
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phạm Thuý Chinh chủ trì Hội thảo. Cùng dự có: Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ; đại diện các Ủy ban của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và đại diện các Đoàn ĐBQH, HĐND các tỉnh, thành phía Nam.
Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Quốc hội thông qua ngày 26.11.2013 đã tạo được khung pháp lý có giá trị cao, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong các lĩnh vực đã có những chuyển biến cơ bản, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của đất nước.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phạm Thuý Chinh phát biểu
Tuy nhiên, qua hơn 10 năm triển khai, đến nay Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để đảm bảo đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan cũng như các yêu cầu đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong giai đoạn mới.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phạm Thuý Chinh nhấn mạnh tư tưởng và quan điểm chỉ đạo về chống lãng phí của Tổng Bí thư Tô Lâm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Theo đó, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đang là một trong những nhiệm vụ then chốt và hoàn thiện thể chế, trong đó có tổng kết, sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là hết sức cấp thiết nhằm nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tăng trưởng kinh tế bền vững và bảo vệ nguồn lực quốc gia.
Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính, các cơ chế giám sát, khuyến khích sáng tạo, quản lý tài nguyên bền vững, sự tham gia của cộng đồng cần được cụ thể hóa trong chính sách luật pháp để tạo nền tảng vững chắc cho công cuộc chống lãng phí trong mọi lĩnh vực.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung làm rõ thực trạng và những kết quả đạt được trong tổ chức thực thi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013, nhận diện những khó khăn, hạn chế mà chúng ta đang phải đối mặt trong quá trình thực thi, đồng thời đề xuất các giải pháp sửa đổi, bổ sung Luật.

Cụ thể, các đại biểu chỉ ra một số khó khăn, hạn chế như: nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức chưa thực sự đầy đủ về tầm quan trọng của việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các quy định hiện hành chưa đủ chặt chẽ và thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả dẫn đến lãng phí vẫn xảy ra ở nhiều lĩnh vực; công tác tuyên truyền và đào tạo còn thiếu hiệu quả, chưa được triển khai rộng rãi, liên tục đến tất cả các đối tượng ...
Một số ý kiến đánh giá các khái niệm về "tiết kiệm", "lãng phí", "hành vi gây lãng phí" chưa rõ ràng, chưa bao quát hết các trường hợp, hành vi phát sinh trên thực tiễn; thiếu các quy định về chế tài xử lý đủ mạnh để răn đe, phòng ngừa các trường hợp lãng phí có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, chưa có quy định về việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia công khai về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để kịp thời cập nhật thông tin về tình hình trên cả nước cũng như làm cơ sở để Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, nhân dân có thêm cơ sở thực hiện theo dõi, giám sát, kiểm tra.




Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ đề xuất sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo hướng gắn với đổi mới mô hình quản lý công, tinh giản bộ máy, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập; tăng cường phân cấp, phân quyền đi kèm với trách nhiệm giải trình trong sử dụng nguồn lực nhà nước; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công khai, số hoá toàn bộ dữ liệu về tài sản công, chi ngân sách nhà nước, đầu tư công giúp giám sát hiệu quả và phòng ngừa lãng phí từ sớm. Đồng thời, có cơ chế khen thưởng, biểu dương những tập thể, cá nhân tiết kiệm hiệu quả, có sáng kiến quản trị công.

Một số ý kiến cho rằng cần quy định cụ thể quyền, trách nhiệm của các chủ thể trong việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đối với việc tổ chức thực hiện phòng, chống lãng phí trong mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, bảo đảm việc thực hiện quyền giám sát tiết kiệm, chống lãng phí của công dân, cơ quan, tổ chức, chịu trách nhiệm cá nhân trong trường hợp xảy ra các hành vi gây lãng phí.
Bên cạnh đó, cần quy định các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm xây dựng và thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm và dài hạn, trong đó, xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá tiết kiệm cho ngành, lĩnh vực và cho các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/hoan-thien-chinh-sach-phap-luat-ve-thuc-hanh-tiet-kiem-chong-lang-phi-post410166.html
Bình luận (0)