Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Giá lúa gạo hôm nay 27/5/2025: Giá gạo ổn định, lúa biến động, xuất khẩu dậy sóng vì Ấn Độ

Giá lúa gạo hôm nay 27/5/2025: Giá gạo duy trì sự ổn định ở hầu hết các địa phương, trong khi giá lúa có sự biến động trái chiều tại một vài khu vực

Báo Nghệ AnBáo Nghệ An27/05/2025

Giá lúa gạo trong nước

Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, lượng hàng về chợ và kho còn ít, giao dịch mua bán diễn ra chậm rãi. Các chủng loại gạo như 50404, OM 380 có nguồn cung hạn chế, kho mua cầm chừng và giá vẫn giữ vững. Cụ thể tại An Giang, nguồn ít, giao dịch mua bán bình ổn, đứng giá.

Tại Lấp Vò (Đồng Tháp), lượng gạo về ít, giá các loại gạo vẫn vững. Tương tự, tại Sa Đéc (Đồng Tháp), giá gạo các loại đi ngang, giao dịch mua bán vẫn chậm. Tại An Cư (Cái Bè, Tiền Giang), lượng hàng về lai rai, gạo đẹp ít, kho mua chậm, giá ít biến động.

Theo ghi nhận tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá gạo nguyên liệu hôm nay nhìn chung vẫn ổn định so với cuối tuần trước. Gạo nguyên liệu OM 380 được báo giá ở mức 8.100 – 8.200 đồng/kg, trong khi gạo nguyên liệu OM 5451 dao động từ 9.300 – 9.500 đồng/kg. Gạo nguyên liệu IR 504 giữ ở mức 8.250 – 8.350 đồng/kg, CL 555 hiện ở mức 8.600 – 8.800 đồng/kg, OM 18 ở mức 10.200 – 10.400 đồng/kg, và gạo Jasmine hiện ở mức 17.000 – 18.000 đồng/kg.

Tại các chợ bán lẻ, giá gạo không có sự thay đổi đáng kể. Gạo thơm phổ biến có giá từ 18.000 – 22.000 đồng/kg, gạo thường ở mức 15.000 – 16.000 đồng/kg. Các loại đặc trưng hơn như gạo thơm Thái niêm yết 20.000 – 22.000 đồng/kg, Hương Lài là 22.000 đồng/kg. Gạo Nàng Nhen vẫn giữ mức giá cao nhất với 28.000 đồng/kg.

Phân khúc nếp hiện tại cũng giữ giá vững. Nếp IR 4625 (khô) dao động từ 9.700 – 9.900 đồng/kg, các loại nếp tươi và khô khác duy trì mức giá từ 7.700 – 8.000 đồng/kg.

Đối với mặt hàng phụ phẩm như tấm, cám, trấu, giá cũng không ghi nhận biến động. Giá tấm OM 5451 ở mức 7.500 – 7.600 đồng/kg, cám từ 7.900 – 8.300 đồng/kg, và trấu giữ ở mức cao 1.000 – 1.150 đồng/kg.

Về giá lúa trong nước, nguồn lúa Hè Thu đầu vụ còn ít tại nhiều địa phương, giúp giá duy trì sự ổn định. Tại Kiên Giang, nguồn lúa Hè Thu đầu vụ thu hồi thấp, thương lái mua lai rai, giá vững. Tại Cần Thơ và Đồng Tháp, nhu cầu mua lúa Hè Thu mới ít, giao dịch chậm, giá vẫn vững.

Tại An Giang, lúa Hè Thu thu hoạch lai rai, giao dịch mua bán chậm, giá tương đối ổn định. Tuy nhiên, theo cập nhật từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh An Giang, giá lúa hôm nay có sự biến động trái chiều. Cụ thể, giá thu mua lúa IR 50404 (tươi) đã được thương lái điều chỉnh tăng 100 đồng/kg, lên mức 5.300 – 5.500 đồng/kg.

