải công khai hình ảnh căn cước công dân, bằng lái xe, thẻ ngân hàng... lên các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo... có thể bị tội phạm mạng lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Trước đó, Công an thành phố Hải Phòng cũng đã phát cảnh báo về các phương thức phổ biến mà tội phạm mạng thường sử dụng để chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại cho người dân; theo đó, khuyến cáo người dân không tùy tiện chia sẻ công khai thông tin cá nhân lên mạng xã hội.
Liên quan đến ứng dụng VNeID, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cũng vừa đưa ra cảnh báo đến người dân. Theo đó, các đối tượng lừa đảo đang mạo danh cán bộ của các xã/phường mới, gọi điện hướng dẫn người dân truy cập đường dẫn hoặc cài đặt ứng dụng VNeID giả mạo có chứa mã độc nhằm chiếm quyền điều khiển điện thoại, từ đó chiếm đoạt tài sản của người dùng.
Phương thức các đối tượng sử dụng là gọi điện bằng thuê bao di động thông thường hoặc tổng đài ảo giả mạo danh nghĩa cơ quan, tổ chức. Chúng tự giới thiệu là cán bộ Ủy ban xã/phường, cảnh sát khu vực, thông báo về việc thay đổi bộ máy hành chính và đề nghị người dân cập nhật thông tin mới.
Để tạo niềm tin, các đối tượng đã thu thập thông tin cá nhân của người dân từ trước và cung cấp những thông tin này trước khi yêu cầu người dân thực hiện theo hướng dẫn. Sau khi người dân tin tưởng, đối tượng sẽ yêu cầu truy cập vào đường dẫn do chúng cung cấp hoặc cài đặt ứng dụng VNeID, dịch vụ công giả mạo có chứa mã độc.
Khi người dân đã truy cập hoặc cài đặt ứng dụng, đối tượng sẽ chiếm quyền điều khiển thiết bị. Sau đó tiếp tục dẫn dụ nạn nhân làm theo hướng dẫn để tìm cách lấy mã OTP tài khoản ngân hàng hoặc dụ người dân nhìn vào điện thoại nhằm lấy dữ liệu sinh trắc học, từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.
Trước tình hình nêu trên, để tự bảo vệ mình và không trở thành nạn nhân của tội phạm mạng, người dân tuyệt đối không làm theo yêu cầu qua điện thoại của các đối tượng tự xưng là cán bộ xã/phường, cảnh sát khu vực. Nếu cần cập nhật thông tin liên quan đến hành chính hoặc cư trú, người dân phải đến trực tiếp Công an xã/phường nơi mình sinh sống để được hướng dẫn và hỗ trợ chính xác. Bên cạnh đó, cần chủ động tuyên truyền, vận động gia đình, bạn bè, người thân cảnh giác trước phương thức, thủ đoạn lừa đảo tinh vi của tội phạm mạng.
Theo NDO
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/canh-bao-nguy-co-lo-lot-du-lieu-ca-nhan-voi-trao-luu-khoe-anh-can-cuoc-cong-dan-254499.htm
Bình luận (0)