“Chìa khóa” cho sự phát triển bứt phá nhờ khoa học công nghệ trong kỷ nguyên số
Phát biểu tại sự kiện, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ Lưu Hoàng Long nhấn mạnh, thông điệp của Ngày Sở hữu trí tuệ năm nay nhắc nhở chúng ta suy nghĩ sâu sắc hơn về vai trò của sở hữu trí tuệ đối với thế giới tinh thần của con người.
Sở hữu trí tuệ không chỉ là động lực thúc đẩy sáng tạo và tăng trưởng kinh tế, là tài sản trí tuệ có giá trị lớn đối với người dân và doanh nghiệp, mà còn là công cụ bảo vệ các kho tàng nghệ thuật của nhân loại. Cũng như các lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật khác, nghệ thuật âm nhạc đòi hỏi một hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ rất mạnh mới đủ năng lực để bảo vệ, thúc đẩy khai thác một cách hiệu quả các quyền thương mại và tinh thần của các nhà sáng tạo, trình diễn.

Theo WIPO và Brand Finance, các tập đoàn hàng đầu như Apple, Microsoft, Nvidia ngày càng phát triển với giá trị hàng nghìn tỷ USD đều dựa trên tài sản trí tuệ, từ sáng chế, nhãn hiệu, đến bí mật kinh doanh và phần mềm… khi được đảm bảo bằng công cụ sở hữu trí tuệ sẽ là nguồn tạo ra giá trị gia tăng vô tận.
“Đây là bằng chứng rõ ràng rằng trong kỷ nguyên số, tài sản vô hình, đặc biệt là sở hữu trí tuệ chính là chìa khóa cho sự phát triển bứt phá nhờ khoa học công nghệ”, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lưu Hoàng Long nhìn nhận.
Theo ông Lưu Hoàng Long, Đảng và Nhà nước ta đã xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là các trụ cột chiến lược để đưa đất nước vươn lên trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Trong cả 3 trụ cột này, sở hữu trí tuệ đóng vai trò then chốt. Nhịp điệu của sở hữu trí tuệ chính là khả năng linh hoạt thích ứng và sẵn sàng điều chỉnh để thích nghi với thay đổi, tạo ra sự thay đổi, nhất là trong bối cảnh phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp hiện đại.

“Dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ luôn xác định sở hữu trí tuệ là một trong những trụ cột quan trọng nhất của chiến lược đổi mới sáng tạo quốc gia. Chúng tôi đã và đang tích cực phối hợp cùng các cơ quan, bộ, ngành liên quan tổ chức các chương trình nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, hỗ trợ cộng đồng hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ”, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lưu Hoàng Long cho biết.
Đồng thời, nhấn mạnh trong thời gian tới, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; thúc đẩy giáo dục và phổ biến kiến thức sở hữu trí tuệ trong trường học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp; hỗ trợ bảo hộ, thương mại hóa tài sản trí tuệ.
Sở hữu trí tuệ không chỉ là vấn đề của nhà khoa học, mà là trách nhiệm của toàn xã hội
Theo GS.TS Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi, nhà trường luôn coi trọng vai trò của sở hữu trí tuệ trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Trường Đại học Thủy lợi đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng về sở hữu trí tuệ cho cán bộ, giảng viên và sinh viên. Việc đăng ký và bảo hộ các kết quả nghiên cứu, sáng chế, giải pháp hữu ích đã trở thành một phần không thể thiếu trong quá trình phát triển của trường.

Trường Đại học Thủy lợi cũng thường xuyên phối hợp với Trung tâm đào tạo, Trung tâm thẩm định, Cục Sở hữu trí tuệ để tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực đăng ký sở hữu trí tuệ và thương mại hoá sản phẩm. Bên cạnh đó, dù còn nhiều khó khăn, trường vẫn dành khoản kinh phí thỏa đáng, kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ các thầy cô đăng ký phát minh, sáng chế, nhãn hiệu hàng hoá, từ đó khuyến khích hoạt động sáng tạo và thương mại hoá sản phẩm nghiên cứu.
Nhờ nỗ lực này, trong những năm qua, Trường Đại học Thủy lợi đã giành được một số kết quả đáng khích lệ như: 10 bằng độc quyền sáng chế, trong đó có nhiều sáng chế ứng dụng vào thực tiễn công trình, môi trường và công nghiệp; 1 bằng sáng chế quốc tế, được cấp tại Ấn Độ; 6 bằng độc quyền giải pháp hữu ích, với các sản phẩm liên quan đến vật liệu, kỹ thuật môi trường, chế phẩm sinh học; 1 văn bằng sở hữu công nghiệp; 10 đơn đăng ký phát minh, sáng chế đã được chấp nhận đơn và đang trong quá trình thẩm định,...
GS.TS Trịnh Minh Thụ nhấn mạnh, sở hữu trí tuệ không chỉ là vấn đề của các nhà khoa học, nghệ sĩ hay doanh nghiệp, mà là trách nhiệm của toàn xã hội. Mỗi chúng ta, dù ở vị trí nào, cũng có thể đóng góp vào việc xây dựng một môi trường sáng tạo, nơi mà mọi ý tưởng đều được trân trọng và bảo vệ.
Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi kêu gọi các em sinh viên hãy tích cực học tập, nghiên cứu và sáng tạo, đồng thời tìm hiểu và áp dụng kiến thức về sở hữu trí tuệ vào thực tiễn; hãy để sở hữu trí tuệ trở thành người bạn đồng hành trên con đường chinh phục tri thức và khẳng định bản thân.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà cho rằng, sở hữu trí tuệ không chỉ là công cụ pháp lý mà còn là động lực thúc đẩy sáng tạo và cống hiến, bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ, giúp nghệ sĩ, nhà sáng chế, nhà khởi nghiệp yên tâm đóng góp sáng tạo và lan tỏa các giá trị văn hóa, khoa học công nghệ.
Trong bối cảnh chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ, sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò then chốt trong bảo vệ tài sản trí tuệ, giảm thiểu rủi ro, vi phạm bản quyền, sao chép trái phép.
Thời gian qua, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục triển khai một số định hướng quan trọng.
Thứ nhất, xây dựng Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo, phát triển các khu công nghệ cao, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tập trung vào AI, công nghệ Blockchain, chuyển đổi số và công nghệ xanh.

Thứ hai, nâng cao tổ chức cộng đồng, tăng cường giáo dục về sở trí tuệ ở các trường học, truyền thông đại chúng để người dân hiểu rõ giá trị tài sản trí tuệ.
Thứ ba, hợp tác quốc tế sâu rộng, thúc đẩy hợp tác với tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ tư, tận dụng chính sách pháp luật mới, phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai có hiệu quả cơ chế đặc thù theo Luật Thủ đô cũng như các chính sách phát triển tài sản trí tuệ.
“Thành phố Hà Nội mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương, viện, trường, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế để phát triển hệ sinh thái sở hữu trí tuệ bền vững, góp phần vào sự nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển Thủ đô”, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà chia sẻ.

Tại sự kiện, lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trao tặng bằng sở hữu độc quyền sáng chế cho các tập thể, cá nhân thuộc Trường Đại học Thủy lợi.
Các đại biểu cũng cùng tham gia nghi thức khởi động, đánh dấu sự kiện hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26.4.2025.
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/so-huu-tri-tue-la-chia-khoa-cho-su-phat-trien-but-pha-nho-khoa-hoc-cong-nghe-post411415.html
Bình luận (0)