Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hậu sáp nhập địa giới hành chính: Định vị điểm đến du lịch mới thế nào?

Cần “vẽ” lại bản đồ du lịch Việt Nam hậu sáp nhập địa giới hành chính trên cơ sở vừa phải tạo được tính liên kết, phát huy lợi thế, vừa mang đậm bản sắc đa dạng, đặc sắc, phù hợp với các thị trường...

VietnamPlusVietnamPlus10/07/2025

Biển trời non nước Cô tô, Quảng Ninh. (Ảnh: Vương Công Nam/Vietnam+)

Biển trời non nước Cô tô, Quảng Ninh. (Ảnh: Vương Công Nam/Vietnam+)

Mặc dù du lịch được đánh giá là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm nay trong báo cáo của Chính phủ tại phiên họp đầu tháng 7 vừa qua, song điều khiến Thủ tướng và lãnh đạo ngành vẫn trăn trở trong việc vận hành chính quyền hai cấp, nhất là khi cấp Sở không còn Sở Du lịch chuyên biệt (chỉ một số tỉnh, thành phố đặc biệt còn giữ), việc chỉ đạo hoạt động có bị đứt gãy không?

Quan trọng hơn, phải làm gì để “vẽ” lại bản đồ du lịch Việt Nam để có thể phát huy tối đa lợi thế từ những liên kết mới, cơ hội phát triển mới của không gian rộng mở sau sáp nhập?

“Vẽ” lại bản đồ du lịch Việt

Mỗi du khách quốc tế tới Việt Nam hiện đang chi tiêu khoảng 1.500 USD, và mục tiêu của lãnh đạo ngành muốn con số này sẽ tăng lên 2.000 USD/ khách. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp đặc biệt, bởi nó tác động tới 18 ngành kinh tế khác.

Trước tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường, đứt gãy trong chuỗi cung ứng là điều khó tránh khỏi. Đặc biệt, trong bối cảnh sáp nhập địa giới hành chính, Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng: “Ngành Du lịch cần có những thích nghi với tình hình mới, bộ máy mới để du lịch không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn, mà là một ngành kinh tế ‘truyền cảm hứng.”

Vì thế, việc cần tập trung lúc này là làm sao để du lịch thích nghi tốt và góp phần bù đắp những hạn chế do các biến động trên gây ra. Và cần “vẽ” lại bản đồ du lịch Việt Nam hậu sáp nhập địa giới hành chính trên cơ sở không phủ nhận cái đã có, mà vừa phải tạo được tính liên kết, phát huy lợi thế, cơ hội phát triển mới và không gian rộng mở vừa mang đậm bản sắc văn hóa đa dạng, đặc sắc, phù hợp với các thị trường, đối tượng khác nhau.

z6579867029740-647123f2c5fe4e4ace1d95ed721d16db.jpg

Chùa Tam Chúc có thể trở thành một điểm của vùng du lịch tâm linh kết nối từ Tam Chúc (Hà Nam cũ), Phủ Dầy (Nam Định cũ) đến Bái Đính (Ninh Bình cũ). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Lãnh đạo ngành nêu trường hợp khi sáp nhập Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam thì tỉnh Ninh Bình có thể trở thành trung tâm vùng du lịch tâm linh, kết nối từ Tam Chúc (Hà Nam cũ), Phủ Dầy (Nam Định cũ) đến Bái Đính (Ninh Bình cũ). Gia Lai sáp nhập Bình Định, tỉnh Gia Lai mới vừa có vùng Tây nguyên đất đỏ, Biển Hồ lộng gió vừa sở hữu những bãi biển đẹp, có cả vị mặn mòi ở Ghềnh Ráng…

Hay như Quảng Bình và Quảng Trị sau sáp nhập sẽ có tỉnh Quảng Trị mới với nguồn lực lớn mạnh và không gian trải dài trên dải đất miền Trung, từ hệ thống hang động, thiên nhiên phong phú của Phong Nha-Kẻ Bàng, các di tích lịch sử cách mạng, đến cả những ký ức khốc liệt hằn in trên biết bao chứng tích chiến tranh của vùng đất này...

“Chúng ta phải làm kinh tế bằng cả nhiệt huyết, bằng yếu tố văn hóa bền vững, truyền được cảm hứng, chạm đến được trái tim và cảm xúc của du khách. Bởi khách du lịch ngày hôm nay không chỉ đến để ngắm nhìn, mà họ phải được trải nghiệm, phải có cảm xúc thì mới hy vọng họ sẽ quay lại lần thứ hai và những lần sau nữa,” Bộ trưởng nhấn mạnh.

Chiến lược phát triển du lịch hậu sáp nhập…

Việc hoàn tất sắp xếp lại địa giới hành chính và triển khai chính quyền địa phương 2 cấp đã góp phần mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch khi các tỉnh, thành phố có thêm dư địa về tài nguyên. Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đặt ra những nhiệm vụ, định hướng cụ thể cho toàn ngành với yêu cầu phải định vị lại tài nguyên du lịch các địa phương, quy hoạch lại hệ thống du lịch Việt Nam. Chậm nhất hết quý III phải xong việc này.

0607aodaihue1.jpg

Tái cấu trúc sản phẩm du lịch sau khi sáp nhập địa giới hành chính cần dựa trên bản sắc đặc trưng của địa phương. (Ảnh minh họa: Mai Trang/TTXVN)

Đáng chú ý, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu là tái cấu trúc lại sản phẩm du lịch sau khi sáp nhập, tập trung phát triển kinh tế để du lịch đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2025, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% của cả nước. “Ngành du lịch cần hợp lực để cùng bứt tốc, đưa du lịch Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu châu Á,” ông Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Để “cán đích” này, Bộ trưởng đề nghị các địa phương nhanh chóng rà soát, đánh giá lại tài nguyên, từ đó có chiến lược phân khu, định vị điểm đến du lịch không chỉ dựa vào Quy hoạch Du lịch Việt Nam đã công bố, mà cần cập nhật, bổ sung quy hoạch theo thực tế. Những “điểm nghẽn” trong quản lý cũng cần điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch đầu tư, phát triển.

Du lịch nội địa và quốc tế phát triển đồng thời. Trong tái cơ cấu thị trường, đặc biệt thị trường quốc tế cần thực hiện ngay, tập trung vào 10 thị trường trọng điểm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia, châu Âu, Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Đông, Nga.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Ngành du lịch cần quán triệt tinh thần lấy thị trường làm trung tâm, thương hiệu làm nền tảng, từ đó có chính sách phát triển du lịch hiệu quả.”

anh-phong-nha.jpg

Phong Nha, nơi sở hữu một trong những hệ thống hang động lớn nhất thế giới. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Tập trung xây dựng sản phẩm du lịch theo hướng đặc sắc, chuyên biệt, hiệu quả được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, các địa phương cần xác định rõ thế mạnh sản phẩm, có chiến lược hợp tác, liên kết vùng và “phân vai” rõ nhằm tạo ra các sản phẩm có bản sắc đặc trưng, tránh tình trạng sản phẩm na ná nhau.

Bộ trưởng đề nghị hoạt động liên kết vùng phải thực chất và bền vững. Trong đó, các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng… cần đảm nhận vai trò là trung tâm trung chuyển khách của cả nước.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá theo đúng chủ đề “Việt Nam – Đi để yêu”; hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh; tăng cường chuyển đổi số. Dịch vụ du lịch đòi hỏi phải chuyên nghiệp, ứng xử văn minh; tăng cường quản lý điểm đến, đảm bảo an ninh an toàn; xử lý, ngăn chặn triệt để tình trạng “chặt chém” du khách…

Lãnh đạo ngành khẳng định: “Việc phát triển du lịch phải có sự đồng lòng, hợp lực của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và toàn dân, đặc biệt phải dựa trên sức mạnh của nhân dân. Ngành du lịch không thể phát triển một mình.”./.

andochine-villas-resort-spa-phu-quoc-2.jpg

Chờ đón một diện diện mạo mới của ngành du lịch Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

(Vietnam+)

Nguồn:https://www.vietnamplus.vn/hau-sap-nhap-dia-gioi-hanh-chinh-dinh-vi-diem-den-du-lich-moi-the-nao-post1048909.vnp



Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

 Hang động huyền bí hấp dẫn khách Tây, được ví như 'động Phong Nha' ở Thanh Hóa
Khám phá vẻ đẹp nên thơ của vịnh Vĩnh Hy
Loại trà đắt đỏ nhất Hà Nội, giá hơn 10 triệu đồng/kg được chế biến thế nào?
Hương vị miền sông nước

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm