Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Thăng Bình (xã Quảng Điền) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sản xuất chính là trồng lúa nước; quản lý khai thác các công trình thủy lợi với tổng diện tích sản xuất 653 ha. Hiện HTX có 22 thành viên chính thức và hơn 700 thành viên liên kết.
Ông Đoàn Công Bình – Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thăng Bình cho hay, thay vì sản xuất lúa nước nhỏ lẻ, sản lượng, chất lượng thấp như trước đây thì nay các xã viên đã chuyển sang sản xuất theo lối tập trung, áp dụng “3 giảm, 3 tăng” để nâng cao thu nhập và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp.
Vụ Đông Xuân năm 2023 - 2024, HTX đã khoanh vùng sản xuất lúa theo chuỗi liên kết giá trị sản phẩm với quy mô 40 ha. 40 nông hộ tham gia vào dự án đều được hỗ trợ trung bình hơn 10,8 triệu đồng/ha để đầu tư sản xuất. Sau thu hoạch, lúa đạt tiêu chuẩn được xuất bán, nông hộ có lợi nhuận tăng thêm khoảng 8 triệu đồng/ha.
Năm 2024, HTX đã liên kết với các doanh nghiệp sản xuất lúa giống Đài Thơm 8 (150 ha), lúa thương phẩm (170 ha) và lúa giống RVT (35 ha). Qua đó từng bước hướng nông hộ tới sản xuất lúa có sản phẩm đạt tiêu chuẩn, chất lượng cao để nâng cao giá trị lúa gạo ở địa phương.
Thành viên Tổ hợp tác Gạo thơm 10/3 giới thiệu quy trình sản xuất lúa. |
Thành lập tháng 9/2023, Tổ hợp tác (THT) Gạo thơm 10/3 (xã Ea Bông) có 19 thành viên cùng tham gia sản xuất lúa giống Đài Thơm 8 theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 30 ha. Ông Lê Văn Kim, Tổ trưởng THT chia sẻ, để thành lập được THT, ngoài việc tuyên truyền để nông dân hiểu rõ hơn về hiệu quả khi tham gia liên kết sản xuất thì THT đã lựa chọn hợp tác với các nhà sản xuất, nhà phân phối, đáp ứng nhu cầu vật tư nông nghiệp trong sản xuất cho thành viên và nông dân; hỗ trợ chuyển giao quy trình kỹ thuật, tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm làm ra với giá bán cao hơn bên ngoài liên kết.
Thấy rõ lợi ích khi liên kết sản xuất, nhiều nông hộ đã cùng tham gia. Từ 19 thành viên ban đầu, đến nay THT đã có 39 thành viên với tổng diện tích hơn 45 ha, năng suất bình quân đạt trên 10 tấn/ha.
HTX Sản xuất ca cao hạt Tân Thành (xã Ea Na) có 15 thành viên, bên cạnh việc liên kết hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, thu hoạch và thu mua toàn bộ sản phẩm cho bà con với giá cao hơn thị trường 10%, HTX đang liên kết với Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn (doanh nghiệp có trang trại ca cao được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh) phát triển mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch. Ông Nguyễn Văn Sỹ, Giám đốc HTX cho hay, tham gia HTX, nông dân ngày càng gắn bó hơn với nhau, cùng trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong sản xuất. Đây là tiền đề để mở rộng vùng liên kết sản xuất theo hướng ổn định, bền vững, đồng thời cũng là nền tảng để HTX phát triển cả về năng lực và quy mô hoạt động.
KTTT có vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, là tiền đề quan trọng góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững. Thời gian qua, hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX, THT và trang trại nông nghiệp trên địa bàn huyện Krông Ana ngày càng đa dạng, trong đó một số HTX nông nghiệp tiếp tục tăng vốn điều lệ và mở rộng ngành nghề hướng đến dịch vụ phục vụ thành viên và cộng đồng.
UBND huyện Krông Ana luôn quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động ổn định và nâng cao năng lực đối với 30 HTX, 14 THT tại địa bàn. Ngoài ra, toàn huyện hiện có 64 trang trại nông nghiệp với diện tích hơn 321 ha, trong đó có 42 trang trại trồng trọt, 20 trang trại chăn nuôi, 1 trang trại thủy sản, 1 trang trại tổng hợp; có 130 hộ nuôi chim yến với 142 nhà yến, bước đầu đã có thu hoạch sản phẩm cung cấp ra thị trường.
Cán bộ, hội viên nông dân huyện Krông Ana tham quan mô hình sản xuất của thành viên HTX Sản xuất ca cao hạt Tân Thành. |
Mặc dù đã và đang góp phần quan trọng và giải quyết việc làm, phát triển kinh tế ở địa phương song cũng cần nhìn nhận rằng chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực KTTT của huyện Krông Ana nhìn chung còn thấp. Bên cạnh đó, sản lượng sản phẩm nông nghiệp chủ lực được sản xuất, tiêu thụ trong các chuỗi giá trị chưa đạt yêu cầu đề ra, chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với tổng sản lượng sản xuất trên địa bàn.
Thời gian tới, bên cạnh việc hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của các HTX, THT, huyện tiếp tục tạo điều kiện, đôn đốc các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn; đẩy mạnh thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết chuỗi đặc biệt là xây dựng hạ tầng cơ sở, nhà máy chế biến nông, lâm sản; liên kết với các hộ nông dân từ sản xuất đến thu mua, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi liên kết. Từ đó, nâng cao hiệu quả hoạt động, tạo sức bật mới cho KTTT, góp phần nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Nguồn: https://baodaklak.vn/kinh-te/202504/huyen-krong-ana-quan-tam-phat-trien-kinh-te-tap-the-b430fca/
Bình luận (0)