Tối muộn ngày 27/1/1973, tiếng chuông điện thoại vang lên liên hồi tại trụ sở Bộ Ngoại giao.
Ông Nguyễn Dy Niên - lúc đó đang phụ trách Vụ Nam Á (sau này giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao từ tháng 2/2000 đến tháng 6/2006) - nhấc máy. Đầu dây bên kia, Văn phòng Chính phủ thông báo tin vui: Hiệp định Paris đã chính thức được ký kết, khép lại 4 năm 8 tháng 14 ngày đàm phán cam go. Những người có mặt xung quanh như vỡ òa trong niềm vui và xúc động.
Mỗi khi nhắc lại thời khắc thiêng liêng ấy, ông Nguyễn Dy Niên vẫn nhớ như in từng chi tiết.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký Hiệp định Paris năm 1973 (Ảnh: En.baoquocte).
"52 năm đã qua, càng nhìn lại lịch sử, chúng ta càng thấy rõ ý nghĩa lớn lao và tầm vóc của Hiệp định Paris. Cuộc đàm phán kéo dài hơn 4 năm là minh chứng cho bản lĩnh kiên cường của ngoại giao Việt Nam - điều khiến cả thế giới phải ngưỡng mộ. Hiệp định đã góp phần chấm dứt cuộc chiến tranh dài nhất, khốc liệt nhất trong lịch sử hiện đại", ông chia sẻ.
Tại bàn đàm phán Paris, có sự hiện diện của 4 bên: Mỹ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa. Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do ông Xuân Thủy làm Trưởng đoàn, trong đoàn còn có cố vấn đặc biệt ông Lê Đức Thọ và một số cán bộ khác.
Phía Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do bà Nguyễn Thị Bình làm trưởng đoàn.
Cam go "trận địa" không tiếng súng
Theo nhận định của ông Nguyễn Dy Niên - nguyên Bộ trưởng Ngoại giao - Hiệp định Paris mang dấu ấn đặc biệt với 4 nhất chưa từng có trong lịch sử đàm phán quốc tế.
Thứ nhất, đây là cuộc đàm phán kết thúc chiến tranh dài nhất trong lịch sử thế giới, kéo dài suốt 4 năm 8 tháng 14 ngày. Để đi đến việc ký kết Hiệp định, các bên đã trải qua 200 cuộc họp chính thức, 45 cuộc gặp riêng, 500 cuộc họp báo và hơn 1.000 lần trả lời phỏng vấn.
Ông Nguyễn Dy Niên đánh giá: "Cuộc đàm phán để đi tới ký kết Hiệp định Paris như một trận địa kéo dài. Ở đó, dù không có tiếng súng nhưng mỗi phiên họp đều là một cuộc đấu trí căng thẳng".
Sau nhiều đấu tranh, các bên thống nhất sử dụng bàn tròn lớn, đường kính 8m, cắt đôi, trải khăn bàn màu xanh (Ảnh: TTXVN).
Không khí căng thẳng ấy không chỉ xuất hiện trong các phiên đàm phán mà còn bắt đầu từ những chi tiết tưởng như nhỏ nhất. Ngay trước khi hội nghị khai mạc phiên họp đầu tiên, các bên đã phải trải qua một cuộc đấu tranh về hình dạng chiếc bàn được sử dụng để ngồi họp.
Trong cuốn hồi ký Gia đình, bạn bè và đất nước, bà Nguyễn Thị Bình - Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - kể cuộc họp trù bị lẽ ra bắt đầu từ ngày 6/11/1968, nhưng phía Mỹ lấy cớ Chính quyền Sài Gòn chưa đến nên chưa họp và cái cớ họ trì hoãn nữa là vấn đề thủ tục trong đó có hình dạng của chiếc bàn.
"Trong lịch sử đấu tranh ngoại giao thế giới, chưa bao giờ lại có kiểu bắt đầu đặc biệt như vậy, trước tiên là đấu tranh về cái bàn", bà Nguyễn Thị Bình viết trong hồi ký.
Phía Việt Nam yêu cầu sử dụng bàn vuông cho 4 bên đàm phán hoặc bàn tròn chia bốn. Trong khi đó, phía Mỹ đề nghị bàn hình chữ nhật có hai bên hoặc bàn tròn chia đôi.
Cuối cùng, các bên thống nhất sử dụng một bàn tròn lớn, đường kính 8m, cắt đôi, trải khăn bàn màu xanh, mỗi bên có một vạch phân chia, như vậy ai hiểu là 2 bên hay 4 bên cũng được.
Phía Mỹ và đại diện chính quyền Sài Gòn ngồi sát nhau như một bên, còn phía Việt Nam, gồm đoàn của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam - ngồi thành hai đoàn riêng biệt.
