Ngày 8/5/1954 tại thành phố Giơ-ne-vơ của Thụy Sĩ, Hội nghị Giơ-ne-vơ bắt đầu bàn về vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. Thành phần tham dự gồm 9 đoàn: Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc gia Việt Nam (chính quyền Bảo Đại), Vương quốc Lào và Vương quốc Campuchia.
Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn.
Trải qua 75 ngày đàm phán căng thẳng và phức tạp với 7 phiên toàn thể, 24 phiên cấp trưởng đoàn cùng nhiều cuộc tiếp xúc..., ngày 20/7/1954 hội nghị mới kết thúc và thông qua Tuyên bố chung về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (cùng với Lào và Campuchia). Trong đó bao gồm việc khẳng định độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; xác định vĩ tuyến 17 là giới tuyến quân sự có tính chất tạm thời, để sau 2 năm sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do thực hiện thống nhất đất nước...
Hòa cùng cuộc đấu tranh của nhân dân Hòn Gai, Cẩm Phả, nhân dân Hải Phòng cũng đấu tranh kiên quyết yêu cầu quân Pháp không được tháo dỡ máy móc mang đi miền Nam trước khi ta tiếp quản. Nguồn: Trung tâm lưu trữ và sản xuất nghe nhìn Bộ Quốc phòng Pháp
Cũng giống như nhân dân trên mọi miền đất nước, Hiệp định Giơ-ne-vơ mang lại niềm tin to lớn cho nhân dân Vùng mỏ, rằng Việt Nam sẽ thống nhất sau tổng tuyển cử năm 1956, không còn cảnh chia cắt, đô hộ và bóc lột của thực dân đế quốc. Đó là cơ sở xác đáng, bởi Hiệp định Giơ-ne-vơ là kết quả trực tiếp từ chiến thắng Điện Biên Phủ, kết thúc 9 năm kháng chiến anh dũng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta chống thực dân Pháp. Tuy nhiên, việc thực hiện các nội dung đã được tuyên bố cuối cùng tại Hội nghị Giơ-ne-vơ đã gặp những khó khăn, cản trở lớn bởi những hành động phá hoại.
Theo nội dung Hiệp định, việc rút quân và chuyển giao quân lực, thiết bị và hậu cần của hai miền sẽ được hoàn tất trong phạm vi 300 ngày. Đại bộ phận đặc khu Hòn Gai, Cẩm Phả, tỉnh Quảng Yên cùng Hải Phòng nằm trong vùng tập kết 300 ngày này của quân đội Pháp. Tuy nhiên, Hiệp định ký kết chưa ráo mực, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đã liên tục tuyên truyền, dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào ở các vùng tạm chiếm trước đây di cư vào Nam. Âm mưu của chúng là hòng làm cho tình hình chính trị, kinh tế, xã hội tại Vùng mỏ và toàn miền Bắc thêm trì trệ kéo dài. Đóng quân tại đâu, chúng ngang nhiên ra sức càn quét, liên tiếp tổ chức tập trận, vây ráp để khủng bố nhân dân, di chuyển máy móc trái phép, cài cắm lực lượng phản động. Chúng cũng tiến hành xúi giục các thế lực phản động tại địa phương tiến hành cướp phá, gây rối trật tự, chống đối chính quyền... hòng làm suy yếu lực lượng ta về mọi mặt.
Nhưng âm mưu ấy đã vấp phải sức đấu tranh, tinh thần anh dũng, bất khuất của quân và dân ta. Thực hiện theo chỉ thị của Trung ương Đảng và trực tiếp là Khu ủy Hồng Quảng, các tổ tự vệ công nhân ở các công trường, xí nghiệp được thành lập, khẩn trương tiến hành bảo vệ máy móc thiết bị và các cơ sở công nghiệp, ngăn chặn nhiều máy móc quan trọng bị chuyển đi. Tiêu biểu như công nhân Nhà máy điện Hòn Gai đã bao vây nhà chủ mỏ tay sai, buộc phải để lại 8 động cơ khi chúng định di chuyển xuống Cẩm Phả để đưa vào miền Nam. Công nhân Nhà máy cơ khí Cẩm Phả đã kiểm soát các hòm máy mà chủ mỏ định chuyển đi, buộc chúng phải để lại 3 máy... Chính vì thế, sau này khi ta khôi phục khai thác than, các máy móc được giữ lại đã góp phần đưa hoạt động sản xuất trở lại nhanh chóng.
Bộ đội ta và các chiến sĩ an ninh tiếp quản Ty Công an - Cảnh binh của địch ở Hòn Gai. Nguồn: Trung tâm lưu trữ và sản xuất nghe nhìn Bộ Quốc phòng Pháp
Cuộc đấu tranh bền bỉ, kiên cường của công nhân và nhân dân Khu mỏ đã làm thất bại mọi âm mưu và hành động phá hoại của bọn thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, làm tê liệt bộ máy tay sai của địch, buộc chúng phải rút khỏi Khu mỏ theo đúng thời gian quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ. Cho đến ngày 24/4/1955, tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi khu mỏ, chấm dứt 72 năm, quân Pháp xâm chiếm, vơ vét tài nguyên, bóc lột người dân Vùng mỏ.
Ngày 25/4/1955, tại thị xã Hòn Gai, quân và dân Hồng Quảng đã mít tinh trọng thể để mừng khu mỏ được hoàn toàn giải phóng. Ủy ban Quân chính Hồng Quảng ra mắt trước toàn thể nhân dân.
70 năm sau ngày giải phóng Vùng mỏ, người dân Quảng Ninh và bạn bè quốc tế đang chứng kiến những đổi thay toàn diện của quê hương giàu truyền thống cách mạng. Bài học từ lịch sử giúp thế hệ trẻ trân trọng nền hòa bình, độc lập; từ đó ra sức thi đua học tập, lao động xây dựng đất nước giàu mạnh.
Hoàng Giang
Nguồn: https://baoquangninh.vn/hiep-dinh-gio-ne-vo-va-su-mong-cho-cua-nguoi-dan-vung-mo-3352219.html
Bình luận (0)