Ban tổ chức tặng hoa cho TS. Nguyễn Thanh Tùng

Thách thức từ sự thay đổi

Theo TS.Nguyễn Thanh Tùng, trong thời điểm tình hình kinh tế, xã hội có nhiều biến động, nhất là dưới sức ép từ sự thay đổi công nghệ, biến động thị trường và xu hướng tiêu dùng mới, các doanh nghiệp (DN) sẽ đối mặt với việc cạnh tranh cũng như áp lực, buộc DN phải thay đổi, thích ứng.

Tuy nhiên, không ít DN, nhất là DN vừa và nhỏ vẫn mang tâm lý ngại thay đổi do e ngại rủi ro, thiếu nguồn lực và sự ổn định trong cách làm cũ. Đội ngũ nhân sự cũng thường có xu hướng “an toàn”, lo sợ bị đào thải khi có sự xáo trộn về quy trình hay yêu cầu kỹ năng mới. Chính điều này tạo ra lực cản lớn cho tiến trình đổi mới. Do đó, quản trị sự thay đổi là yêu cầu sống còn của DN. Đây là quá trình chủ động thiết kế lộ trình chuyển đổi, giảm thiểu sự xáo trộn, tạo sự đồng thuận nội bộ và đảm bảo mọi thành viên đều hiểu, sẵn sàng và đủ năng lực để đi lên cùng DN.

TS. Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ, quản trị sự thay đổi (Change management) là quá trình hướng dẫn các cá nhân, nhóm và tổ chức chuyển từ trạng thái hiện tại sang một trạng thái mong muốn trong tương lai. Mục đích của quản trị sự thay đổi chính là giúp quá trình chuyển đổi diễn ra thuận lợi, giảm thiểu các căng thẳng, xung đột và tăng cường khả năng đón nhận của những người liên quan.

Theo đó, quản trị sự thay đổi sẽ đề cập đến cách DN xử lý các cải cách. Chẳng hạn như triển khai công nghệ mới, điều chỉnh các quy trình hiện có và thay đổi hệ thống phân cấp tổ chức nhằm giúp các DN nắm vững phương pháp, công cụ và chiến lược để dẫn dắt tổ chức vượt qua những thách thức, thích ứng và phát triển bền vững.

DN có thể định hướng quản trị sự thay đổi theo 3 dạng chủ yếu: Thay đổi phát triển; thay đổi chuyển tiếp hay thay đổi chuyển đổi.

Trong đó, thay đổi phát triển (thay đổi thích ứng) bắt đầu từ các thay đổi nhỏ, dần dần, có tính lặp lại nhằm phát triển sản phẩm, cải thiện quy trình, tinh chỉnh chiến lược thích ứng với thời gian. Ví như, thay đổi mẫu mã sản phẩm, cải tiến quy trình sản xuất, điều chỉnh sản phẩm sau phản hồi từ thị trường, đưa ra sản phẩm mới. Đây là kiểu thay đổi thường gặp nhất. Hoặc, thay đổi chuyển tiếp với các thay đổi lớn hơn, mang tính chiến lược giúp tổ chức chuyển đổi sang trạng thái mới như: Sáp nhập, mua lại, tự động hóa. Cao nhất trong thay đổi chính là thay đổi theo hình thức chuyển đổi nhằm mang tính đột phá, có tác động sâu sắc đến tổ chức, thay đổi cách thức hoạt động và vận hành của tổ chức. Trạng thái này đòi hỏi sự thay đổi cơ bản về tư duy, nguyên tắc tổ chức, hành vi tất cả được thiết kế để hỗ trợ các hướng kinh doanh mới.

Thấu hiểu trong quản trị thay đổi

Tại các khoá học, các DN đã chỉ ra nhiều vấn đề liên quan đến việc xác định đúng thời điểm cần thay đổi, các bước thiết kế một lộ trình thay đổi phù hợp với doanh nghiệp. Hay câu chuyện về tâm lý kháng cự trong nội bộ khi nhân sự lo ngại bị thay thế, hoặc buộc phải thích nghi với điều mới. Vai trò của người lãnh đạo trong việc dẫn dắt, truyền cảm hứng và duy trì động lực cho toàn đội ngũ khi quản trị sự thay đổi. Đồng thời, DN cũng mong muốn được trang bị công cụ để xây dựng lộ trình thay đổi hợp lý, vừa đảm bảo tính hiệu quả, vừa tạo sự đồng thuận.

 TS. Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ cùng doanh nghiệp

Theo TS. Nguyễn Thanh Tùng, nguyên tắc cốt lõi quản trị sự thay đổi chính là sự thấu hiểu. Theo đó, người lãnh đạo cần chỉ rõ lý do, mục tiêu, những giá trị mà những thay đổi hướng đến, từ đó lượng hoá những ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đến thành viên nhóm, phương pháp làm việc của mọi người. Ngoài ra, để đảm bảo tính hiệu quả khi quản trị sự thay đổi, cần cân nhắc tới các nguồn lực hỗ trợ; xác định những người phù hợp nhất giúp thiết kế và thực hiện sự thay đổi; cần thu hút sự quan tâm và ủng hộ từ các thành viên trong tổ chức; hình dung về thành công mà DN mong muốn.

Kế hoạch thay đổi phải được thực hiện đúng lộ trình đảm bảo tất cả các thành viên hiểu về ý nghĩa của sự thay đổi và tác động trực tiếp đối với họ; xây dựng chỉ tiêu đo lường sự thành công của kế hoạch, thường xuyên rà soát và báo cáo kết quả đã đạt được. Quá trình triển khai cần xác định tất cả các bên liên quan chính và đánh giá mức độ quan trọng trong kế hoạch. Cụ thể, cần chỉ định một người đại diện, người đầu tiên áp dụng các kế hoạch và phương pháp mới được đề ra, từ đó lên kế hoạch để giúp mọi người thay đổi các thói quen, phương pháp cũ và áp dụng những điều chỉnh mới để đảm bảo mọi người luôn nhận được sự hỗ trợ trong quá trình thực hiện sự thay đổi. Để thực hiện, các nhà lãnh đạo và quản trị cần trang bị tư duy chiến lược, kỹ năng truyền thông và năng lực dẫn dắt sự thay đổi, nhằm đưa DN tiến bước vững vàng trong tương lai.

Giải đáp về câu chuyện tạo sự đồng thuận trong quản trị sự thay đổi, TS. Nguyễn Thanh Tùng cũng nhấn mạnh “giao tiếp hiệu quả là chìa khóa để tạo ra sự đồng thuận và ủng hộ cho sự thay đổi. Nó giúp mọi người hiểu rõ về lý do, mục tiêu và tác động của sự thay đổi”.

Bà Lê Thị Hồng Mai, Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Tài chính chia sẻ, hiện nay, sở đang triển khai rất nhiều chương trình hỗ trợ DN. Trong đó, tập trung cho các chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho DN từ cơ bản đến chuyên sâu, hay theo từng chuyên đề cụ thể. Cùng với đó, sở cũng triển khai hỗ trợ tư vấn kiểu dáng công nghiệp, bảo hộ thương hiệu; tư vấn 1:1 trong các lĩnh vực phát triển của DN; hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi... DN có thể đăng ký nhận các chính sách hỗ trợ thông qua việc đăng ký trực tiếp với Phòng Đăng ký kinh doanh, Hiệp hội Doanh nghiệp và các hội, câu lạc bộ liên quan.

Hoàng Anh

Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/thong-tin-thi-truong/doanh-nghiep-can-thay-doi-de-phat-trien-ben-vung-152528.html