
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng, phát triển nhà ở xã hội
Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh trình bày nêu rõ, việc xây dựng Nghị quyết nhằm đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội. Thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, đồng thời giúp người dân có thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận với nhà ở phù hợp, gắn với việc hoàn thành mục tiêu thực hiện Đề án: “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030"…

Dự thảo Nghị quyết gồm 16 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và nguyên tắc áp dụng. Thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia; chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không sử dụng vốn đầu tư công; chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời giao chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân không sử dụng vốn đầu tư công; giao chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đầu tư xây dựng bằng nguồn tài chính công đoàn; lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội…
Làm rõ địa vị pháp lý, mô hình tổ chức của Quỹ phát triển nhà ở quốc gia
Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Văn Liên nêu rõ, Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết này.
Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết bổ sung 3 nội dung, chính sách mới so với Kết luận của Bộ Chính trị. Do đó, Ủy ban đề nghị báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị; nghiên cứu bổ sung cơ chế kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, xử lý vi phạm để thực hiện đúng Kết luận của Bộ Chính trị là “Tăng cường cơ chế giám sát, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, triệt để phòng, chống lãng phí”.
Về thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (Điều 9), Ủy ban cơ bản tán thành với việc cắt giảm thủ tục đầu tư xây dựng tại Điều này; đồng thời, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung làm rõ các giải pháp kiểm soát, bảo đảm chất lượng nhà ở xã hội; rà soát nội dung cần giao quy định chi tiết cho phù hợp, khả thi…

Về thuê nhà ở xã hội của doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập (Điều 12), đề nghị không mở rộng đối tượng được bố trí nhà ở xã hội là các “chuyên gia” để bảo đảm phù hợp với mục tiêu chính sách của Đảng và Nhà nước là tập trung phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp.
Đồng thời, đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định cơ quan nhà nước được thuê nhà ở xã hội để bố trí cho công chức của mình ở, nhất là tại các địa phương thực hiện sáp nhập, tạo thuận lợi cho việc thực thi công vụ của các đối tượng này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng, phát triển nhà ở xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh hiện nay.
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga đề nghị, cần bổ sung cơ chế giám sát, kiểm tra để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tổ chức thực hiện.
Đa số ý kiến Ủy viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia (Điều 4). Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị làm rõ địa vị pháp lý, mô hình tổ chức của Quỹ để có cơ sở giao Chính phủ quy định chi tiết; làm rõ các nhiệm vụ chi của Quỹ để bảo đảm nhiệm vụ chi của Quỹ không trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, bảo đảm chặt chẽ, tránh sơ hở, thất thoát, lãng phí.

Một số ý kiến đề nghị, dự thảo Nghị quyết hiện nay còn hơi dài, cần viết ngắn gọn, cô đọng hơn, ví dụ như chỉ cần quy định thứ tự ưu tiên giao cho chủ đầu tư, còn ưu tiên thế nào thì giao Chính phủ quy định chi tiết…, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Phát biểu kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, bổ sung những nội dung đánh giá tác động cụ thể hơn đối với các chính sách đặc thù mà được Quốc hội cho thí điểm. Đặc biệt là nguồn lực tài chính, năng lực, điều kiện, khả năng thực hiện chính sách, việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và giao Chính phủ có cơ chế, giải pháp phòng ngừa sơ hở, tiêu cực, tham nhũng, tránh việc trục lợi chính sách, gây thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ tiếp thu tối đa ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết theo hướng quy định đúng các vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, tạo điều kiện cho Chính phủ linh hoạt điều hành.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/co-co-che-giai-phap-phong-ngua-tranh-viec-truc-loi-chinh-sach-gay-that-thoat-lang-phi-tieu-cuc-post411477.html
Bình luận (0)