Ngay trên bàn đàm phán, phía Mỹ sử dụng thiết bị hiện đại, có thể truyền thông tin trực tiếp về Washington. Trong khi đó, đoàn Việt Nam chỉ có một máy magnétophone (ghi âm băng từ) để ghi lại nội dung các bài phát biểu. Tuy nhiên, trong hồi ký, bà Nguyễn Thị Bình đã khẳng định: "Về đấu lý, ta không hề thua".
Điểm nhất thứ hai của Hiệp định Paris, theo ông Nguyễn Dy Niên, đây là hội nghị đầu tiên trên thế giới diễn ra trong bối cảnh "vừa đánh vừa đàm".
Trong khi chiến sự vẫn tiếp diễn ác liệt ngoài chiến trường thì trên mặt trận ngoại giao, các cuộc đàm phán vẫn được thúc đẩy. Sự kết hợp giữa quân sự và ngoại giao thể hiện rõ bản lĩnh và trí tuệ của cách mạng Việt Nam.
Điểm nhất thứ ba là ý nghĩa lịch sử to lớn của Hiệp định Paris trong việc buộc Hoa Kỳ phải công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và sự thống nhất của Việt Nam.
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nhấn mạnh: "Điều quan trọng nhất là Mỹ phải rút hết quân, các cố vấn, căn cứ quân sự của Mỹ và đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam, chấm dứt can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam. Những vấn đề nội bộ ấy phải do chính nhân dân miền Nam tự quyết định. Đây chính là hồi chuông báo hiệu sự chấm dứt tất yếu của chế độ Việt Nam Cộng hòa".
Điểm nhất thứ tư, theo ông Niên, chưa có hội nghị quốc tế nào nhận được sự đồng tình và ủng hộ mạnh mẽ từ dư luận toàn cầu như Hội nghị Paris.
Hàng trăm nghìn người đã xuống đường biểu tình ủng hộ Việt Nam tại các quốc gia châu Âu, trong lòng nước Pháp và ngay cả trên đất Mỹ. Làn sóng phản đối chiến tranh tạo ra áp lực rất lớn lên chính quyền và đoàn đàm phán của Mỹ tại hội nghị.
Chiến thắng tạo bước ngoặt trên bàn đàm phán
Con đường dẫn đến thời khắc lịch sử khi 4 bên đặt bút ký vào bản Hiệp định Paris là một hành trình dài và đầy cam go. Trong suốt quá trình đàm phán, Mỹ liên tục sử dụng các chiến dịch quân sự với âm mưu khuất phục ý chí chiến đấu của dân tộc Việt Nam, nhưng rốt cục đều thất bại.
Giai đoạn 1971-1972 là thời điểm chiến trường đặc biệt căng thẳng. Trên bàn hội nghị, cuộc đấu lý với phía Mỹ cũng trở nên gay gắt hơn bao giờ hết.
Ông Nguyễn Dy Niên - Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao - đánh giá Hiệp định Paris là một trong những mốc son của lịch sử ngoại giao Việt Nam (Ảnh: Nguyễn Ngoan).
Đến đầu tháng 10/1972, sau nhiều vòng thương lượng căng thẳng, các bên đã đạt được thỏa thuận cơ bản về dự thảo Hiệp định, dự kiến ký kết vào ngày 30/10/1972. Tuy nhiên, sau khi tái đắc cử, Tổng thống Mỹ Richard Nixon bất ngờ trở mặt, đòi sửa lại các nội dung đã thống nhất trong Hiệp định.
Tập kích chủ yếu bằng B52, Mỹ tham vọng đưa miền Bắc Việt Nam quay trở về "thời kỳ đồ đá", không còn tiềm lực chi viện cho miền Nam, gây sức ép buộc ta phải nối lại các cuộc đàm phán ở Paris.
B52 là máy bay ném bom chiến lược hiện đại nhất của Mỹ ở thời điểm đó. Loại máy bay này có thể bay ở độ cao trên 10km, có máy bay tiêm kích hộ tống và hệ thống gây nhiễu tinh vi khiến radar khó phát hiện, tên lửa phòng không rất khó bắn trúng.
Tại Hà Nội, ông Nguyễn Dy Niên cùng cán bộ Bộ Ngoại giao trực chiến tại cơ quan suốt 12 ngày đêm. Trong căn hầm được trang bị ắc quy và điện thoại liên lạc với Cục Tác chiến (Bộ Quốc phòng), nhân viên thay nhau cập nhật liên tục vị trí Mỹ ném bom để kịp thời lên tiếng trước dư luận quốc tế.
Từ trong hầm, ông Nguyễn Dy Niên nghe rõ tiếng gào rú của máy bay B52 trên bầu trời. Mỗi khi bom rơi, cả căn hầm rung chuyển, tạo cảm giác bồng bềnh vì sức ép của vụ nổ.
Những ngày đó, Hà Nội chìm trong khói lửa, nhiều khu phố bị san phẳng, nhà cửa đổ nát, tang thương bao trùm. Thế nhưng, tinh thần dũng cảm và ý chí quật cường của nhân dân Việt Nam vẫn không bị lay chuyển.
Chỉ trong 12 ngày đêm, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B52.
"Mỗi khi nghe tiếng hô "rơi rồi" - báo hiệu một chiếc B52 bị bắn hạ - ở ngoài hầm, tôi và anh em trong cơ quan vui mừng khôn xiết, chỉ muốn chạy ngay lên mặt đất," ông Nguyễn Dy Niên hồi tưởng.
Sau thất bại nặng nề trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, phía Mỹ ngay lập tức liên hệ, mong muốn nối lại đàm phán. Ông Lê Đức Thọ nhanh chóng lên đường sang Paris, mở ra giai đoạn cuối cùng để đi đến ký kết Hiệp định Paris - một thắng lợi lịch sử của nhân dân Việt Nam.
Ông Niên cho rằng, những thắng lợi trên chiến trường là những cú đấm thép có tính chất quyết định vào thành công trên bàn đàm phán.
"Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không đã buộc chính quyền Mỹ phải ký Hiệp định Paris. Đó là bước chuyển chiến lược để quân và dân ta tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước", ông Niên nói.
Cuộc đấu trí giữa "Tổng thống ngoại giao" và "Nhà ngoại giao khổng lồ"
Ông Nguyễn Dy Niên đánh giá: "Mỹ đến Hội nghị Paris với tâm thế rất chủ quan".
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao phân tích, Mỹ chủ quan vì tự tin là siêu cường với quân đội và vũ khí tối tân, có những nhà ngoại giao lão luyện.
Lúc đó, chính quyền Mỹ cử ông William Averell Harriman - trưởng đoàn đàm phán đầu tiên - đến Paris. Ông Harriman rất giàu kinh nghiệm vì từng làm cố vấn ngoại giao cho 3 đời Tổng thống Mỹ.
Tuy nhiên, đến giai đoạn đàm phán thực chất, Henry Kissinger trở thành người dẫn đầu đoàn đàm phán của Mỹ. Henry Kissinger là nhà ngoại giao lão luyện, tiến sĩ Luật. Theo ông Niên, ông Kissinger từng được dư luận phương Tây gọi là "Tổng thống Ngoại giao".
"Đoàn Mỹ có những người lão luyện, nhiều kinh nghiệm tham gia đàm phán nên họ rất chủ quan. Họ tưởng rằng Việt Nam không thể có những người đủ tầm cỡ để đối thoại với Harriman hay Kissinger", ông Nguyễn Dy Niên nói.
Nhìn lại lịch sử, Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao khẳng định sự sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn đúng người tham gia đàm phán Hiệp định Paris.
Theo ông Nguyễn Dy Niên, nửa đầu năm 1968, ông Lê Đức Thọ đang chiến đấu ở miền Nam với trọng trách Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Bác Hồ và Trung ương đã gọi ông về Hà Nội gấp, chuẩn bị sang Paris đàm phán với vai trò Cố vấn đặc biệt của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Từng có nhiều năm làm việc dưới sự chỉ đạo của ông Lê Đức Thọ, nhà ngoại giao Nguyễn Dy Niên ấn tượng về "một con người năng động, rất quyết đoán, có tầm nhìn xa và có kinh nghiệm thực tiễn ở chiến trường".
Trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông Lê Đức Thọ, ông Nguyễn Dy Niên từng ví vị tiền bối là "Nhà ngoại giao khổng lồ", mặc dù ông Thọ không được đào tạo bài bản về ngoại giao. Khi "chiến đấu" trên bàn đàm phán, ông Thọ đã thể hiện bản lĩnh, khí phách của một "chiến sĩ" ngoại giao thực thụ và lão luyện khiến đối phương phải kính nể.
"Ông Lê Đức Thọ có tính cương trực, thẳng thắn, cực kỳ thông minh, linh hoạt trong mọi tình huống và tinh thần chiến đấu rất mạnh mẽ", ông Nguyễn Dy Niên chia sẻ.
Cố vấn Lê Đức Thọ (ngồi giữa) năm 1973 (Ảnh: TTXVN).
Qua lời kể, ông Nguyễn Dy Niên được biết, trên bàn đàm phán, ông Lê Đức Thọ đã dành cho đối phương nhiều lời lẽ lên án, nặng nề khiến Henry Kissinger chỉ biết "cúi mặt lắng nghe". Phái đoàn Mỹ rất e ngại mỗi khi thấy ông Thọ vê đầu cây bút chì - một báo hiệu là vị Cố vấn đặc biệt của đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sắp đưa ra những lời phê phán đanh thép.
Trong giai đoạn 1970-1972, ông Lê Đức Thọ và Kissinger trải qua hàng chục phiên đàm phán căng thẳng tại Paris.
Sau này, trong cuốn hồi ký của mình, Henry Kissinger viết: "Tôi đã có thể làm tốt hơn nếu như người đối diện bên bàn đàm phán Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam không phải là ông Lê Đức Thọ".
Năm 1973, Giải Nobel Hòa bình được Ủy ban Nobel trao cho ông Lê Đức Thọ và Kissinger. Tuy nhiên, ông Thọ từ chối nhận giải vì hòa bình vẫn chưa thực sự được thiết lập ở miền Nam Việt Nam. Ông cho rằng, người xứng đáng nhận giải thưởng Nobel Hòa bình chính là nhân dân Việt Nam.
Trong khi đó, ở trong nước, ông Nguyễn Duy Trinh - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thời điểm đó - cũng đóng vai trò quan trọng trong việc Hiệp định Paris được ký kết. Ông là người tham gia chuẩn bị nội dung cho các cuộc đàm phán bao gồm sách lược, chiến lược...
Anh em làm việc trong ngành ngoại giao cùng thế hệ với ông Niên vẫn còn nhớ lời ông Nguyễn Duy Trinh căn dặn "ai làm gì biết việc người đấy, không thảo luận ngoài lề". Tất cả các thông tin được giữ bí mật hoàn toàn, dù địch dùng các phương tiện hiện đại cũng không thể khai thác được.
Những ngày được làm việc với ông Nguyễn Duy Trinh, ông Niên nhận thấy sự sắc sảo cùng phong cách làm việc cẩn thận, quyết đoán.
Khi bản dự thảo Hiệp định Paris gồm 3 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp được gửi về Hà Nội để Bộ Chính trị duyệt, ông Nguyễn Duy Trinh là người trực tiếp đọc bản dự thảo tiếng Pháp.
Chính ông phát hiện đoạn nói về "việc chấm dứt sự can thiệp của Mỹ vào miền Nam Việt Nam" không được diễn đạt rõ ràng. Ông Trinh tự tay phê bằng mực đỏ, yêu cầu phải chỉnh sửa.
"Trong luật pháp quốc tế, văn bản có 3 thứ tiếng là tiếng của quốc gia đó, tiếng Anh và tiếng Pháp. Khi có mâu thuẫn giữa văn bản tiếng Việt và tiếng Anh, bản tiếng Pháp là văn bản chính để tham chiếu. Điều này rất quan trọng", ông Nguyễn Dy Niên nhấn mạnh.
Trong số những nhân vật chủ chốt tham gia đoàn đàm phán Hiệp định Paris, Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao không quên nhắc đến ông Nguyễn Cơ Thạch - trợ lý cho ông Lê Đức Thọ. Tại đàm phán Hiệp định Paris, ông Nguyễn Cơ Thạch cho thấy sự sắc sảo, khôn khéo và tài năng.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh (giữa) ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 (Ảnh: TTXVN).
Ông Nguyễn Dy Niên cũng bày tỏ sự ấn tượng sâu sắc về bà Nguyễn Thị Bình. Nữ Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam cho thấy bản lĩnh "thép" ở Paris. Dư luận thế giới từng có nhiều lời lẽ có cánh ca ngợi bà.
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đánh giá, Hiệp định Paris là một trong những mốc son của lịch sử ngoại giao Việt Nam. Hiệp định được ký kết không chỉ là thắng lợi của nhân dân Việt Nam mà còn đi vào lịch sử cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập, tự do, tiến bộ và công lý.
"Hiệp định Paris cho thấy trí tuệ, bản lĩnh của con người Việt Nam. Việc ký kết Hiệp định Paris không chỉ tạo ra bước ngoặt về mặt ngoại giao, mà còn tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho nhân dân Việt Nam, dẫn tới thắng lợi cuối cùng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước", ông Nguyễn Dy Niên khẳng định.
Ông Nguyễn Dy Niên sinh năm 1935 tại Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Ông được bầu vào BCH Trung ương Đảng các khóa VII, VIII, IX; Đại biểu Quốc hội khóa XI; Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh...
Ông Nguyễn Dy Niên giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao từ tháng 2/2000-6/2006.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/doi-song/dam-phan-hiep-dinh-paris-dau-tri-gay-can-tu-chuyen-chon-ban-ngoi-hop-20250421183827416.htm
Bình luận (0)