Các sản phẩm của Công ty Merufa - Ảnh: MERUFA
Lợi nhuận lao dốc
Theo báo cáo tài chính năm 2024 đã kiểm toán mới công bố, doanh thu của Công ty cổ phần Merufa vượt kế hoạch năm, với doanh thu thuần đạt hơn 139,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, giá vốn tăng gần 14% khiến lợi nhuận gộp giảm hơn 61%.
Biên lợi nhuận gộp của Merufa sụt giảm mạnh, từ mức hơn 18% năm 2023 chỉ còn 7% trong năm vừa qua.
Nguyên nhân khiến giá vốn năm nay tăng mạnh vì công ty này xuất hủy và thanh lý hàng tồn kho bị hư hỏng, kém phẩm chất, lỗi thời và chậm luân chuyển. Đồng thời, giá cao su - vật liệu chính tăng, làm tăng giá thành sản phẩm.
Dù công ty đã giảm gánh nặng lãi vay nhưng chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp trong kỳ đều tăng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh. Kết quả là Merufa lỗ hơn 7 tỉ đồng, trái ngược với mức lãi hơn 5,4 tỉ đồng của năm 2023.
Tổng nợ phải trả của Merufa đã giảm mạnh so với cuối năm 2023, chủ yếu nhờ tất toán các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn trị giá 13,6 tỉ đồng. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu cũng giảm, do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối chuyển từ lãi 6,6 tỉ đồng (cuối năm 2023) sang lỗ 5,9 tỉ đồng (cuối năm 2024).
Nhìn lại hành trình phát triển, tiền thân của Merufa ngày nay là Xí nghiệp Cao su y tế (Merufa), được thành lập năm 1987 từ sự hợp tác giữa Tổ chức Dân số thế giới (UNFPA) và Chính phủ Việt Nam. Đơn vị này nhận được hỗ trợ kỹ thuật từ UNFPA trong việc cải tiến chất lượng sản phẩm bao cao su.
Đến năm 2002, xí nghiệp được chuyển thành công ty cổ phần với vốn điều lệ là 20 tỉ đồng và cổ phiếu MRF được giao dịch tại UPCoM vào 15 năm sau đó.
Theo thông tin tự giới thiệu, Merufa là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu, sản xuất và cung ứng các sản phẩm từ cao su thiên nhiên, như bao cao su tránh thai (từ năm 1987), găng tay phẫu thuật (từ năm 1994), gel bôi trơn (từ năm 2015)… Thị trường nội địa (thông qua kênh bệnh viện, doanh nghiệp phân phối...) đóng góp hơn 87% doanh thu trong năm ngoái cho Merufa.
Kết quả kinh doanh của Merufa trong 5 năm qua - Nguồn: BCTC
CEO nghỉ vì áp lực
Tính đến cuối năm 2024, Merufa có 144 lao động, với trụ sở chính tại quận Phú Nhuận và nhà máy sản xuất ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) cùng một chi nhánh ở Hà Nội.
Về biến động nhân sự, ngày 13-2, ông Nguyễn Kim Thành (sinh năm 1970) đã nộp đơn từ chức tổng giám đốc sau bốn tháng tại nhiệm.
Cụ thể, hồi tháng 10-2024, hội đồng quản trị Merufa bổ nhiệm ông Thành làm tổng giám đốc, với thời gian thử thách chín tháng.
Dù đã cố gắng tiếp thu, kiểm soát mọi hoạt động và giải quyết những tồn đọng liên quan, ông Thành nói bản thân không thể hoàn thành nhiệm vụ với áp lực công việc và kỳ vọng từ hội đồng quản trị, nên đã viết đơn từ chức.
Ngoài ra, vào cuối tháng 1, ông Phạm Cao Thái từ nhiệm vị trí thư ký hội đồng quản trị, người quản trị sau 30 ngày tìm hiểu và làm việc trong vai trò mới. Ông Thái nói trình độ, kiến thức và kỹ năng của bản thân chưa thực sự đáp ứng với công việc yêu cầu (phải nhanh nhẹn, chính xác, khéo léo…).
"Mong các anh, chị hiểu việc này với tôi không đơn giản. Tôi mong muốn tiếp tục làm việc cũ là thống kê phòng mua hàng và chỉ kiêm vai trò người được ủy quyền công bố thông tin. Việc này tôi cam kết thực hiện tốt vì bản thân có (chút) kiến thức, kinh nghiệm về lĩnh vực IT" - ông Phạm Cao Thái nói.
Về cơ cấu cổ đông, tính đến cuối năm 2024, Tổng công ty Thiết bị Y tế Việt Nam (Vinamed) sở hữu 16,17% Merufa, theo sau là Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Thiên Mại (15,03%), Trần Nguyễn Thanh Mai (10,63%), Lâm Quốc Trung (6,59%) và Công ty cổ phần Dịch vụ Văn hóa Việt (5,05%).
Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, Vinamed đưa ra quan điểm về việc chuyển niêm yết cổ phiếu từ UPCoM sang HNX để tăng tính thanh khoản và vấn đề này đã được đại hội thông qua.
Nguồn: https://tuoitre.vn/hang-san-xuat-bao-cao-su-gan-40-nam-bao-lo-nang-20250402111520781.htm
Bình luận (0)