Tham dự phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội; đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, UBND thành phố Hải Phòng; đại diện Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Môi trường…

Trình bày Báo cáo của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm đề xuất cho phép thành phố Hải Phòng được thí điểm áp dụng 17 chính sách cụ thể thuộc 6 nhóm chính sách lớn, gồm: quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; về quản lý quy hoạch, đô thị, tài nguyên và môi trường; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố Hải Phòng quản lý; quản lý khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo như đầu tư, quản lý, khai thác và xử lý tài sản kết cấu hạ tầng, trang thiết bị phục vụ phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; Khu thương mại tự do thế hệ mới tại Hải Phòng..

Các đại biểu cơ bản tán thành việc xây dựng và trình Quốc hội xem xét, thông qua một nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết số 35/2021/QH15 của Quốc hội để khơi thông các điểm “nghẽn”, tạo đột phá, có sức lan tỏa lớn hơn.
Một số ý kiến lưu ý, phạm vi chính sách được đề xuất tại dự thảo Nghị quyết là khá rộng, một số chính sách có tác động trực tiếp đến ngân sách nhà nước, chứa đựng nhiều quy định khác pháp luật hiện hành. Do đó, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần đánh giá cụ thể tác động của các chính sách, nhất là chính sách có tác động đến thu, chi ngân sách; làm rõ hơn kết quả đầu tư của từng chính sách…

Về nhóm chính sách đặc thù áp dụng trong Khu thương mại tự do thế hệ mới tại Hải Phòng, nhiều đại biểu cho rằng, việc áp dụng các chế độ ưu tiên theo quy định của pháp luật về hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu phải đáp ứng các điều kiện áp dụng theo quy định của pháp luật; một số cơ chế cần quy định rõ quy trình thực hiện, cơ chế kiểm soát để tránh lợi dụng cơ chế, chính sách cho hoạt động nhập khẩu bất hợp pháp… Các đại biểu cũng lưu ý một số chính sách mới cần xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Một số ý kiến cho rằng, dự thảo Nghị quyết quy định chính sách ưu đãi về miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với tất cả các dự án trong khu thương mại tự do là khá rộng, không có tính thu hút cao đối với các nhà đầu tư vào danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư. Do đó, đề nghị thu hẹp lại phạm vi áp dụng theo hướng chỉ áp dụng với các dự án đầu tư trong Khu thương mại tự do thế hệ mới tại Hải Phòng thuộc Danh mục ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư.

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Tâm và Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng Lê Anh Quân đã giải trình một số nội dung tại dự thảo Nghị quyết được các đại biểu quan tâm.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Vũ Thị Lưu Mai đề nghị, Chính phủ sớm hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị quyết để gửi cơ quan chủ trì thẩm tra, cũng như trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 44; bổ sung tiếp thu các ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Kinh tế và Tài chính.
Để bảo đảm tính thuyết phục trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính đề nghị, Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ đánh giá thêm tác động từ việc sáp nhập Hải Phòng với địa phương khác; mở rộng phạm vi đánh giá tác động trên địa giới hành chính mới; rà soát đưa ra danh mục chi tiết những chính sách không thể quy định ngay tại dự thảo Nghị quyết mà giao Chính phủ quy định rõ hơn… Đồng thời, cần rà soát các cơ chế, chính sách đặc thù đã áp dụng với những địa phương khác để có chính sách thực sự mang tính đặc thù riêng biệt, tương thích với đặc điểm của Hải Phòng, tránh lối mòn; đánh giá rủi ro để hạn chế tối thiểu tác động không mong muốn.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính cũng đề nghị, Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành và thành phố Hải Phòng phối hợp nghiên cứu bổ sung cơ chế trọng dụng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực trong nước… để góp phần thể chế hóa Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24.11.2023 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.
Để bảo đảm tính cụ thể, rõ ràng cho dự thảo Nghị quyết, Chính phủ cũng cần nghiên cứu quy định rõ quy trình, thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh, xuất nhập khẩu; thủ tục nhập cảnh, tạm trú, giấy phép lao động; thủ tục đất đai, đầu tư xây dựng… tại Khu thương mại tự do Hải Phòng.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/cho-y-kien-du-thao-nghi-quyet-thi-diem-mot-so-co-che-chinh-sach-dac-thu-phat-trien-thanh-pho-hai-phong-post410180.html
Bình luận (0)