Ngược lại, lúa OM 380 (tươi) ghi nhận mức giảm 100 đồng/kg, xuống còn 5.200 – 5.400 đồng/kg. Các chủng loại lúa còn lại duy trì mức giá ổn định: lúa Đài Thơm 8 (tươi) và OM 18 (tươi) ở mức 6.800 đồng/kg, lúa Nàng Hoa 9 dao động từ 6.650 – 6.750 đồng/kg, và OM 5451 thu mua với giá 6.000 – 6.200 đồng/kg.

Giá lúa gạo hôm nay 27/5/2025: Giá gạo ổn định, lúa biến động, xuất khẩu dậy sóng vì Ấn Độ

Giá gạo xuất khẩu

Tại thị trường xuất khẩu, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm của Việt Nam tiếp tục ổn định ở mức 397 USD/tấn, không đổi so với tuần trước. Mức giá này thấp hơn 6 USD/tấn so với gạo 5% tấm của Thái Lan, nhưng cao hơn 15 USD/tấn so với sản phẩm cùng loại của Ấn Độ và 5 USD/tấn so với Pakistan.

Sự chú ý lớn nhất trên thị trường quốc tế hiện đang đổ dồn về Ấn Độ. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Ấn Độ có kế hoạch xuất khẩu 24 triệu tấn gạo trong niên vụ 2025–2026, một con số khổng lồ tương đương khoảng 40% thị phần toàn cầu, đủ sức tạo ra "làn sóng xuất khẩu mới" và xoay chuyển cục diện thương mại quốc tế.

Cú "chuyển mình" này diễn ra sau giai đoạn dài Ấn Độ siết chặt xuất khẩu từ năm 2022, nhằm ổn định giá trong nước. Các biện pháp hạn chế, bao gồm cấm xuất khẩu gạo trắng không phải basmati, áp thuế 20% với gạo đồ, áp giá sàn với basmati và ngừng hoàn toàn xuất khẩu gạo tấm, đã dần được gỡ bỏ từ tháng 9/2024 sau kỳ tổng tuyển cử.

Đặc biệt, đến tháng 3/2025, Ấn Độ chính thức "tháo xích" cho gạo 100% tấm, loại gạo từng xuất khẩu tới 3,9 triệu tấn vào năm 2022, chủ yếu sang Trung Quốc và châu Phi.

Không chỉ có lợi thế chính sách, Ấn Độ hiện còn sở hữu kho dự trữ ngũ cốc lên tới 66,16 triệu tấn, cao hơn nhiều so với nhu cầu nội địa 60 triệu tấn cho hệ thống phân phối công cộng.

Dự báo thời tiết tích cực từ Cục Khí tượng Ấn Độ cũng báo hiệu một mùa vụ thuận lợi, với sản lượng lúa Kharif 2024 – 2025 ước đạt 121 triệu tấn, tăng gần 7% so với năm trước.

Với sản lượng dồi dào, giá cạnh tranh và chính sách thương mại ngày càng cởi mở, Ấn Độ đang tạo ra áp lực nguồn cung lớn, có thể đè nặng lên các quốc gia châu Á khác, đặc biệt là Việt Nam và Thái Lan. Phân tích của USDA chỉ ra rằng chính áp lực nguồn cung từ Ấn Độ có thể làm suy giảm nhu cầu đối với gạo Việt Nam, vốn đang ở mức giá cao hơn đối thủ và phụ thuộc nhiều vào các thị trường truyền thống.

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt này, việc duy trì chất lượng, ổn định đầu ra và mở rộng thị trường trở thành yếu tố sống còn đối với ngành lúa gạo Việt Nam. Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh các dòng gạo chất lượng cao, tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ, đồng thời mở rộng sang các thị trường tiềm năng ngoài châu Á như châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

Cuộc đua giành thị phần đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Với kế hoạch đưa 24 triệu tấn gạo ra thị trường quốc tế, Ấn Độ không chỉ củng cố vững chắc vị thế "người khổng lồ" trong ngành lúa gạo, mà còn đặt ra một thách thức mới và quan trọng cho Việt Nam trong chiến lược giữ vững vai trò then chốt trong chuỗi giá trị gạo toàn cầu.

Nguồn: https://baonghean.vn/gia-lua-gao-hom-nay-27-5-2025-gia-gao-on-dinh-lua-bien-dong-xuat-khau-day-song-vi-an-do-10298302.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm