Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ghi dấu những chiến tích một thời oanh liệt

Việt NamViệt Nam20/04/2025

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quảng Ninh không chỉ là vùng than đen nuôi sống cả nền công nghiệp miền Bắc, mà còn là "địa chỉ đỏ" ghi dấu những chiến công oanh liệt, viết nên trang sử hào hùng của quân và dân ta. Từng tấc đất, bến cảng, xí nghiệp nơi đây đều là chứng nhân cho những ngày tháng chiến đấu gian khổ nhưng đầy kiêu hãnh.

Những trận địa thép giữa vùng than lửa

Sau thất bại trong cuộc "Chiến tranh đặc biệt" ở miền Nam Việt Nam, ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ dựng lên sự kiện "Vịnh Bắc Bộ" và bắt đầu leo thang đánh phá miền Bắc. Khu mỏ Quảng Ninh, đặc biệt là Cửa Ông, trở thành một trong những trọng điểm hứng chịu bom đạn ác liệt nhất, bởi nơi đây tập trung các nhà máy, bến cảng, kho tàng, là huyết mạch tiêu thụ than cho cả nước.

Trước tình hình đó, năm 1965, Xí nghiệp bến Cửa Ông đã thành lập đại đội tự vệ Nhà sàng Cửa Ông với 137 người, được trang bị các loại súng từ tiểu liên, trung liên cho đến súng phòng không 12,7mm và 14,5mm. Chỉ trong thời gian ngắn, lực lượng này đã lập nhiều chiến công vang dội, tiêu biểu là bắn rơi hai máy bay Mỹ vào các năm 1965 và 1966. Đến năm 1972, tự vệ Nhà sàng Cửa Ông đã phát triển thành hai tiểu đoàn với 576 người, gồm tiểu đoàn bộ binh và tiểu đoàn pháo cao xạ, được trang bị thêm 4 khẩu pháo 37mm.

Tự vệ Nhà sàng Cửa Ông trong chiến đấu. Ảnh tư liệu

Các khẩu pháo mới bổ sung được bố trí thành trận địa pháo 37mm đặt ở hướng tây bắc của Xí nghiệp bến Cửa Ông trên đỉnh quả đồi cao 60m, đối diện với nhà sàng, sát đường quốc lộ 18. Đây là địa thế rất thuận lợi cho việc quan sát máy bay. Hướng bắc là một dãy đồi cao nên máy bay không thể phát hiện từ xa và đánh ở phía sau lại được, hướng này có một trận địa pháo của bộ đội chủ lực yểm trợ. Trận địa pháo 37mm được bố trí theo hình thang, quay theo các hướng Đông Nam, Tây Nam, Bắc và Tây Bắc. Mỗi khẩu được đào một hố rộng 3,5m, và sâu khoảng 1,2m, các khẩu được nối với nhau bằng các giao thông hào và mỗi khẩu pháo cao xạ có một giao thông hào thông ra hầm trú ẩn, chiều rộng của giao thông hào là 80cm, sâu 1,2m.

Mặc dù phải đối mặt với hàng loạt đợt oanh tạc dữ dội từ không quân Mỹ, trận địa pháo 37mm vẫn kiên cường đứng vững, đóng vai trò then chốt, là "lá chắn thép" bảo vệ an toàn khu vực nhà sàng, bến cảng Cửa Ông, và các tuyến đường vận chuyển quan trọng. Theo lời kể của ông Bùi Đức Minh, nguyên chiến sĩ trong Đội tự vệ Nhà sàng Cửa Ông được ghi lại trong cuốn Những di tích lịch sử tỉnh Quảng Ninh, ngày 10/5/1972, khi 8 chiếc máy bay Mỹ chia thành 2 tốp lao vào tấn công 2 mục tiêu là nhà sàng và cảng Cửa Ông, lực lượng tự vệ Nhà sàng Cửa Ông đã phối hợp cùng bộ đội chủ lực, sử dụng chính xác các khẩu pháo 37mm để bắn rơi một chiếc A4 ngay trong loạt đạn đầu tiên, làm nức lòng những chiến sĩ và nhân dân đang chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Di tích trận địa pháo hiện vẫn còn hệ thống giao thông hào và được cán bộ, công nhân viên Công ty Tuyển than Cửa Ông dọn dẹp, phát quang cây cỏ hàng năm.

Trận địa pháo 37mm không chỉ là nơi phát huy sức mạnh chiến đấu, mà còn là biểu tượng cho tinh thần kiên cường và ý chí quyết thắng của lực lượng tự vệ Nhà sàng Cửa Ông. Mặc dù máy bay Mỹ đã thực hiện hàng trăm lượt tấn công, nhưng với sự hỗ trợ của trận địa pháo, Xí nghiệp bến Cửa Ông vẫn đứng vững, nhanh chóng khôi phục sản xuất sau mỗi đợt oanh kích của kẻ thù.

Trận địa pháo năm xưa hiện nằm trong cụm di tích cầu Poóc Tích 1 - trận địa pháo cao xạ - hầm chỉ huy của Công ty Tuyển than Cửa Ông, tại phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả, đã được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch) cấp Bằng công nhận là di tích lịch sử năm 1997, địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Chị Lê Kim Anh, công nhân Phân xưởng Giám định, Công ty Tuyển than Cửa Ông, chia sẻ: Khi đứng trước di tích trận địa pháo cao xạ, tôi không khỏi xúc động và cảm phục trước tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của thế hệ cha anh - những người đã không tiếc máu xương để bảo vệ nền độc lập, tự do cho Tổ quốc. Với chúng tôi, những người công nhân đang ngày ngày gắn bó với dây chuyền sản xuất, thi đua lao động chính là cách thiết thực để tri ân thế hệ đi trước, đồng thời góp sức viết tiếp trang sử vẻ vang của Xí nghiệp bến Cửa Ông năm xưa, Công ty Tuyển than Cửa Ông hôm nay.

Cùng với vùng than Cửa Ông, mảnh đất Xuân Sơn (Đông Triều) cũng là nơi ghi dấu những chiến công vang dội trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Di tích Trận địa súng phòng không 12,7mm tại khu Xuân Viên, phường Xuân Sơn chính là chứng tích sống động, nhắc nhớ một thời oanh liệt của quân và dân Xuân Sơn trong cuộc kháng chiến bảo vệ quê hương.

Ngày 15/8/1966, khi máy bay Mỹ ồ ạt đánh phá cầu Cầm, lực lượng phòng không của các xã Hưng Đạo, Xuân Sơn cùng bộ đội phòng không từ các trận địa hai bên bờ sông Cầm và khu vực lân cận đã nhất loạt nổ súng, giăng lưới lửa dày đặc, nhiều tầng, vây chặt đội hình máy bay địch. Trong trận đánh ác liệt ấy, phân đội súng phòng không 12,7mm của dân quân xã Xuân Sơn, tại trận địa gần bến Miếu bên sông Cầm, đã thể hiện sự mưu lược, bản lĩnh và yếu lĩnh tuyệt vời. Những loạt đạn chính xác từ trận địa súng phòng không 12,7mm đã bắn trúng máy bay giặc, khiến một chiếc bốc cháy, rơi xuống trong tiếng hò reo vang dội của quân và dân Đông Triều.

Súng phòng không 12,7mm mà quân dân Xuân Sơn (Đông Triều) sử dụng để bắn rơi máy bay Mỹ. 

Đặc biệt, chiếc máy bay này chính là chiếc thứ 100 của không quân Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Quảng Ninh - một cột mốc đáng nhớ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ghi nhận chiến công xuất sắc đó, Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi và Nhà nước quyết định tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất cho lực lượng dân quân Xuân Sơn.

Ngày nay, tại vị trí máy bay Mỹ bị bắn rơi, bên Quốc lộ 18, dưới chân cầu Cầm, chính quyền địa phương đã xây dựng Đài chiến thắng để tưởng nhớ và tôn vinh chiến công oanh liệt của quân và dân ta, đặc biệt là quân và dân xã Xuân Sơn. Khẩu súng máy 12,7mm từng lập chiến công lịch sử, bắn rơi chiếc máy bay thứ 100, hiện được bảo quản và trưng bày trang trọng tại Trung tâm Chiến khu Đông Triều, xã Bình Dương, thành phố Đông Triều, như một minh chứng sống động cho tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất của quê hương trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ.

Đài Chiến thắng tưởng nhớ và tôn vinh chiến công oanh liệt của quân và dân xã Xuân Sơn.

Kiên cường bám trụ trong bom đạn

Không chỉ là vùng đất anh hùng trong chiến đấu, Vùng mỏ Quảng Ninh còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, ghi dấu những chiến công thầm lặng trong lao động sản xuất và chi viện cho miền Nam. Nổi bật là Trung tâm Điện chính Bưu điện Quảng Ninh trên núi Bài Thơ, nơi gắn liền với những nỗ lực bền bỉ của cán bộ, nhân viên ngành Bưu điện, đảm bảo thông tin liên lạc từ Hà Nội đến Quảng Ninh và từ Hòn Gai đi khắp các nơi luôn an toàn, thông suốt trong những năm tháng chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ.

Công trình được xây dựng năm 1968 trên núi Bài Thơ, đóng vai trò là điểm kết nối thông tin quan trọng giữa Quảng Ninh và Trung ương. Theo ông Đàm Hiện, nguyên cán bộ Bưu điện Quảng Ninh, việc lựa chọn núi Bài Thơ làm vị trí đặt Trung tâm Điện chính không phải ngẫu nhiên, bởi đây là ngọn núi đá vôi cao nhất trong quần thể các đảo thuộc vịnh Hạ Long, với 1/3 diện tích núi giáp biển và 2/3 giáp thị xã Hòn Gai xưa. Những hang đá tự nhiên trong lòng núi là nơi lý tưởng để đặt các thiết bị thông tin liên lạc, vừa đảm bảo an toàn trong chiến tranh, vừa thuận lợi cho việc thu phát tín hiệu qua hệ thống ăng ten vi ba. 

Di tích Trung tâm Điện chính Bưu điện Quảng Ninh trên núi Bài Thơ.

Trong suốt thời kỳ chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ (1964-1972), Trung tâm Điện chính Bưu điện Quảng Ninh trở thành một “mắt xích” sống còn trong hệ thống thông tin quốc gia và cũng là mục tiêu trọng điểm của không quân Mỹ, với âm mưu cắt đứt liên lạc giữa Quảng Ninh và Trung ương.

Ngày 9/6/1972, trong đợt không quân Mỹ ném bom hủy diệt thị xã Hòn Gai, Trung tâm Điện chính đã bị đánh sập hoàn toàn. Toàn bộ hệ thống dây nối và cơ vụ bị đứt gãy, cột ăng ten trên đỉnh núi cũng trúng đạn rocket và gãy đổ. Trận bom ấy đã cướp đi sinh mạng của nữ điện báo viên Nguyễn Thị Lạt khi chị đang làm nhiệm vụ bên cạnh tổng đài, ở tuổi 22. Sự hy sinh của chị là biểu tượng cho tinh thần chiến đấu kiên cường và sự tận tụy với nhiệm vụ của những người làm công tác thông tin trong thời chiến.

Đến nay, dấu tích của Trung tâm Điện chính Bưu điện Quảng Ninh trên núi Bài Thơ vẫn còn hệ thống hang tổng đài, hang sơ tán của tổ chỉ huy, tổ xử lý đường dây điện thoại, hang trú ẩn và cột ăng ten vi ba. Nhà cơ vụ, nhà tổng đài, nhà vi ba đã bị thời gian và chiến tranh tàn phá, chỉ còn lại nền móng và những bức tường cũ. Năm 2000, Trung tâm Điện chính Bưu điện Quảng Ninh đã được xếp hạng Di tích Quốc gia - như một lời tri ân đối với những con người âm thầm “giữ mạch sống thông tin” giữa những ngày mưa bom bão đạn.

Nhà cơ vụ, nhà tổng đài của Trung tâm Điện chính Bưu điện Quảng Ninh đã bị tàn phá qua chiến tranh và thời gian.

Ngoài Trung tâm Điện chính Bưu điện Quảng Ninh, Quảng Ninh còn nhiều di tích hang núi đá khác ghi dấu quá trình sơ tán và lao động sản xuất trong kháng chiến chống Mỹ. Tại TP Hạ Long, có di tích hang sơ tán của Tỉnh ủy ở xã Thống Nhất và hang Hà Lùng ở xã Sơn Dương. Ở TP Cẩm Phả cũng còn dấu tích hai di tích hang sơ tán tại phường Cẩm Thạch, ghi dấu tinh thần chiến đấu và lao động của quân dân Vùng mỏ trong những năm tháng kháng chiến.

Từ năm 1965 đến năm 1972, giặc Mỹ nhiều lần dùng máy bay bắn phá thị xã Cẩm Phả, trong đó có Nhà máy cơ khí Cẩm Phả. Khu vực núi Đá Chồng, phường Cẩm Thạch đã trở thành nơi sơ tán của nhà máy. Để di chuyển về hang núi Đá Chồng, nhà máy đã phải dùng 83.987 công san gạt, cải tạo mặt bằng, bóc đi khoảng 2 vạn mét khối đất đá, làm hầm hào giao thông và vận chuyển hàng ngàn tấn thiết bị, máy móc vào hang để tiếp tục sản xuất.

Có tới hai lần, Nhà máy vận chuyển máy móc vào hang sơ tán đảm bảo thắng lợi. Năm 1967, đế quốc Mỹ đã tập trung đánh phá cả ngày lẫn đêm nơi sơ tán này, gây thiệt hại không nhỏ về người và của, song nhà máy vẫn hoàn thành kế hoạch sản xuất do Nhà nước giao. Năm 1971 là năm đạt kế hoạch cao nhất, vượt 33,56% so với kế hoạch đề ra. Kiên trì bám trụ sản xuất và chiến đấu, tự vệ nhà máy còn lập công bắn rơi 1 máy bay phản lực Mỹ và được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì năm 1972. Với những thành tích xuất sắc đạt được trong sản xuất và chiến đấu, Nhà máy cơ khí Cẩm Phả đã được Bác Hồ gửi thư khen ngợi, 4 lần được nhận cờ luân lưu của Bác. Năm 1996, núi Đá Chồng được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Di tích hang núi Đá Chồng tại phường Cẩm Thạch, TP Cẩm Phả.

Từ những chiến tích trên bầu trời Cửa Ông, bên sông Cầm đến dưới chân núi Bài Thơ, mỗi di tích không chỉ ghi dấu chiến công của một thời hoa lửa, mà còn truyền cảm hứng cho hành trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Quảng Ninh - mảnh đất anh hùng vẫn không ngừng kể những câu chuyện lịch sử của mình, bằng ký ức sống động, bằng di tích đang được bảo tồn, phát huy, và bằng chính khát vọng vươn lên từ trong gian khó.

Ngọc Ánh


Nguồn

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Vì sao Kiên Giang lọt tốp ‘điểm đến thân thân thiện nhất thế giới’
Tạo tác kỳ diệu của thiên nhiên
Mãn nhãn trực thăng kéo cờ, Su-30mk2, Yak-130 gầm rú, bay điêu luyện trên bầu trời TP.HCM
Tìm về Trường Sơn huyền thoại

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm