Đóng góp lớn vào ngân sách địa phương
Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 nhấn mạnh công nghiệp là động lực tăng trưởng đưa Đắk Nông trở thành trung tâm công nghiệp bô xít – nhôm và sau nhôm của quốc gia.
Đắk Nông phấn đấu đến năm 2030, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 20%/năm. Địa phương sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất bô xít – alumin – nhôm, sau nhôm; trở thành trung tâm công nghiệp nhôm của quốc gia.
.jpg)
Để đạt mục tiêu này, trước mắt, trong ngắn hạn, Đắk Nông sẽ đầu tư phát triển công nghiệp sản xuất alumin trên cơ sở khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên bô xít tiến tới hoàn thiện chuỗi giá trị bô xít - alumin - nhôm.
Thực tế, sau nhiều khó khăn, vướng mắc, dự kiến quý II/2026, Đắk Nông sẽ có sản phẩm nhôm đầu tiên do Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích là 129,42ha tại Khu Công nghiệp (KCN) Nhân Cơ (Đắk R’lấp).
Dự án có công suất 450.000 tấn nhôm/năm, được chia thành 3 phân kỳ. Công suất mỗi phân kỳ là 150.000 tấn nhôm/năm, với tổng mức đầu tư gần 1 tỷ USD.
Nếu thuận lợi, đây là dự án sản xuất nhôm kim loại đầu tiên của Việt Nam. Đây cũng là khâu sản xuất, chế biến sâu cuối cùng của chuỗi công nghiệp khai thác bô xít - chế biến alumin và sản xuất nhôm kim loại.
.jpg)
Dự án đi vào hoạt động, sẽ đóng góp rất lớn cho kinh tế của địa phương, mà trước hết là lĩnh vực ngân sách Nhà nước. Theo Quyền Giám đốc Sở Tài chính Trần Đình Ninh, đây là dự án lớn, đặt ra nhiều kỳ vọng cho Đắk Nông trong tương lai.
Thực tế, hiện nay, mỗi năm, riêng Nhà máy alumin Nhân Cơ đã đóng góp ngân sách từ 400 - 500 tỷ đồng. Tính bình quân, nguồn thu từ dự án này chiếm khoảng 15 - 20% ngân sách Nhà nước.
“Dự án điện phân nhôm đi vào hoạt động, có sản phẩm, con số đóng góp vào ngân sách Đắk Nông sẽ còn cao gấp nhiều lần. Chỉ tính riêng những tháng đầu năm 2024, riêng nguồn thu từ nhập khẩu máy móc, thiết bị của nhà máy đã đóng góp cho Đắk Nông hàng trăm tỷ đồng”, ông Ninh nhấn mạnh.
Giai đoạn 2021 - 2025, Đắk Nông phấn đấu thu ngân sách 18.400 tỷ đồng. Riêng giai đoạn 2026 - 2030, thu ngân sách bình quân mỗi năm phấn đấu tăng từ 10 - 12%.
Với mục tiêu này, ngoài tăng cường khai thác nguồn thu từ các lĩnh vực, những dự án lớn đi vào hoạt động sẽ kỳ vọng đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh.
.jpg)
Trong số này, có dự án điện phân nhôm. Bởi, theo kế hoạch dự án sẽ có sản phẩm vào năm 2026 và khai thác tối đa vào năm 2028.
Một khi dự án đi vào hoạt động, phát huy tối đa công suất, nguồn lực tạo ra cho xã hội rất lớn. Từ đây, góp phần vào phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách cho địa phương.
Tại buổi thực địa các dự án alumin, nhôm tại Đắk Nông vào ngày 10/10/2024, Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài nhấn mạnh, Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông là dự án quan trọng để đưa Đắk Nông thành trung tâm công nghiệp bô xít – alumin – nhôm của quốc gia theo định hướng quy hoạch khoáng sản quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Thứ trưởng Bộ Công thương đề nghị, chủ đầu tư là Công ty TNHH Luyện kim Trần Hồng Quân tập trung nguồn lực sớm triển khai hoàn thành dự án. Đắk Nông sớm giải quyết các thủ tục hành chính, vướng mắc, góp phần đẩy nhanh tiến độ và đưa dự án vào hoạt động.
Chủ đầu tư cam kết trong quý II/2026 sẽ đưa phân kỳ I của nhà máy vào vận hành, với công suất 150.000 tấn/năm. Quý II/2027 sẽ đưa phân kỳ 2 có công suất 300.000 tấn/năm vào vận hành. Đến quý I/2028 sẽ đạt công suất thiết kế 450.000 tấn/năm.
Tạo việc làm cho hàng ngàn lao động
Ngoài đóng góp cho ngân sách địa phương, Dự án điện phân nhôm đi vào hoạt động hứa hẹn giải quyết được nhiều công ăn việc làm cho lao động.
Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay, số người lao động làm việc tại Công ty Nhôm Đắk Nông - TKV là 1.013 lao động, trong đó, có 65 người là dân tộc thiểu số tại địa phương. Hầu hết, các lao động tại đây đang có mức thu nhập bình quân 16,2 triệu đồng/người/tháng, đạt 112% so với kế hoạch năm 2024.
Thời gian qua, việc bố trí đủ việc làm cho người lao động được công ty quan tâm và đặt lên hàng đầu, bảo đảm không có trường hợp lao động không có việc làm hoặc lao động không đủ ngày công theo quy định do không có việc.
Các cấp công đoàn Công ty Nhôm Đắk Nông đã chủ động kết hợp với cơ quan chuyên môn ổn định tư tưởng, động viên người lao động yên tâm sản xuất, công tác.

Dự kiến, Nhà máy Điện phân nhôm do Công ty TNHH Trần Hồng Quân đi vào hoạt động, số lượng lao động cần cho nhà máy tăng cao. Đây là cơ hội cho nhiều lao động được giải quyết công ăn việc làm, trong đó, có lao động địa phương.
Đến năm 2030, Đắk Nông phấn đấu đạt mục tiêu tỷ lệ tham gia lực lượng lao động chiếm 58,27% so với dân số. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%.
Bình quân mỗi năm tạo 20.000 việc làm mới, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống 1,7%. Cơ cấu lao động theo các ngành nghề kinh tế, gồm: nông nghiệp 45,6%; công nghiệp 21,5%; thương mại dịch vụ 32,9%...
Đẩy mạnh thu hút đầu tư nói chung, Dự án điện phân nhôm đi vào hoạt động nói riêng sẽ đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế.
Dự án còn là hình mẫu về sự kết hợp giữa hiệu quả kinh doanh và trách nhiệm xã hội. Điều này thể hiện qua nhiều hoạt động như: tạo công ăn việc làm, an sinh xã hội…
Nguồn: https://baodaknong.vn/cong-nghiep-nhom-tru-cot-quan-trong-cua-kinh-te-dak-nong-250651.html
Bình luận (0)